Quang Nguyên
Chiều Chúa Nhật ngày 24 tháng 5, cuộc hội thảo trực tuyến liên quan đến cuốn sách Thiên Mệnh Không Còn viết về Hoa Kỳ Phản Bội Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tác giả Tiến sĩ Geoffrey D.T. Shaw, đã được tổ chức tại Museum of the Republic of Vietnam, 9842 Bolsa Ave #205, Westminster, CA.
Tác giả cuốn sách, Tiến Sĩ Shaw, cho biết khi học cao học, ông đọc một số báo chí Hoa Kỳ như tờ New York Times ..thấy Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị mô tả như một nhà độc tài, tham nhũng. Sau này tìm hiểu, biết rõ thêm, ông thấy ông Diệm như một nhà tu, một người đạo đức, không thể là một người độc tài, chuyên chế, tham nhũng. Luận án tiến sĩ của ông về TT Diệm đã bị một số giáo sư trong phân khoa của ông chống đối, định phá bỏ vì họ có những cái nhìn sai lầm, thiên kiến đối với TT Diệm xuyên qua truyền thông Mỹ và nhiều người trong chính giới Hoa Kỳ lúc đó. Tác giả cuốn sách đã phải kiện cáo, đấu tranh rất nhiều để luận án tiến sĩ của ông được công nhận. Đó là một luận án vô cùng công phu, dài gấp 4 lần [khoảng 1100 trang] cuốn sách Thiên Mệnh Không Còn, là luận án mà ông tóm tắt lại. Tiến sĩ Shaw ca ngợi TT Ngô Đình Diệm như một Vì Sao Lấp Lánh, a Shining Star.
Để nhiều anh chị em trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử cận đại của Việt Nam, nhóm tham gia dịch cuốn sách của TS Shaw, bà Lê Minh và các ông Việt Thanh (Quang), Nguyễn Tiến và Phan Quang Trọng đã lần lượt trình bày về bối cảnh chính trị của nước VN từ thời Hàm Nghi trở về sau, cuộc chiến Đông Dương, và diễn biến chính trị, chiến tranh từ ngày đảo chánh TT Diệm cho đến khi miền Nam VN sụp đổ. Vì nhiều người trẻ từ những nơi khác nhau trên thế giới tham dự, nên phần trình bày phải bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt.
Các diễn giả lý giải việc miền Nam VN thất thủ nguyên do bởi chính quyền Mỹ, chủ yếu là những người trong bộ ngoại giao và truyền thông thiên tả đã gây nên cái chết của TT Diệm, tiếp đến là những bất ổn về chính trị, chia rẽ trong nội bộ miền Nam Việt Nam, và nhân cơ hội, Trung Cộng và Nga tăng cường viện trợ tối đa cho Bắc Việt.
Tổng Thống Johnson muốn quân đội Nam Việt Nam được huấn luyện để đối đầu với tấn công toàn lực của quân chính quy từ Bắc VN như Bắc Hàn dùng quân chính quy và xe tăng của họ khi họ chiếm gần hết lãnh thổ của Nam Hàn. Nhưng ông Diệm biết là cách huấn luyện này sẽ làm cho VNCH thua chiến lược du kích, nằm vùng của Việt Cộng do Hà Nội chỉ đạo. Chiến lược mà Hoa Kỳ áp đặt lên quân đội VNCH khi còn ông Diệm và suốt thời gian còn lại của VNCH là nguyên nhân của sự thất bại của Hoa Kỳ và VNCH năm 1975. Chúng ta nên nhớ là mãi đến khi Hoa Kỳ sắp rời bỏ VNCH thì CSVN mới chuyển nhanh sang chiến lược dùng nhiều quân chính quy và vũ khí nặng như thiết giáp, đại pháo sau khi chiến lược “nổi dậy” (bạo loạn bằng chiến tranh du kích, tuyên truyền, khủng bố có tổ chức, hệ thống), của họ thành công tại nhiều vùng “xôi đậu” khắp miền Nam. Trước đó, việc ông Diệm đã thấy rõ là VNCH phải học theo chiến lược của người Anh chống bạo loạn theo kiểu du kích, nằm vùng của Cộng sản Mã Lai thì mới bảo đảm được tương lai của VNCH. Đây là một trong mấy lý do chính mà Hoa Kỳ đã quyết định loại bỏ ông Diệm. Cuộc chiến Nam Bắc giằng co làm Hoa Kỳ mệt mỏi. Hà Nội biết không thể thắng cuộc, họ lên kế hoạch đánh bại ý chí chiến đấu của dân chúng Hoa Kỳ. Cuộc chiến Tết Mậu Thân và luận điệu phản chiến của truyền thông Mỹ ảnh hưởng nhiều đến tinh thần của dân chúng Hoa Kỳ.
Phóng viên Việt Nam Thời Báo hỏi về người trẻ Việt Nam ở Mỹ nghĩ sao về TT Diệm, TS Phan Quang Trọng, Chủ Tịch Hội đồng Quản trị Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ trả lời:
“Chúng tôi không biết có tổ chức hay cá nhân nào làm một cuộc thăm dò có tính khoa học để biết nguời trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ nghĩ gì về TT Ngô Đình Diệm, nhưng đa số những nguời trẻ chúng tôi tiếp xúc trong cộng đồng chúng tôi hoạt động còn quan tâm đến lịch sử Việt Nam thường có hai quan điểm:
(1) Tổng thống Ngô Đình Diệm là người có công sáng lập Việt Nam Cộng Hòa, có công định cư hàng triệu người Bắc di cư, có công đưa miền Nam từ chiến tranh sang một thời kỳ có thể nói an bình và trù phú nhất trong lịch sử cận đại, và đặc biệt có công xây dựng nền tảng kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội cho miền Nam tự do, và
(2) Bên cạnh đó cũng có thiểu số người trẻ cho rằng ông Diệm độc tài, gia đình trị và đàn áp Phật giáo, nhất là các bạn trẻ đến du học hay định cư tại Hoa Kỳ sau khi đã truởng thành và có thời kỳ từng sống và học tập tại Việt Nam. Như vậy đa số các bạn trẻ đưa ra nhận định của mình là dựa theo những gì học hỏi từ gia đình, từ truờng học như truờng hợp các em truởng thành tại Việt Nam, hay do tự nghiên cứu, tìm hiểu một cách khách quan và khoa học về ông Ngô Đình Diệm và chính phủ của ông. Chung tôi có dịp tiếp xúc với cả hai quan niệm và nhận thấy các bạn trẻ có cái nhìn quân bình về ông Diệm thường tìm hiểu một cách khách quan và khoa học và đặc biệt còn có những đóng góp giúp làm sáng tỏ hơn về thời kỳ đầy biến động và hiểu lầm nàỵ. Chúng tôi xin đơn cử một số nguời trẻ mà chúng tôi nghĩ đã góp phần vào công việc làm sáng tỏ thêm về cá nhân và chính phủ ông Ngô Đình Diệm:
1 ̣ Duợc sĩ Peter Bảo Vinh từ Garland, Texas, người sáng lập ra tổ chưć Nolting Foundation và đuơc̣ gia đình Ông đại sứ Nolting ủy thác dịch hồi ký của ông sang Việt ngữ ̣ Ông Nolting là đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam trong lúc ông Ngô Đình Diệm còn tại vị, ông Nolting đã đưa ra một cái nhìn đúng đắn và công bình về Ông Diệm nguợc lại với báo chí và một số nhân viên cao cấp trong Bộ ngoại giao Hoa kỵ̀ . Hồi ký của ông Nolting do anh Bảo Vinh dịch và do Nolting Foundation xuất bản năm 2018.
2 ̣ Giáo sư trung học Bùi Thảo Nhi từ Arlington, Texas, chủ tịch chấp hành của tổ chức NOVAL tại Texas (NOVAL: National Organization of Vietnamese American Leaders) ̣ Cô Nhi là nguời đã bảo trợ dự án dịch thuật tác phẩm “The Lost Mandate of Heaven” của Ts ̣ Geoffrey Shaw sang Việt Ngữ, tác phẩm đuợc NOVAL ấn hành năm 2021 ̣ Hy vọng trong tương lai cô Thảo Nhi và tổ chức cuả cô tiếp tục yểm trợ các dự án làm sáng tỏ lịch sử Việt Nam tương tự ̣
3 ̣ Bác sĩ Nguyễn Quân, giám đốc Viện bảo tàng VNCH (VBT VNCH, Museum of the Republic of Vietnam, http://museumrvn.com/) tại 9842 Bolsa Ave, #205, Westminster, California). Chủ trương của VBT VNCH là gìn giữ và phát huy di sản Việt Nam Cộng Hoà ̣ Ngoài việc có một nơi để trưng bày các hiện vật của quân đội cũng như của quốc gia VNCH cho các bạn trẻ hơn hay nguời bản xứ tại Hoa Kỳ đến để tim̀ hiểu, học hỏi về VNCH, về kinh nghiệm của nguời Việt tyị nạn CS, VBT VNCH còn tổ chức nhiều cuộc hội luận, ra mắt sách, trong ý muốn làm sáng tỏ lịch sử cận đại của Việt Naṃ. Buổi hội luận về cá nhân và chính phủ của ông Ngô Đình Diệm đuợc tổ chức tuần trước cũng nằm trong ý hướng đưa ra một cái nhìn trung thực về lịch sự VN qua các công trình sáng tác khoa học và khách quaṇ.
Chúng tôi thiết nghĩ đây là những nguời trẻ đã có cái nhìn và cố gắng tích cực về lịch sử Việt Nam nói chung và cá nhân Ông Ngô Đình Diệm nói riêng. Họ tiếp nhận những chia sẻ của những nguời đi truớc về lãnh vực lịch sử và tiếp tục đóng góp làm phong phú thêm qua những cố gắng cá nhân một cách khoa học để giúp các thế hệ kế tiêṕ có cái nhìn trung thực, đa chiều, và nhờ vậy đến gần sự thật hơn.”
VNTB đặt câu hỏi với các diễn giả:
Sau vụ Phật giáo 1963, nhiều Phật tử nhìn TT Diệm như kẻ thù đàn áp PG. Bây giờ nhiều người trong họ đã thay đổi cách nhìn về ông. Cuốn Thiên Mệnh Không Còn có phần nào làm thay đổi cách nhìn của một số Phật Tử về TT Diệm?
Ông Nguyễn Tiến trong chủ toạ đoàn trả lời:
“1/ Theo thiển ý của tôi, một người lớn lên trong gia đình bên nội là công giáo và bên ngoại là Phật giáo, và có mấy ông bác là sĩ quan cao cấp theo Phật giáo, thì tôi thấy trước khi có vụ lộn xộn về cờ Phật giáo, không có dấu hiệu nào là chính phủ Diệm kỳ thị tôn giáo. Khi còn ở căn nhà gần Viện Hoá Đạo Phật giáo ở Sài Gòn, tôi có cảm thấy cay mắt khi cảnh sát dùng lựu đạn hơi cay để giải tán cuộc biểu tình của Phật tử. Sau này, sau khi biết việc bà Ngô Đình Nhu quá đáng với Phật giáo, tôi rất khó chịu vì hành động của bà ta và khả năng tề gia của hai ông Diệm, Nhu. Bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng hành động của bà Nhu không hợp lý và có thể đã làm nguy hại cho cơ nghiệp của ông Diệm và ông Nhu, dẫn đến nhiều sự lộn xộn cho VNCH khi mấy ông tướng cầm quyền sau năm 1963.
Tôi nghĩ rằng vụ đàn áp Phật tử ở miền Trung có nguyên nhân phức tạp mà quyển sách đã làm sáng tỏ. Tôi không chấp nhận việc chính phủ làm thiệt mạng người dân khi họ chống đối ôn hoà, nếu vụ chống đối ở miền Trung hoàn toàn ôn hoà. Nhưng nếu nói rằng ông Diệm cấm treo cờ Phật giáo thì cũng không đúng hẳn.
Đại sứ Hoa Kỳ Nolting đã báo cáo về Hoa Thịnh Đốn như sau:
Tổng thống Diệm ra lệnh, khi treo cờ trước công chúng, lá cờ Việt Nam phải được nổi rõ hơn các cờ tôn giáo khác. Ông ra lệnh này sau khi có vụ cờ Vatican chiếm chỗ quá quan trọng trong một dịp mừng lễ Công giáo tại Huế. Hai ngày sau, một nhóm đông người cũng tụ tập tại Huế để mừng Lễ Phật Đản. Cờ Phật Đản được treo ở vị trí quan trọng hơn lá cờ quốc gia. Khi đám đông kéo tới chiếm đóng đài phát thanh, quân đội Việt Nam được ông tỉnh trưởng triệu đến để thực thi điều luật mới ra và bảo vệ đài phát thanh, cuộc biểu tình trở nên bạo động. Nhiều tiếng súng (hay tiếng nổ) xảy ra, kết quả 8 người thiệt mạng. [Nolting, Từ Niềm tin đến Bi kịch/ From Trust to Tragedy, 106.]
Sau khi đọc quyển sách này, tôi được biết thêm sự ưu ái của chính phủ Diệm với Phật giáo VN như sau:
“Trước khi bàn về căn nguyên và hậu quả của cuộc khủng hoảng Phật giáo này, tác giả cần phải xác nhận Tổng thống Diệm không phải là một kẻ cuồng tín và thù địch với Phật giáo. Một tay ông đã cứu Phật giáo miền Nam khỏi tình trạng gần như bị diệt vong. Sau khi Pháp rút lui, ông Diệm rất công bằng ủng hộ bất cứ ai bênh vực người Việt và bất cứ đóng góp của tôn giáo nào không thiên cộng, cho dù họ có theo Đức Phật, Khổng Tử hay Chúa Kitô. Chính phủ của ông Diệm trợ giúp những chương trình chỉnh đốn hệ thống tổ chức tôn giáo hay cộng đồng tôn giáo bị huỷ hoại thời Pháp Thuộc và bởi chiến tranh.
Tài liệu chính nói về sự hồi sinh của Phật giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm là một nghiên cứu của cha Piero Gheddo, một linh mục truyền giáo người Ý Đại Lợi, ghi lại tình trạng của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam và những xứ khác ở Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu này nhận ra vai trò quan trọng của chính phủ ông Diệm trong việc xây dựng lại hệ thống các chùa và trường học Phật giáo, bằng tiền của ngân quỹ quốc gia: nhờ vậy Giáo hội Phật giáo đã hồi sinh. Thật vậy, dưới sự bảo trợ của ông Diệm, “những trường cấp cao dành cho các nhà sư tại miền Nam Việt Nam đã tăng lên từ 4 tới 10; trong số 4.766 chùa trên toàn lãnh thổ, 1.275 được xây năm 1954 và 1.295 được chỉnh trang hoặc xây lại sau năm đó. Đồng thời, chính phủ ông Diệm đã cấp 9 triệu đồng VN để xây chùa (khoảng 1.600.000 Mỹ kim), và chính cá nhân Tổng thống Diệm đóng góp rất lớn vào công trình tu bổ ngôi chùa Xá Lợi rất nổi tiếng.” [1]
Ngoài ra, Linh mục Gheddo cũng tìm được thông tin về miền Nam Việt Nam, dưới thời ông Diệm, dưới sự điều hành của Tổng hội Phật giáo Việt Nam “ba tăng đoàn được tổ chức, gồm 3.000 chư tăng và 300 ni sư, và ba cộng đồng các cư sĩ, ngay cả trong những làng xa xôi; tổng cộng ba cộng đồng đó gồm 1.000.000 Phật tử, chưa kể những Phật tử không thuộc tổ chức nào.” [2] Hơn nữa, chính phủ của ông Diệm khuyến khích những chương trình sinh hoạt Phật giáo như tổ chức các nguyệt san Phật giáo, các buổi diễn thuyết, thuyết pháp, và phát triển thư viện.
[1] “Cây Thánh Giá và Cây Bồ Đề: Người Công giáo và Phật tử tại Việt Nam/ The Cross and The Bo-Tree: Catholics and Buddhists in Vietnam”, Piero Gheddo, transl. Charles Underhill Quinn (Sheed and Ward: New York, 1970), p. 176. Xin đọc “Bouddhisme Au Vietnam” của Mai Thọ Truyền (Sài Gòn: Chùa Xá Lợi, 1962).
[2] Đã dẫn như trên, trang 177.”
Diễn giả Việt Thanh, cũng trong chủ toạ đoàn, trả lời:
“Ngay trong thời gian có cuộc chống đối của Phật Giáo đối với TT Diệm, những người Phật tử khách quan đã nhận thấy là đa số các hành động của thành viên trong gia đình TT Diệm (Ô/B Nhu, Cậu Cẩn, Đức Cha Thục) đã đưa đến tình trạng chống đối của dân chúng; riêng đối với TT Diệm họ vẫn giữ sự kính trọng. Có một chính sách mà chính phủ Diệm đã áp dụng, nhưng không công bố, là viên chức nào về dân sự hay quân sự muốn được giữ chức vụ quan trọng thì phải gia nhập Đảng Cần Lao hay phải theo Đạo (Công Giáo).
Một số sự kiện, nếu được chứng minh bằng các nguồn tin độc lập và xác thực, mà trong cuốn sách đưa ra sẽ soi sáng vấn đề và làm giảm đi phần nào sự chia rẽ; vì đó là sự thực. Thí dụ như kết luận của Báo Cáo mà các điều tra viên của Liên Hiệp Quốc về Tự Do Tôn Giáo cho rằng sự việc xảy ra tại cuộc biểu tình của Phật tử trước Đài Phát thanh Huế không phải là một cuộc đàn áp tôn giáo!
Có nhiều cuốn sách và bài viết của nhiều tác giả Việt cũng như ngoại quốc đã đề cập đến vấn đề này; thì cuốn sách này không thể một sáng một chiều xoá tan đi được những hiểu lầm đáng tiếc giữa một số người thuộc hai tôn giáo lớn tại Việt Nam. Tôi thiết nghĩ là nhìn về tương lai của đất nước và đưa ra các kế sách để đem lại tự do dân chủ cho người dân VN là quan trọng bội phần so với những gì đã xảy ra trong quá khứ.”
Ông Tiến Nguyễn tiếp:
“Qua cuốn Thiên Mệnh Không Còn, tôi thấy không có bằng chứng chắc chắn Thượng Toạ Trí Quang là Cộng sản. Một vài chính phủ, như Phi Luật tân chẳng hạn, nghĩ rằng ông là Cộng sản. Tuy nhiên ông là người có nhiều tham vọng và chương trình, kế hoạch dài hạn.
Nhóm Phật giáo cộng tác với nhóm Caravelle – Caravelle là một nhóm nhỏ đã trở thành quá khích, thân cận với Thích Trí Quang, một nhà sư từng hoạt động chính trị từ những năm chống Pháp bắt đầu vào thập niên 1940. Dù không có bằng chứng cụ thể ông ta là đảng viên Đảng Cộng sản, việc ông ta cộng tác chặt chẽ với Cộng sản Việt Nam đã được ghi làm tài liệu tại Miền Bắc Việt Nam trong những phong trào chống thực dân phương Tây. Theo nữ ký giả Marguerite Higgins, một trong những người có được một cuộc phỏng vấn rất dài với ông Thích Trí Quang, ông ta là đệ tử của Thượng toạ Thích Trí Độ, một lãnh tụ của Giáo hội Phật giáo được nhà cầm quyền Cộng sản công nhận tại Hà Nội. Theo bà Higgins, Thượng tọa Thích Trí Quang thật không giống như những nhà sư trầm tĩnh, với tâm thiền định, mà bà quen biết. Bà tả ông với “đôi mắt sâu, ánh mắt rực lửa toát ra từ bên trong một vầng trán vừa rộng và vừa cao. Ông ta có cái thông minh rất lộ, hoàn toàn tự tại, nhưng đầy ngờ vực, tính toán.” Suốt thời gian có cuộc khủng hoảng Phật giáo, nữ ký giả Higgins theo dõi việc ông khuấy động các cuộc biểu tình. “Hậu quả thật là khủng khiếp. Sau khi tham gia biểu tình với TT Thích Trí Quang, đám biểu tình có thể vui sướng mà nhảy hết xuống sông Sài Gòn, nếu đó là điều ông ta muốn. Ông ta đích thật là một kẻ mị dân. Hận thù toát ra từ ông ta. Đám đông bị kích động bởi hận thù.
TT Thích Trí Quang là một thành viên của nhóm Caravelle, cùng với nhiều nhà sư quá khích khác, là một lợi khí rất đúng thời điểm cho Việt Cộng. Thời gian trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Phật giáo, Cộng sản miền Nam đang gặp khó khăn, theo lời ông Douglas Pike, một chuyên viên nghiên cứu về Cộng sản.
Ông Diệm chứng tỏ được sự bền bỉ không thể ngờ. Mặt trận Giải phóng Miền Nam ra đời với nhiều hy vọng, nhưng thất bại ê chề lúc đó. Tình trạng này đáng kể nhất cho dân quê Việt Nam, khi họ không còn bị thu hút bởi lý tưởng đánh đuổi ngoại xâm, và từ đó, bị lôi kéo theo vòng bạo lực và khủng bố ngày càng gia tăng…
Những báo cáo nội bộ trong thời điểm trước khủng hoảng Phật giáo liên tục nhấn mạnh về tình trạng gần như dậm chân tại chỗ của Cách mạng Cộng sản, về việc Cộng sản bị chống trả và gặp phải chống đối nhiều hơn dự tính, về những nỗ lực chống bạo loạn của Cộng sản của chính phủ ông Diệm – dù có gặp sự chống đối của dân chúng – cũng làm cho Cách mạng Cộng sản điêu đứng. Cộng sản sợ chỉ cần những đòn có tính cách ngắn hạn của chính phủ miền Nam Việt Nam cũng sẽ sớm phá huỷ tổ chức của Mặt trận Giải phóng và đánh đổ bạo loạn. Sự lo sợ này đang lên cao vào tháng 4 năm 1963, ngược hẳn với tình thế rất khả quan phía chính phủ của ông Diệm.
Thế mà, sau cuộc khủng hoảng Phật giáo, mọi sự đổi chiều bất lợi cho chính phủ VNCH. Bởi vì tâm điểm của cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam nằm ở thế chính trị, Cộng sản cần một nhóm có khả năng chống đối và gây rối, khiến cho dân chúng Miền Nam phải nghi ngờ tính chính danh của ông Diệm.”
Diễn giả, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Quân, Giám Đốc Viện Bảo Tàng Việt Nam Cộng Hoà, thêm ý:
“GS Shaw có nói trong cuốn sách là Thượng Toạ Quang có hoạt động với Việt Minh tại Hà Nội. Chính quyền VNCH thì chưa có bằng chứng gì, hay là không muốn bắt ông HT quá khích này gây thêm phẫn nộ bên Phật Giáo.
Sau 75 Hoà Thượng Thích Trí Quang chỉ bị giam một thời gian ngắn rồi thả về.“
Dược sĩ Nguyễn Minh Lượng, một Phật Tử thuần thành, trả lời câu hỏi này:
“1/ Sau vụ Phật Giáo 1963, nhiều người Phật tử vẫn giữ một lòng kính trọng với TT. Ngô Đình Diệm, bởi không ai có thể phủ nhận lòng yêu nước, tinh thần chống Cộng, liêm chính, có công lớn tổ chức tiếp đón đồng bào di cư từ miền Bắc vào miền Nam, xây dựng nền Đệ Nhất Cộng Hoà an bình, thịnh trị cho dân chúng về mọi mặt từ Kinh tế, Xã hội, Văn hoá, Giáo dục. Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã đóng vai trò không nhỏ trong lúc khởi đầu dẹp bao phiến loạn tại miền Nam Việt Nam nhất là chiến dịch Xây dựng Ấp Chiến Lược tại nông thôn.
Tuy nhiên, gia đình trị là một trong những yếu tố khiến Vụ Phật giáo 1963 trở nên trầm trọng trước mưu gian quỷ kế của Cộng sản Bắc Việt dẫn đến sự sụp đổ nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa.
Cuốn sách này, nếu được truyền tải trên quy mô rộng lớn hơn, sẽ có thể soi sáng phần nào những sự kiện lịch sử được phân tích rõ ràng trong sách và chắc chắn sẽ hàn gắn phần nào sự chia rẽ, nếu còn giữa hai tôn giáo lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới có thể hàn gắn được tư duy của mọi người.
Và như Anh Quang nhận định, chúng ta hãy nên quên đi quá khứ, chú tâm vào tương lai, góp phần tranh đấu mang lại Tự Do Dân Chủ cho Quê hương và Dân tộc.”
Diễn giả trong chủ toạ đoàn, ông Tiến Nguyễn nói thêm:
“Nã Phá Luân (Napoleon) từng nói: Để chuẩn bị cho một cuộc chiến, ta cần ba thứ chính: Tiền, tiền, tiền.
Hoàng đế Napoleon cũng là người cầm quyền đầu tiên chú trọng về tâm lý chiến và tuyên truyền.
Theo thiển ý của tôi, Napoleon đáng lẽ phải nói: Tiền, truyền thông, phản tuyên truyền.
Tổng thống và chính phủ Ukraine được NATO giúp tiền và vũ khí nhưng về truyền thông thì NATO và Nga thua Ukraine.
Ngoài hành động của bà Nhu, mình có thể nói là yếu tố chính là chính phủ VNCH rất dở về truyền thông và phản tuyên truyền để giải thích rõ ràng cho Phật tử về những sự hiểu lầm của đôi bên, và thu hút sự ủng hộ của Bộ ngoại giao và toà Bạch ốc Hoa Kỳ, báo giới Hoa Kỳ và quốc tế, công chúng Hoa Kỳ, v.v.
Một chi tiết nhỏ là có thể khá nhiều người từng nghe phong phanh về Đảng của ông Diệm, Nhu là Đảng Cần Lao, nhưng có thể không nắm vững lý do tại sao có đảng này. Theo tôi biết, Đảng Cần Lao không liên quan đến tôn giáo. Phật tử, Cao Đài, Hoà Hảo, v.v. đều có thể xin gia nhập đảng này. Mục đích của đảng này là chống lại tổ chức nằm vùng và cách tuyên truyền, dụ dỗ, đe doạ hữu hiệu của Đảng CSVN. Sau này, tôi đã thấy là Cộng sản nằm vùng rất nguy hiểm và trước tháng 4/1975 họ có mặt tại đô thị và rất nhiều vùng quê miền Nam VN. Đó là lý do hai ông Diệm Nhu muốn có một hệ thống có tính chất kiểm soát sâu rộng để đối phó với Đảng CSVN.
Tôi cũng được biết là khi hai ông Diệm Nhu mới vào miền Nam, trước khi quân đội của Cao Đài, Hoà Hảo, v. v. được sát nhập vào quân lực miền Nam Việt Nam, hai ông có rất ít quân và luôn luôn sợ quân Bình Xuyên tấn công. Việt Minh lúc bấy giờ thực chất là Việt Cộng hãy còn nằm ở nhiều nơi của miền Nam. Thế cô lực yếu, có lẽ ông Diệm chỉ dám tin vào những người mà ông cho là không phải hai mang như người Bắc di cư nói chung và Công giáo nói riêng, cũng như những người miền Trung và miền Nam thân cận với anh em của ông từ khi ông còn bôn ba sau khi từ quan.
Trong quyển sách của Tiến sĩ Shaw có đoạn này:
“Tướng Nguyễn Khánh, mặc dù là một người tham dự vào cuộc đảo chính của quân đội lật đổ ông Diệm năm 1963, diễu cợt về điều người ta kết án ông Diệm đàn áp hay kỳ thị Phật giáo. Ông ta nói trong cuộc phỏng vấn với tác giả, ông ta là Phật tử nhưng lại rất được ông Diệm tin dùng và được coi như bạn. Ông Diệm chỉ “giao trọng trách cho những người ông tin tưởng nhất,” Linh mục Gheddo giải thích, “nhưng đây không dựa trên phương diện niềm tin tôn giáo cá nhân, mà trên căn bản chống Cộng của người đó. Chế độ của ông Diệm không bao giờ có thể bị gọi là một chế độ ‘Công giáo’ ” Ông Diệm ý thức chuyện bị kết án là cách cai trị của ông đượm màu Công giáo và cố gắng rất nhiều để tạo ra một chính phủ thật sự đại diện cho dân tộc Việt Nam.
Theo tôi biết, ông Diệm và ông Nhu chiêu dụ (hoặc vừa áp lực, vừa chiêu dụ) được:
(a) lực lượng vũ trang Cao Đài ly khai của ông Trình Minh Thế;
(b) lực lượng vũ trang Cao Đài;
(trước khi Đại tá Trình Minh Thế – sau là Thiếu tướng – và 5000 binh sĩ Cao Đài ly khai với giáo phái Cao Đài, ông TMT là tham mưu trưởng của quân đội Cao Đài phục vụ vị tướng chỉ huy trưởng của quân đội này);
(c) lực lượng vũ trang Phật giáo Hoà hảo;
(d) và dẹp được lực lượng phiến loạn Bình Xuyên giàu có. Pháp dựa vào Bình Xuyên để dẹp du kích Việt Minh Cộng sản gần Sài Gòn trước năm 1954, và cho Bình Xuyên nắm Cảnh sát công an Sài Gòn – Chợ Lớn và kỹ nghệ giải trí ở đó như sòng bài, vũ trường.
Theo thiển ý của tôi, có thể còn một số người Cao Đài và Phật giáo Hoà Hảo không mấy hâm mộ ông Diệm vì giáo phái này không còn nhiều quyền tự trị sau khi chính phủ của ông áp lực, chiêu dụ các lực lượng vũ trang độc lập về với quân đội VNCH để VNCH có đủ sức chống Việt Cộng. Có thể còn một số người Cao Đài và Phật giáo Hoà Hảo đã hiểu rằng không nên có năm phe bảy phái tại miền Nam vì CSVN rất nguy hiểm trong khi VNCH còn non trẻ và miền Nam còn có nhiều Việt Cộng nằm vùng chỉ đợi chỉ thị của ông HCM để bắt đầu du kích chiến và khủng bố khi chính phủ Diệm bắt đầu bình định nông thôn. Còn ông Bảy Viễn của giặc Bình Xuyên thì chỉ là một tướng cướp và đầu đảng Mafia VN thời đó. Ông Diệm chắc không đoái hoài đến cho nên không chiêu dụ mà chỉ dẹp tan với sự trợ giúp của ông Trình Minh Thế.
Bản thân tôi không biết nhiều về tình hình Lào và xuất xứ của Pathet Lào cũng như hai phe chính trong Bộ ngoại giao thời Tổng thống Kennedy – phe ủng hộ chính phủ Diệm và phe muốn đẩy ông Diệm ra. Nhờ đọc quyển sách tôi mới có tầm nhìn “chiến lược” hơn xưa để hiểu rõ hơn những khó khăn của VNCH từ năm 1955 cho đến 1975 trên bình diện quân sự (CSVN miền Bắc có ưu thế địa lý vì họ tha hồ đem vũ khí và quân vào miền Nam vì đường mòn Hồ Chí Minh chạy dọc theo biên giới Lào/VN nhưng nằm bên Lào, ngoài quyền kiểm soát của VNCH). Ảnh hưởng của phe chống ông Diệm trong BNG Hoa Kỳ là yếu tố quyết định cho cuộc đảo chính năm 1963. Tuy một số tướng lãnh VNCH có lỗi khi lật đổ chính phủ Diệm, nhưng lỗi nhẹ hơn lỗi của phe chống ông Diệm nhiều vì mấy ông tướng VNCH đã được Hoa Kỳ thúc đẩy. Tôi cũng ngạc nhiên sau khi đọc quyển sách và biết rằng quân đội Hoa Kỳ từng chống lại phe trong BNG (phe chống ông Diệm) vì 2200 sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ đóng trụ tại nhiều căn cứ của quân đội VNCH, đi cùng binh sĩ VNCH khi có những cuộc hành quân, đồng ý là quân đội VNCH có nhiều tiến bộ tuy thỉnh thoảng có sơ hở quân sự vì đang trong thời kỳ được huấn luyện (vừa học vừa hành). Chính bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã nhận xét rằng tình hình quân sự tại VNCH mỗi ngày một khả quan hơn trước năm 1963.
Phần quan trọng nhất trong quyển sách, đối với tôi, là khi Mã Lai còn là thuộc địa của Anh Quốc, Anh Quốc đã chống du kích Cộng sản Mã Lai (do Trung Cộng tiếp tay) một cách hữu hiệu tuy Anh Quốc không mạnh về quân sự như Hoa Kỳ trong khi du kích Mã Lai dùng chiến thuật khá giống du kích Việt Cộng ở miền Nam VN (nằm vùng, nội tuyến, khủng bố, tuyên truyền). Chính phủ Diệm được Anh Quốc tư vấn và rất muốn áp dụng kinh nghiệm của họ. Quân đội Hoa Kỳ chỉ muốn áp dụng phần nào kinh nghiệm này để kiềm chế phần nào lực lượng du kích khủng bố tại miền quê, ngoài ra họ áp lực quân đội VNCH phải dùng viện trợ của Hoa Kỳ để chuẩn bị cho một cuộc chiến theo quy ước tức là lực lượng chính quy Bắc Việt với đại bác, xe tăng, nhiều sư đoàn, v.v. sẽ đối mặt với VNCH tại những mặt trận quy mô. Trong nhiều năm, trước 1973, Việt Cộng nằm vùng đâu có dựa vào quá nhiều quân chính quy Bắc Việt và súng lớn, xe tăng tràn ngập miền Nam đâu. VC có nhiều cố vấn và một số quân miền Bắc giả vờ đóng vai du kích hỗ trợ để làm mất an ninh tại nhiều vùng quê ở miền Nam, làm cho nhiều người dân quê phải theo họ tại những vùng xôi đậu. CS Mã Lai không thành công trong việc này vì sự tinh tế của người Anh khi họ chú trọng nhiều đến chiến lược chống bạo loạn du kích.”
Bà Lê Thị Hiền Minh đóng góp thêm về vấn đề Phật Giáo:
“1/ Chúng ta đã rõ từ lâu đây là chiêu bài lớn của CSVN để triệt tiêu ông Diệm và chính quyền của ông.
2/ Có thể đã có những sự cố đáng tiếc, ví dụ như vụ treo cờ. Những sự việc này có thể vẫn nuôi những tị hiềm sẵn có từ thời các vua nhà Nguyễn bài đạo vì quyền lợi của chính triều đình trước tiên. Đi ngược lại lịch sử của Giáo Hội VN, thì đạo Công Giáo vào VN đầu tiên từ các công chúa theo đạo đầu tiên trong triều đình.
Chúng tôi xuất thân từ một trường của các nữ tu công giáo trong đó có rất nhiều nữ tu xuất thân từ những gia đình phật tử thuần thành và cho đến chết, có nữ tu vẫn chịu sự chống đối của gia đình vì không những đã trở lại đạo mà còn đi tu từ rất sớm.
Việc những gia đình cản trở con cái thay đổi đạo là một hiện tượng xã hội đã có từ lâu, không có liên quan gì đến vấn đề chính sách của ông Diệm.
3/ Vấn đề người theo VN theo Phật Giáo có thành kiến với người VN theo Thiên Chúa Giáo đã có từ trước thời ông Diệm, chúng ta cần tách rời hai việc: vấn đề Phật Giáo có tính cách xã hội, hoàn toàn khác với vấn đề Phật Giáo bị chính trị hoá, từ thời vua Minh Mạng, không phải từ thời ông Diệm. Chúng ta quy hết cho ông Diệm là tiếp tay tuyên truyền sai.
4/ Cuốn sách này đưa ra một cách trung thực những công trình tái tạo vị thế của Phật Giáo trong xã hội VN thời hậu thực dân. Mà công trình lớn nhất phải kể là Đại Học Vạn Hạnh (xin xem bài của Trần Trung Đạo).
Chúng tôi có thể làm chứng cho thiện ý của ông Diệm qua chính gương sống của thân phụ (không phải vì theo phò ông Diệm như vẫn có lời đồn). Bố là một Kito hữu, lập gia đình với mẹ thuộc một gia đình phật tử thuần thành, chúng tôi đã lớn lên trong một xã hội VN thu nhỏ trong vấn đề tranh chấp này: bố chúng tôi dự lễ chùa đều đặn những dịp lễ trong gia đình vợ, là bạn thân với một số nhà tu Phật giáo vì nghiên cứu Hán Nôm, tủ sách truyền lại cho chúng tôi vẫn còn bao nhiêu cuốn tiếng Pháp so sánh hai đạo giáo.
Vấn đề Phật Giáo trong gia đình chúng tôi còn là một vấn đề cần tìm hiểu, nghiên cứu.
Trên đầu giường của thân phụ chúng tôi, khi mất đi, là hai câu đối lấy từ Kinh Kim Cang của nhà Phật chứ không phải từ Kinh Thánh.
Ông là một nhà sư phạm thuần công giáo, vẫn bị mang tiếng được nhiều ơn mưa móc của chính phủ ông Diệm, đã từng giảng dậy cả hai Đại Học Vạn Hạnh và Viện Đại Học Dalat.
Những trường hợp ngược lại về tinh thần học hỏi của các đồng nghiệp Phật Giáo hay Nho Giáo của cụ cũng không thiếu, điển hình là gs Tôn Thất Thiện (tonthatthien.com)
5/ Như vậy, xin phép được đề nghị đặt câu hỏi một cách khác để các câu trả lời được rõ ràng và chính xác hơn, bởi vì vấn đề Phật Giáo ở VN là một vấn đề bao gồm hầu hết các phạm trù trong xã hội VN.
Việc dịch thuật công trình nghiên cứu của ông Shaw ra tiếng Việt đã cho chúng tôi hiểu được những điều chính yếu như sau:
1) CÁI GIÁ CỦA TỰ DO DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM VÀ NGAY CẢ MỸ : Gs Shaw đã cho chúng tôi hiểu một trong những động lực sâu xa của người Mỹ trong việc giúp Việt Nam chống lại sự bành trướng của cộng sản, chính yếu từ miền Bắc. Đó là đem Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ NHƯ NƯỚC MỸ. Mặc dù 1 triệu người miền Bắc đã đồng lòng tham dự vào dự án này bằng cuộc di cư ồ ạt năm 1954, mặc dù chính phủ độc lập non trẻ hết lòng, hết sức ra tay “nhổ cỏ“, vun xới cho nền chính trị Việt Nam Cộng Hoà, miền Nam Việt Nam (và cả miền Bắc) vào thời điểm đó ở trong tình trạng thật non yểu, như những người Do Thái vừa thoát ra khỏi trại tập trung ngày Thế chiến Thứ Hai vừa chấm dứt, đã không đủ hiểu biết cũng như quyết tâm để giúp chính quyền Ngô Đình Diệm, một chính quyền được các nước Đông Nam Á xem là “điểm son” trong vùng, theo những tài liệu đã được ông Shaw đưa ra. Tự do không thể đến một sớm một chiều: đó là điều mà hai ông Diệm và Nhu đã hiểu rất rõ và đã thể hiện trong việc thiết lập hệ thống các Ấp Chiến Lược với chủ trương xây dựng tinh thần dân chủ cho từng người dân các vùng nông thôn. Chính anh em ông Diệm đã trả giá bằng cả tính mạng của mình cho hai chữ Tự Do của Việt Nam, cái giá này có vẫn còn là một vấn nạn cho người Việt Nam ngày nay hay không? Một điều tôi nhận ra được là ý nghĩa hai chữ Tự Do, trong mắt anh em ông Diệm, nằm ở tự do của từng cá nhân trước hết, tự do tập thể đến sau. Đây cũng chính là thông điệp của cụ Phan Châu Trinh. Tôi hiểu thêm tại sao rất đông những khuôn mặt lớn của miền Nam thời đó đều là những chuyên gia về Phan Châu Trinh (gs Tôn Thất Thiện, bs Nguyễn Văn Ái, v.vv..).
Nếu đối với hai ông Diệm-Nhu, miền Nam Việt Nam còn cần phải “học” để trở nên tự do, thì đối với người Mỹ, đặc biệt là những người thuộc Đảng Dân Chủ có tầm ảnh hưởng quan trọng trong chính phủ Mỹ thời đó, dân chủ có phải là để cho một vài phóng viên trong tuổi đôi mươi, mới bước vào nghề, tha hồ thao túng “tự do báo chí” tại miền Nam Việt Nam, săn tin một chiều, nặng phần chủ quan, thiên vị, đem lại bao nhiêu thiệt hại cho cả nước Việt Nam (không chỉ một miền Nam) và cả nước Mỹ? Những tình tiết về tự do báo chí của Mỹ trên phần đất miền Nam trong thời kỳ chiến tranh đó đã được ông Shaw vẽ ra một cách sống động và chi tiết. Nhân danh dân chủ tự do, bao nhiêu tiếng nói khôn ngoan của các nhà báo lão thành Mỹ thời đó đã không ngăn chặn được sự ngang ngược của những nhà báo trẻ háo thắng, được sự ủng hộ của những nhà chính trị Mỹ không có cảm tình với ông Diệm. Tự do có đồng nghĩa với có quyền hành động theo cảm tính? Nước Mỹ trong thời điểm đó cần có bài học dân chủ tự do như thế nào?
2) CÁCH HÀNH XỬ CỦA NGƯỜI MỸ trong việc giúp Việt Nam Cộng Hoà
Với danh nghĩa là một đồng minh trong việc xây dựng và bảo vệ nền tự do độc lập cho miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã có những đóng góp không nhỏ về nhân mạng cũng như tài chánh. Tuy nhiên, kết quả lại không được như ý muốn. Nghiên cứu của ông Shaw cho tôi thấy rõ người Mỹ đã hành xử như một chuyên gia trong đường hướng quản lý một dự án. Thay vì tìm hiểu ông Diệm và chính phủ của ông, như ông đại sứ Nolting đã có khả năng làm trong tinh thần tương trợ, một nhóm chính khách Mỹ có thể lực đã phán xét đồng minh của họ như một ông chủ nhà băng truy xét một thương gia tương tác trên ba khía cạnh: thời gian tính, chi phí và nhân dụng. Ông Shaw đã kể rõ họ sốt ruột như thế nào khi thấy chính phủ Diệm không đạt chỉ tiêu (theo ý họ) trong thời gian hạn định, từ đó, họ suy ra là chính phủ Diệm không có khả năng đi đến thành công, do đó chỉ là một gánh nặng cho họ. Và họ một hai kiếm cách trừ khử ông, như người ta trừ khử một đối tác bất tài trong thương trường để bảo vệ quyền lợi chung. Thái độ này của một số chính khách Mỹ thời đó rất đáng là chủ đề cho một nghiên cứu mới.
3) SỰ KHÁC BIỆT CĂN BẢN VỀ VĂN HOÁ, VỀ NHÂN SINH QUAN mà ông Diệm đã thấm thía và nhấn mạnh với người Mỹ là một trong những nguyên nhân gây ra sự kiện trên. Thật là thương cảm cho sự cô đơn của tổng thống suốt trong câu chuyện được ông Shaw thuật lại. Một trong trong những khác biệt văn hoá đã đánh động tôi nhất trong việc dịch thuật cuốn này nằm ở việc dịch chữ “insurgency” dùng để gọi cuộc chiến tại Miền Nam vào thời điểm đó. Cuộc xâm lăng miền Nam lại mang hình ảnh một cuộc nổi dậy hay nổi loạn? của ai? vì sao? Bao nhiêu cố gắng của chính phủ ông Diệm, cùng với bao nhiêu người dân miền Nam trong việc chống “nổi loạn” hay “bạo loạn” có ý nghĩa gì không? Nhóm phản chiến tại Mỹ tất nhiên phải thấy phe “nổi loạn” có lý? thượng có bất chính thì hạ mới tắc loạn? Khi có một cuộc bất đồng nào đó mà người trong cuộc không thể nói cho người ngoài cuộc hiểu tại sao có sự bất đồng, rồi người ngoài cuộc đó nhất định bắt phải theo cách giải quyết của họ thì sự việc sẽ ra sao? Cho đến ngày hôm nay, sự khác biệt về văn hoá và nhân sinh quan này giữa người Việt Nam và người Mỹ đã được giải quyết chưa?”
Ông Phan Quang Trọng thêm:
1. Các diễn biến của nhóm tranh đấu PG chống ông Diệm ngoài Bắc Việt qua ông Thích Trí Quang (TTQ) còn có bàn tay của CIA do hành pháp Hoa Kỳ cho phép. Cả Bắc Việt và hành pháp Hoa Kỳ đều muốn hạ bệ ông Diệm vì hai lý do khác nhau. Đối với Bắc Việt, có Ông Diệm trong ghế lãnh đạo Bắc Việt khó chiếm miền Nam và đối với Hoa Kỳ Ông Diệm quá cứng cỏi, không để cho Mỹ đem quân ồ ạt vào VN. Từ sự kiện TĐS Hoa Kỳ để cho ông TTQ nhảy tường từ Chùa Xá Lợi vào trốn trong TĐS khi mật vụ VNCH tìm bắt mà sau này lại đem nộp ông Ngô Đình Cẩn cho nhóm quân nhân cách mạng xử tử để thấy Hoa Kỳ không phải là người bàng quang trong cái chết của Ông Diệm và gia đình ông ta. Cũng may lúc đó ông Luyện ở nước ngoài, chứ còn ở trong nước chắc cũng có thể bị giết. Còn GM Thục đi tu, không kể.
2. Nếu xem các thành quả của chính phủ Ông Diệm từ việc vận động đưa cả triệu người di cư vào Nam, xây dựng nền móng cho giáo dục, y tế, quân đội, “dẹp loạn sứ quân”, vv trong vòng chỉ 9 năm. Một thành quả phải gọi là “đội đá vá trời” nên em nghĩ Ông Diệm không ngây thơ về tuyên truyền và về cộng sản. Biết đấy, nhưng không đủ sức và không có nhiều người vì lý tưởng quốc gia cộng tác để giúp. Lực bất tòng tâm.
3. Điểm nữa, tôi thấy cái chết của ông Diệm kéo theo việc chấm dứt của đệ nhất CH nằm trong chính sách của Hoa Kỳ trong toàn vùng Á Châu. Từ cuộc gặp gỡ của Hoa Kỳ và Trung Cộng tại Thượng Hải cho đến hiệp định Ba Lê, Mỹ muốn thiết lập một chính phủ VN thân Mỹ hơn và mục tiêu chính là Trung Cộng. Nhìn ở mặt này cho thấy cả Hoa Kỳ và chính phủ ông Diệm không hiểu lẫn nhau? Có những người như tướng Taylor, tướng Westmoreland, ĐS Nolting bênh vực ông Diệm, nhưng trung tâm quyền hành nằm trong hành pháp của ông Johnson và sau này ông Kennedy. Bên cạnh Hoa Kỳ đánh giá quá cao Trung Cộng do kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên, đánh CS một tay còn tay kia trói sau lưng vì lo ngại Trung cộng tham chiến ồ ạt như chiến tranh Triều Tiên.
Thân phận nhược tiểu nó thế. Ông Diệm đã cố gắng hết sức và xứng đáng được kính trọng là người yêu nước Việt Nam hiếm có.”
Buổi thảo luận hào hứng kéo dài hơn dự định 1 giờ đồng hồ với những tiết lộ thú vị của người tham dự. Xin hẹn trong bài viết khác.
_________________
Sách có bán trên Amazon:
https://www.amazon.com/Thiên-Mệnh-Không-Còn-Vietnamese/dp/1990434401/ref=sr_1_1?
và Lulu Bookstore:
https://www.lulu.com/en/us/shop/geoffrey-shaw-and-james-schall-and-decency-clarity-translation-team/thiên-mệnh-không-còn/ebook/product-dqgv7g.html?page=1&pageSize=4
hoặc:
Xin gọi: 817-834-0747 (Trung) 817-757-0580 (Nhi) hoặc email: novalofdfw@gmail.com