(VNTB)-Hội Nhà báo VN: “Hót” theo lệnh chủ hay tranh luận công khai?

Hoàng Văn Hùng

Không thể hót theo lệnh chủ!

(VNTB) – Khi một thể chế đã lỗi thời thì thể chế đó trở nên phản động, hại nước hại dân. Và đương nhiên sẽ có những người đứng lên chống lại nó – công khai và không công khai. Khi đó, chính cái thể chế phản động đó sẽ la làng lên, gọi những người chống đối mình là “phản động”, cũng dễ hiểu thôi. “Phản động” của “phản động” thành “chống phản động”. Âm của Âm là Dương. Từ năm 1930 đến 1945, đối với chính quyền đương đại, tiền thân của đảng CSVN cũng là một tổ chức “bất hợp pháp”, các vị tiền bối của nó cũng là những kẻ “tiền án, tiền sự”.

Ông Phạm Quốc Toàn đang là Phó chủ tịch của một cái công cụ của Đảng CSVN ( điều này thì ông ta đã hiên ngang tuyên bố bằng những lời có cánh như sau: “ báo chí Việt Nam thực sự là tiếng nói của Ðảng” ; “thực hiện chính sách thông tin – báo chí”…), đương nhiên ông phải ra sức chiến đấu cho đảng của ông (cũng chính là cho nồi cơm của ông).

Ông Toàn nói: “cái gọi là HNBĐLVN đã ra đời bất hợp pháp”. Vâng, để chống lại một cái chính quyền đang thối rữa, tôi – công dân Hoàng Văn Hùng – sẵn sàng “bất hợp pháp” để hoạt động. Nhưng tôi xin thưa với ông Toàn: ông là kẻ nói láo! Điều 25 Hiến pháp “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Nếu việc nào mà pháp luật chưa quy định hoặc mù mờ, không đủ chi tiết cho công dân hoạt động thì không có nghĩa là người làm việc đó vi phạm pháp luật. Cũng như việc người ta kinh doanh những thứ mà pháp luật chưa nói đến thì không có nghĩa là người ta phạm pháp. Nguyên tắc cơ bản này cũng được nêu rõ trong Công ước quốc tế về Quyền con người mà chính nguyên thủ VN cũng đã thò bút ký vào đó.

http://www.bienphong.com.vn/baobienphong/news/khong-can-cai-goi-la-hoi-nha-bao-doc-lap/26733.bbp

Ông Toàn còn tự hào tuyên bố “Ở Việt Nam, chỉ có Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp duy nhất, mái nhà chung của những người làm báo Việt Nam”. Tôi cũng tuyên bố với ông: tôi là người làm báo đây, nhưng tôi không thèm chui vào cái mái “nhà chung” của ông đâu. Tôi muốn làm người tự do nói, tự do viết, đúng Sự Thật và lương tâm của mình. Tôi không thể và không muốn làm loài mỏ cong não ngắn để hót theo lệnh chủ, ông ạ!

Có dám tranh luận công khai?

Cũng theo lời ông Toàn, Hội NBĐLVN “là một tổ chức hoạt động trái pháp luật dưới danh nghĩa “tự do báo chí”. Này ông, cái “danh nghĩa” đó cũng chính là cái mà các ông đang tự rêu rao cho cái nền báo chí thảm hại của mình. Bởi vì đến trẻ con ở đất nước này cũng hiểu “tự do báo chí” ở VN nó ra làm sao, phải không ông? Cái “Danh nghĩa” như ông đang cạnh khóe người ta cũng còn tốt hơn vạn lần cái “danh” vô nghĩa của ông, ông nhé!

Khi một tên cướp tự tách ra khỏi đảng cướp để hoàn lương, anh ta sẽ bị đồng bọn cũ xử tội. Chỉ những tên cướp “trung kiên” mới được chúng khen là “có bản lĩnh, chuyên nghiệp”. Tôi liên tưởng tới điều đó khi nghe ông Toàn ưỡn ngực thốt ra thế này “Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là những trí thức có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, không có bất cứ ai có thể thuyết phục, lôi kéo được họ”. Ông còn trơ tráo đến mức đồng hóa đảng với nước với dân: “chống đối Đảng, Nhà nước cũng là chống đối nhân dân, đi ngược lại quyền lợi của đất nước”. Khiếp quá!

Chỉ là một phó thường dân, nhưng tôi thách ông Nguyễn Quốc Toàn dám đối mặt trong một cuộc tranh luận công khai với bất cứ ai trong Hội NBĐLVN, kể cả tôi, để phản biện bất cứ sản phẩm báo chí nào của Hội. Nếu là người còn chút danh dự, ông hãy dám làm như vậy, ông à.

Sinh ra Nhà báo là để viết. Phàm là người quân tử, muốn chống lại nhà báo, thì hãy dẫn những bài viết của họ ra mà chống; muốn chống lại một cái Hội, hãy xem xét chi tiết từ cương lĩnh đến hoạt động của cái hội đó. Nép vào cường quyền để chụp mũ thóa mạ người ta vô căn cứ là một việc dễ dàng và bỉ ổi nhất của hạng tiểu nhân theo đóm ăn tàn. Nếu ông Toàn không phải đang mang cái danh “phó chủ tịch” thì tôi cũng chẳng quan tâm đến bài phỏng vấn đã dẫn ở trên, như câu ngày nay người dân Giao Chỉ hay thốt ra: “chán chả buồn nói!” Nhưng tôi thông cảm, kiểu cách của ông Toàn là chuyện thường ngày ở xứ “bí cháo” quốc doanh nhà ta.

Thường thôi!

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)