Việt Nam Thời Báo

VNTB- Hội thảo Hán-Nôm: Nền báo chí chưa trưởng thành?

Kiều Phong

(VNTB) – Ngay khi bài báo trên Vietnamnet xuất hiện, vô số người đọc phổ thông lao vào chửi tiến sĩ Đoàn Lê Giang là “phản quốc”, là “chống lại dân tộc”, chỉ vì tiến sĩ Giang đề xuất dạy chữ Hán- chữ Nôm trong trường phổ thông.

Kết quả hình ảnh cho hinh anh Hội thảo Hán-Nôm
TS Đoàn Lê Giang cho rằng nên đưa chữ Hán Nôm vào dạy trong nhà trường phổ thông. Ảnh: Lê Văn

Không biết gì cũng cãi

Về vụ việc tranh cãi xung quanh đề xuất dạy chữ Hán- chữ Nôm trong nhà trường phổ thông, câu chuyện tưởng chừng đã khép lại. Xã hội Việt Nam đâu lại vào đấy, nhưng qua đó chúng ta thấy được văn minh của dân tộc đang ở mức độ nào.

Cuộc khủng bố tâm lý đối với tiến sĩ Đoàn Lê Giang đã diễn ra, dưới sự giúp sức của một thứ gọi là tinh thần dân tộc cực đoan. Những người không hiểu mô tê gì cũng nhảy vào chửi rủa thầy Giang thậm tệ: Nhiều người không phân biệt được giữa hai việc học chữ Hán và học tiếng Hán. Họ không biết rằng học chữ Hán theo phiên âm Hán-Việt thì không giao tiếp với người Trung Quốc được, vì người Trung Quốc đọc chữ Hán bằng âm Hoa, khác với đọc chữ Hán bằng âm Hán-Việt. Ví dụ, ông cha người Việt cũng thạo chữ Hán như người Trung Quốc, nhưng cả hai không thể nói chuyện cho nhau hiểu mà phải thông qua bút đàm.
Thạc sỹ Phùng Hoài Ngọc- cựu giảng viên văn khoa đại học An Giang phải ghi chú thêm: ở một mức độ nhất định, rằng chữ Hán mà các nhà giáo đang muốn đề cập đến, đáng ra phải gọi là Hán cổ tự (1). Bởi lẽ, Hán cổ tự khác với thứ chữ Hán giản thể bị đảng Cộng sản Trung Quốc làm cho cụt đầu cụt đuôi.

Có người còn không biết rằng chữ Hán là chữ Hán, chữ Nôm là chữ Nôm, không có thứ chữ nào gọi là chữ Hán Nôm. Nhiều người còn không biết rằng chữ Nôm là ông cha người Việt chế tác ra từ chữ Hán. Muốn biết chữ Nôm của thì phải biết chữ Hán. Ấy vậy mà họ lao vào chửi tiến sĩ Đoàn Lê Giang cứ như thể mình là chuyên gia về thứ ngôn ngữ này.
Khi tranh cãi về một sự việc, người này phải có một hiểu biết tương đương với người kia. Hoặc ít ra cũng phải có một hiểu biết cơ sở về vấn đề đang tranh cãi. Không cần biết đề xuất đúng hay sai, phàm những ai liếc qua tiêu đề bài báo trên Vietnamnet rồi vội vàng nhảy vào bình luận chửi tiến sĩ Đoàn Lê Giang thì đã là người kém văn hóa.

Khủng bố tâm lý

Ngay khi bài báo trên Vietnamnet xuất hiện, vô số người đọc phổ thông lao vào chửi tiến sĩ Đoàn Lê Giang là “phản quốc”, là “chống lại dân tộc”, chỉ vì tiến sĩ Giang đề xuất dạy chữ Hán- chữ Nôm trong trường phổ thông. Trên Facebook cá nhân của vị phó giáo sư này, có vô số tài khoản đăng bình luận chửi tiến sĩ Đoàn Lê Giang thậm tệ. Nhiều người như lên đồng, tụ tập nhau như thể trong thời đấu tố cải cách ruộng đất.

Trong những lời bình luận mạt sát cá nhân đó, văn hóa sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam thể hiện ra. Những bình luận (comments) tục tĩu nhất thuộc về những người dùng facebook với tên giả. Đây gọi là ném đá giấu tay. Được hiệu ứng đám đông nhân rộng, cộng đồng mạng đã tổ chức một cuộc khủng bố lên cá nhân tiến sĩ Đoàn Lê Giang.

Người Việt chưa có văn hóa tranh luận. Khi tranh luận ở những nước văn minh, người đồng tình hay ủng hộ một quan điểm phải chịu trách nhiệm về những lời mình nói. Nghĩa là, anh ta phải công khai tên thật và nơi làm việc. Chẳng hạn, tác giả Phùng Hoài Ngọc và Tôn Phi trên tờ Việt Nam Thời Báo khi viết bài bình luận về nên hay không nên dạy chữ Hán- chữ Nôm và dạy ở mức độ nào, họ đã công khai danh tính thật, để chịu trách nhiệm về những lời mình nói. Tờ Việt Nam Thời Báo còn phải đăng ảnh thật của hai tác giả này để chứng minh rằng lời nói của mình là nghiêm túc. Trên đài Anh BBC, phóng viên Quốc Phương phỏng vấn nhà báo Frank Ip có nên dạy chữ Hán trong nhà trường Việt Nam, họ cũng phải quay truyền hình trực tiếp (Facebook Live), dù cuộc trò chuyện đó chỉ mang giá trị tham khảo.

Trong những cộng đồng có ý thức khi tranh luận, mọi thông tin phải minh bạch. Khi bàn luận về những chuyện quan trọng như vậy, không công khai danh tính thì không phải là người văn minh. Đáng tiếc một xã hội được dán nhãn công bằng-dân chủ-văn minh lại là một cộng đồng như vậy. Dùng tên giả, nick giả để tranh luận về những vấn đề thật, là mặt trái của mạng xã hội ở những nơi văn hóa thấp. Thậm chí, một số người là giảng viên nhưng cũng dùng nick nặc danh để công kích các tác giả. Ở chiều phản đối, dù tác giả đã thể hiện quan điểm công khai theo lối một – một, nhưng có giảng viên đọc xong đã giấu tên để comment chửi rủa các tác giả là “học vẹt” …
Nền báo chí chưa trưởng thành

Tại trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nơi công tác của tiến sĩ Đoàn Lê Giang, sự cố “Hội thảo” tuy vậy vẫn còn nhức nhối. Từ giảng viên đến sinh viên hầu hết cảm thông và vẫn kính trọng người thầy. Nhiều ý kiến bảo vệ tiến sĩ Giang khỏi những lời chửi rủa tập thể, không chỉ vì tình thầy trò hay tình đồng nghiệp, mà để bảo vệ cho phép lịch sự tối thiểu.

Cơ quan báo chí đưa tin về hội thảo, cụ thể là tờ Vietnamnet, có trách nhiệm trong sự cố này. Một tiến sĩ văn học, nói rằng lỗi là do báo chí nước ta chưa trưởng thành. Các thầy trong hội thảo Hán- Nôm nói một đằng, phóng viên Vietnamnet đưa tin một kiểu. Một nửa cái bánh mì vẫn còn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật lại không còn là sự thật, Vietnamnet thì đưa tin quá tóm lược. Cùng một nội dung nhạy cảm như thế, thông thường phải là một series tường thuật nhiều kỳ mới có thể chuyển tải hết nội dung. Nhưng Vietnamnet, cũng như hệ thống báo chí lề đảng của Việt Nam, xưa nay không được công nhận là một nền báo chí đưa tin đầy đủ. Bài báo đã đăng lên, gạo đã nấu thành cơm, không thể rút được nữa. Quá nhiều người đã đọc bài báo quá ngắn đó. Tờ Vietnamnet thì cho tới nay vẫn chưa lên tiếng chịu trách nhiệm cho sự cố vừa rồi. Về sự non nớt chưa trưởng thành của báo chí, vị tiến sĩ nọ không nói riêng cho tờ Vietnamnet mà nói chung cho cả nền báo chí Việt Nam.
Cho đến lúc này, nhiều người vẫn còn chưa nắm được thông tin về hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn hoá đương đại. Hội thảo đó do cơ quan nhà nước hay tư nhân tổ chức? Kinh phí công tổ chức hội thảo đó hay những người tham dự hội thảo bỏ tiền túi? Ý kiến của hội thảo đó có mang đến chương trình hành động hay chỉ mang tính chất tham khảo?… Bài báo trên Vietnamnet không hề giúp bạn đọc được biết những thông tin trên.

Hậu quả là đã có một cuộc khủng bố  tâm lý tập thể lên một cá nhân. Một dân tộc sẽ còn gây ra nhiều cuộc khủng bố như thế nữa, nếu dân tộc đó không chịu trưởng thành. Từ thế kỷ trước, thi sĩ Tản Đà đã phải ngậm ngùi nhận xét:

“Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.”

Chú thích:
(1)  Gọi là Hán cổ tự vẫn chưa thật tường minh, bởi lẽ Hán cổ tự, Hán tự phồn thể và Hán tự giản thể theo thứ tự xuất hiện sau. Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc nói đến Hán cổ tự với ý định nói đến loại chữ Hán mà vương triều Tần thống nhất và quy định.
Tham khảo:
Bài báo đầu tiên trên Vietnamnet, tường thuật một cách không đầy đủ đề xuất của hội thảo Hán- Nôm: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/323804/can-day-chu-han-de-giu-su-trong-sang-cua-tieng-viet.html
Bài báo của sinh viên Tôn Phi phân tích tính bất khả thi của đề án dạy Hán-Nôm: http://www.ijavn.org/2016/09/vntb-oi-thoai-voi-pgs-ts-oan-le-giang.html
Bài trả lời phỏng vấn của nhà giáo Phùng Hoài Ngọc bình luận về cuộc tranh cãi :
Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc phân tích có nên đưa Hán Nôm vào trường phổ thông:
Quốc Phương của BBC phỏng vấn nhà báo Frank Ip- một người gốc Hoa, về việc nên hay không nên dạy chữ Hán- chữ Nôm trong trường phổ thông Việt Nam, trên đài Anh BBC:



* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tin bài liên quan:

VNTB- Giảng viên đại học phải kiêm quá nhiều việc hành chính, kể cả ‘làm việc’ với công an

Phan Thanh Hung

VNTB- GS. Phạm Quang Tuấn: Phải có tam quyền phân lập, phải có đa đảng

Phan Thanh Hung

VNTB – Thầy giả vờ dạy, trò giả vờ học: thời giảng đường không còn lý tưởng.

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo