VNTB – ‘Honda ôm’ thất nghiệp

VNTB – ‘Honda ôm’ thất nghiệp

Cửu Long

 

(VNTB) – Hy vọng 886 tỷ đồng không phải là con số ‘lên tivi mà lãnh’.

 

Xe ôm là một trong những hình thức chuyên chở khá phổ biến ở Việt Nam, và là một loại hình nghề nghiệp phù hợp cho những người nghèo hoặc không có trình độ, nghề lái xe ôm được khá nhiều người đàn ông chọn để mưu sinh.

Xe hiệu Honda thường được chọn để hành nghề nên riết rồi dù là Suzuki, Yamaha hay Dream, Wave gì đi nữa, người ta vẫn gọi chung là ‘Honda ôm’.

Kể từ 0 giờ ngày 9-7, ‘Honda ôm’ ở Sài Gòn chính thức thất nghiệp bởi lệnh ‘lockdown’ của chính quyền thành phố này.

Chiều 7-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong 15 ngày, từ 0g ngày 9-7. Theo đó, ông Phong yêu cầu tạm dừng hoạt động xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách – tức ‘xe ôm công nghệ’, và xe hai bánh truyền thống (xe ‘Honda ôm’) vận chuyển hành khách.

Một chút về chuyện ngày cũ.

Thời mở cửa, Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, những năm 1990 trở đi, nhiều lão nông tri điền do ruộng đồng khan hiếm, từ làng quê ra thành phố mưu sinh bằng nghề chạy xe ‘Honda ôm’. Một số khác là những lao động bình dân trên phố cũng tham gia vào hoạt động này.

Một bác xe ‘Honda ôm’ lâu năm cho biết, thuở ban đầu, còn ít người làm nghề ‘Honda ôm’ nên có thể nói ngày ấy gần như không có sự cạnh tranh, không phải  đăng ký mặt bằng hay bến bãi như bây giờ. Chính những điều này đã làm cuộc sống của những bác tài ‘Honda ôm’ trở nên sung túc hơn.

Thế nhưng ‘Honda ôm’ thực ra lại là một nghề cực khổ, nhiều người trong nghề đùa vui chạy xe ‘Honda ôm’ giống như “làm dâu trăm họ”. Có khách dễ tính, có khách lại rất khó chịu, nhiều khi còn gặp cả khách quỵt tiền. Nhưng đó không phải là điều khó khăn nhất trong thời điểm này, khi họ đang phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh thực sự là ‘xe ôm công nghệ’.

Giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn, không khó để bắt gặp hình ảnh những người ‘xe ôm truyền thống’ đang uể oải nằm nghỉ trên chiếc xe của mình. Họ, hoặc đọc báo giết thời gian, hoặc đảo mắt dáo dác tìm kiếm khách đi xe, rồi lại thẫn thờ thất vọng vì thấy họ không chọn xe của mình.

Vài năm gần đây, khi có sự xuất hiện của dịch vụ ứng dụng Grap và Uber thì khách đi ‘xe ôm truyền thống’ ngày càng ít. Nếu các bác tài ‘Honda ôm’ ngày xưa phải tìm mọi cách thuộc đường, thì ngày nay để trở thành tài xế ‘xe ôm công nghệ’ không nhất thiết phải thông thuộc đường đi các lối rẽ như ‘xe ôm truyền thống’, chỉ cần bật ứng dụng điện thoại thì mọi lối rẽ hay tên con đường đều trong tầm tay mỗi tài xế công nghệ.

Và giờ thì ‘xe ôm’ nào cũng lao đao khi cả thành phố này bị ‘lockdown’.

Đa phần người hành nghề ‘Honda ôm’ có hoàn cảnh khốn khó hơn, và ‘chạy ăn từng bữa’ là mô tả dễ hình dung nhất đối với các bác tài xe ôm truyền thống.

Chính sách hỗ trợ an sinh cho họ, theo chính quyền TP.HCM, thì sẽ ‘không ai bị lãng quên’.

Chính quyền TP.HCM nói rằng trong gói hỗ trợ 886 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sẽ có khoản dành cho nghề ‘Honda ôm’ gọi là nhóm “đối tượng dễ bị tổn thương về sinh kế”.

Lời nhắc “lên tivi mà lãnh” của gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ vẫn là cảnh báo.

Ngay từ tháng 4-2020, khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, gói hỗ trợ đã được Chính phủ đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Lúc đó, báo chí đăng rằng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị nguồn lực ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Nghị quyết 42 khoảng 61.580 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt khoảng 35.880 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước (cả Trung ương lẫn địa phương); hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội 16.200 tỷ đồng, và thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng…

Cho đến nay thời điểm tháng 7-2021, theo báo cáo tổng hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thì gói hỗ trợ bằng tiền mặt mới thực hiện được 13.100 tỷ/ 35.880 tỷ. Trong đó, chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng thuộc mục tiêu hỗ trợ chính, gồm: người lao động mất việc làm, hộ kinh doanh cá thể, người lao động không có hợp đồng, các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Cụ thể hơn, chỉ có 56.026 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với số tiền 80,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,23%. Có 37.317 hộ kinh doanh được hỗ trợ, với số tiền 38 tỷ đồng, chiếm 0,11% tổng kinh phí dự kiến thực hiện. Có 173.473 người lao động bị chấm dứt hợp đồng, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ với số tiền 177,6 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng kinh phí dự kiến thực hiện.

Khoảng 1,07 triệu người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc được hỗ trợ với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 2,79% tổng kinh phí dự kiến thực hiện…

Giờ thì Sài Gòn cũng sắp bước vào thời gian 2 tuần lễ của thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hy vọng 886 tỷ đồng không phải là con số ‘lên tivi mà lãnh’.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)