Nguyễn Mi Thảo An (VNTB) Tại cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 6 của Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết xăng tăng giá không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, vì theo ông, sản xuất, kinh doanh chủ yếu sử dụng dầu nên không bị tác động nhiều, nếu có ở lĩnh vực vận tải hành khách như taxi thì chỉ tăng 500 – 1000 đồng/km… không đáng kể.
Thực ra, với góc nhìn từ “taxi tăng 500 -1000 đồng/km” thì cách lý giải của ông Vụ trưởng Vụ thị trường không phải là không có lý. Nhưng xăng tăng nó lại không dừng ở một trường hợp cá biệt đó, mà nó còn liên kết với cả thị trường tiêu dùng trong nước – nơi được định hướng theo kiểu chộp giật với “xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng, giá phải tăng.”
Do đó, một khi giá xăng tăng thì nghiễm nhiên nó sẽ đánh thẳng vào các xe vận tải bằng xăng và xe máy, từ đó tác động gián tiếp vào hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là mặt hàng lương thực thực phẩm – yếu tố luôn sẵn sàng “té nước theo mưa”, làm ảnh hưởng gián tiếp đến từng cá thể, hộ gia đình.
Thế nên mới có chuyện, sống tại Việt Nam, người đi bộ cũng phải khốn đốn vì giá xăng tăng.
Còn đối với doanh nghiệp, giá xăng tăng dù ít hay nhiều cũng đều gây ra sức ép lên các doanh nghiệp sản xuất có yếu tố vận chuyển. Ví dụ, xăng tăng khiến cho những ngành nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chi phí vận vốn chiếm 5-10% giá thành sản phẩm nên dẫn đến khâu mua nhiên liệu tăng, khiến chi phí sản xuất bị đẩy lên cao, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đó là chưa kể, xăng tác động trực tiếp vào từng cá nhân sở hữu xe máy – vốn là phương tiện phổ biến tại Việt Nam, khiến chi phí chi tiêu hàng tháng lại tăng lên, ảnh hưởng đến nhiều phương diện cuộc sống.
Đây chính là ảnh hưởng kép mà người dân, doanh nghiệp phải chịu, như TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư từng khẳng định.
Và nếu tính trong tổng thể giá điện tăng, chi phí thuế tăng mà người dân buộc phải chịu, thì giá xăng tăng không những làm ảnh hưởng nhiều đến người dân, mà khiến sức dân bị vắt kiệt.
Phát ngôn phải có tính trách nhiệm
Phát ngôn phải có trách nhiệm và sát thực tiễn, phải đứng về phía người dân lao động tầng lớp thấp để hiểu sự tác động của các mặt hàng cơ bản, chứ không phải đứng ở tầng lớp trung thượng lưu, ngồi xe công, ở phòng máy lạnh để nói về tác động chính sách.
Và dường như các chính khách tại Việt Nam chưa học được cái điều cơ bản đó, mọi phát ngôn đều đi ngược lại với thực tế cuộc sống.
Vụ trưởng Vụ thị trường (Bộ Công thương) mà lại không hiểu tính chất thị trường tại chính đất nước mình, thì liệu rằng, việc kiến tạo và ban hành chính sách còn phi thực tế đến mức nào nữa?
Cách nhìn nhận vấn đề của ông Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cũng không khác lắm so với ông cách ông ĐBQH Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) khi ông đưa ra dẫn chứng để khẳng định “lạm phát ở nước ta” không cao nhất khu vực: “tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn.”.
Có lẽ, đã đến lúc, ông Võ Văn Quyền hay vị ĐBQH Đỗ Văn Đương và nhiều vị quan chức khác với phát ngôn “trên mây” nên tự vi hành trong dân, nhất là vào trong đời sống công nhân, người lao động có thu nhập thấp để biết rằng, mình vô trách nhiệm và thiếu suy nghĩ đến mức nào khi nói ra những điều kể trên.