Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hôm nay ông Táo về trời…

 

Phú Nhuận

 

(VNTB) – “Hôm nay ông Táo về trời

Bẩm trình Ngọc Đế chuyện đời năm qua…”

 

Tết xưa – Tết nay luôn đem đến cho tất cả mọi người những cảm xúc bùi ngùi, có cả tiếc nuối và những niềm thương về một thời đã xa. Ngày 23 tháng Chạp như tiếng chuông thỉnh sớm, nhắc nhở các gia đình thời khắc giao mùa giữa năm cũ và năm mới đã cận kề.

“Hôm nay ông Táo về trời

Bẩm trình Ngọc Đế chuyện đời năm qua…”.

Cứ mỗi dịp xuân về khi rảnh rỗi, chắc hẳn mọi người đều có khoảng thời gian nhớ lại những cái tết đã qua trong cuộc đời mình, nhất là những người đã bắt đầu có tuổi. Trong ký ức mỗi người, Tết vẫn là những phong tục, tập quán, truyền thống của mỗi gia đình Việt mà mỗi người giữ riêng trong ký ức của mình.

Vào những năm đầu thập niên 70, điều đọng lại trong tôi khi Tết sắp đến đó chính là ngày cúng ông Táo. Khi còn nhỏ, mấy ai đã biết chuyện một bà, hai ông mà chỉ thấy đến ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Táo là biết Tết lại… sắp đến với bao hân hoan trong đầu óc của một đứa trẻ là sẽ có bánh kẹo, có áo mới, có các loại mứt ngọt lịm, có tiền lì xì…

Ngày 23 tháng Chạp, tôi vẫn nhớ, trong mâm cúng ông Táo không phải là con cá chép mà nghe đâu người miền Bắc hay mua để cúng tiễn ông táo, người dân miệt Nam bộ dùng bộ giấy “cò bay ngựa chạy”, theo ý nghĩa ngựa chở ông Táo đi đường bộ, rồi cò chở ông Táo bay về Trời.

Tục dùng ngựa và cò làm vật cưỡi trong miền Nam bắt nguồn từ nghi thức “xá mã, xá hạc”, tục này theo nghi thức của Đạo giáo và của Phật giáo. Đây là nghi thức được tiến hành sau cùng trong các buổi cúng tế. Người ta gom tất cả các tờ sớ nhét vào ngựa giấy và hạc giấy đã để sẵn trong lễ cúng, rồi đem đốt với ý nghĩa nhờ ngựa và hạc mang sớ đến những nơi cầu cúng trong Tam giới.

Rồi bánh mứt cũng hiện diện trong mâm cúng, nhưng món mứt mà in sâu vào tôi, phải có vào ngày này, đó chính là món mà gọi theo dân gian là “Thèo lèo cứt chuột”. Thực ra, là kẹo đậu phộng, kẹo mè đen là tên gọi đúng nhất của món này, nhưng không biết từ khi nào người ta gọi bằng các tên rất hình tượng bởi đó là món nhất thiết phải có để cúng ông Táo khi năm hết, tết đến.

Về sau khi lập gia đình, tôi thấy trong mâm cúng ngày 23 tháng Chạp, bà xã của tôi có thêm món chè trôi nước, với tích kể như vầy: ông Táo về chầu Trời phải tâu lại chuyện trong nhà gia chủ trong suốt một năm, tất tần tật không chừa chuyện gì, mà trong một năm thì làm gì mà nhà nào lại không có những chuyện lộn xộn.

Ngày xưa cũng có nhà ‘đối phó’ bằng cách bịt miệng ông Táo, không để ông nói năng, bằng cách trong lễ tiễn đưa cúng nguyên cho ông Táo một lon kẹo mạch nha, làm quà đi đường, Ông Táo hảo ngọt xơi vào là ngắc ngứ, mồm miệng dính chặt khó lòng mà nói năng.

Chè trôi nước làm bằng bột nếp dẻo cũng thế, chè viên cục nhỏ chỉ toàn bột không nhân gọi là ỉ, cục to thì trong có nhân đậu xanh nhuyễn, nhưng vẫn chủ yếu là lớp vỏ bột nếp dẻo bao bên ngoài, thứ này mà ăn hơi tham một chút không những dính mồm miệng, có khi còn mắc nghẹn như chơi…

Thằng bạn tôi (gọi là thằng chứ Nhâm Dần này thì nó và tôi đều lục tuần hết rồi) kể rằng gia đình của nó ‘Tây’ lắm kìa. Theo nó thì cúng tiễn ông Táo với người xưa, có thể chỉ là một sự nhắc nhở: Đã sát Tết. Còn chuyện ông Táo về trời trình tấu Ngọc Hoàng, cũng chỉ là cách người xưa dùng tâm linh khuyên con người đừng làm điều xấu. Chứ thế kỷ 21, làm gì còn Ngọc Hoàng Thượng Đế nữa mà tấu mà tâu hay méc kia chứ (?!)

Với cách nghĩ đó nên thay vì bày mâm cỗ cúng, gia đình nó bày biện thành mâm cơm họp mặt sum vầy cuối năm, để cả nhà ngồi lại bên nhau, cùng bàn chuyện dọn nhà dẹp cửa, cùng nhau đón Tết, vui Tết…

Thằng bạn tôi nói rằng hãy để ông Táo trở thành một nét văn hóa ngày giáp Tết, chứ không biến thành vị thần linh chuyên nghe ngóng ghi chép, cuối năm làm một chuyến về trời để “méc” chuyện xấu tốt của gia đình (!?).

Thôi thì có thờ – có thiêng, có kiêng – có lành vậy.  


Tin bài liên quan:

VNTB – Ông chủ Tân Hiệp Phát bị tố ‘lừa đảo’ gần 2500 tỷ đồng

Phan Thanh Hung

VNTB – Về quê giẫy mả

Phan Thanh Hung

VNTB – Mỹ học trong ca khúc về tòa án

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.