Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Im lặng là vàng” và “Quyền im lặng”

Nguyễn Cao

(VNTB) – Dân gian có câu “im lặng là vàng”, còn trong tố tụng hình sự, im lặng không chỉ là vàng mà còn là sự bảo đảm cho sinh mạng của một con người, cho dù người ấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng.

Nhóm Tư vấn Luật của Hội Nhà báo độc lập, trong phạm vi bài viết này, xin đề cập đến việc cần phải có quy định cụ thể về “Quyền im lặng”.

Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) đưa ra hai phương án về “Chương II: Những nguyên tắc cơ bản”. Tuy có một số điểm khác nhau nhưng về cơ bản không có sự đối lập với BLTTHS năm 2003. Xin nêu một số ý kiến sau đây.

Điều 9: Suy đoán vô tội

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) gộp Điều 9, Điều 10 BLTTHS năm 2003 vào một điều luật và lấy tên là “suy đoán vô tội”.

Cân nhắc chuyện gộp chung này. Luật tố tụng hình sự của Việt Nam thiên về tố tụng thẩm vấn và hướng đến tăng cường hoạt động tranh tụng, chứ không nhằm chuyển hẳn sang tố tụng tranh tụng. Tố tụng tranh tụng là hình thức tố tụng trọng chứng cứ hơn sự thật khách quan.

Bên cạnh việc công nhận quyền được im lặng, quyền bào chữa, quyền được chối tội mà không bị tăng nặng hình phạt, quyền được coi là không có tội khi các cơ quan tiến hành tố tụng không tìm đủ chứng cứ kết tội, quyền được áp dụng nguyên tắc có lợi…, thì chúng ta còn có quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bằng mọi cách phải chứng minh được sự thật khách quan của vụ án.

Vì vậy, nên sửa đổi BLTTHS năm 2003 theo hướng vẫn quy định hai nội dung trên ở hai điều luật khác nhau sẽ đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội hướng đến chân lý và sự thật khách quan hơn là nguyên tắc suy đoán vô tội đơn thuần trọng chứng cứ. Đồng thời, nên bổ sung một số quy định tại Điều 9 BLTTHS năm 2003 cho phù hợp với quy định tại Điều 31 Hiến pháp năm 2013, theo hướng như sau:

“Điều 9: Suy đoán vô tội.

Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được suy đoán vô tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

– Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình.

– Mọi nghi ngờ về lỗi của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì phải được giải thích theo hướng có lợi cho họ.

– Bản án kết tội của Tòa án không dựa trên những căn cứ giả định”.


“Quyền im lặng” phải là điều luật

Khoản 2 Điều 9 quy định “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình”. Quy định này có nghĩa là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền khai báo hoặc có quyền không khai báo; đây thực chất là “quyền im lặng”.

BLTTHS năm 2003 không có điều nào quy định cụ thể về “quyền im lặng” nhưng “quyền im lặng” đã được thể hiện trong nhiều quy định của BLTTHS. Chẳng hạn quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng; không lấy lời nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội bị cáo; bị cáo có quyền không trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử; bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa từ khi khởi tố vụ án; người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai của bị can, bị cáo…

Lưu ý, các qui định của pháp luật TTHS hiện hành về các quyền của người bị buộc tội, người bào chữa không làm phát sinh nghĩa vụ tương ứng của cơ quan, người tiến hành tố tụng, việc vi phạm các quyền đó không làm phát sinh hậu quả pháp lý nào. Vì thế, nhiều trường hợp, người tiến hành tố tụng vẫn có những biện pháp gây khó khăn cho người bị buộc tội trong việc thực hiện các quyền được qui định, trong đó có quyền không khai báo nếu không tự nguyện. Thậm chí dẫn đến bức cung, dùng nhục hình và oan sai trong hoạt động TTHS. Còn khi ra tòa xét xử, những trường hợp bị can, bị cáo không trả lời các câu hỏi của người tiến hành tố tụng thường bị coi là “không ăn năn, hối cải” và phải nhận những mức hình phạt nghiêm khắc hơn.

“Quyền im lặng” đã được thừa nhận trong thực tế song do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng và cơ chế đảm bảo thực thi nên gần như quyền này không được thừa nhận đúng vị trí, vai trò và phần nào làm hạn chế quyền bào chữa của luật sư và quyền được có người bào chữa của bị can, bị cáo, người tạm giữ.

Như vậy, cần thiết quy định cụ thể “quyền im lặng” trong BLTTHS để rõ ràng, rành mạch hơn trong việc bảo vệ quyền con người mà Hiến pháp đã quy định. Do đó, chúng tôi đề nghị nên tách quy định của khoản 2 Điều 9 nêu trên thành một điều luật riêng quy định về “Quyền im lặng” với nội dung cụ thể như sau:

“Điều… Quyền im lặng.

Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không khai báo; có quyền nhờ người bào chữa hỗ trợ khi cơ quan điều tra lấy lời khai, khi bị truy tố hoặc khi bị Tòa án xét xử. Các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan được giao một số hoạt động điều tra phải giải thích cho họ biết về quyền im lặng và đảm bảo để họ thực hiện quyền này”.

Dân gian có câu “im lặng là vàng”, còn trong tố tụng hình sự, im lặng không chỉ là vàng mà còn là sự bảo đảm cho sinh mạng của một con người, cho dù người ấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Luật hóa “quyền im lặng” sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho công lý và hoạt động tư pháp. “Quyền im lặng” cũng giúp cơ quan điều tra không phải mang tiếng bị nghi ngờ về chuyện bức cung, nhục hình.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo