TS Phạm Đình Bá
(VNTB) – Nếu công tâm thì phải mời nhóm chuyên gia độc lập có trình độ chuyên môn, am hiểu thực tế và bản lĩnh tham gia cùng Hội đồng hoặc mời họ phản biện rà soát đánh giá lại về việc xây dựng hồ Ka Pét coi như đối chứng để yên lòng dân
Tại buổi họp báo về dự án hồ thủy lợi Ka Pét do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức ngày 07/09/2023, hàng chục câu hỏi đặt ra liên quan đến vị trí dự án, phương án trồng rừng thay thế, và dữ liệu đánh giá tác động môi trường. [1]
Những người trình bày vấn đề trong buổi họp báo theo tôi hiểu có vẻ không tạo được niềm tin nơi công chúng. Họ có vẻ đã không làm bài tập ở nhà trước khi ra họp báo một cách cẩn thận. Hầu hết các lập luận của họ đều mang tính tranh luận, không có dữ liệu hỗ trợ cho cách tiếp cận của họ để tiến hành dự án.
Tiến sỹ Tô Văn Trường là chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường ở đại học Oregon Mỹ tóm tắt vấn đề như sau. Cuộc sống của người dân Nam Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận đa phần là dân nghèo, đất đai chịu khô hạn thường xuyên, rất cần nguồn nước. Vấn đề là khi làm công trình tạo nguồn nước làm sao phải cân đối hài hoà giữa đảm bảo lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. [2]
Theo ông Trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường (của dự án hồ chứa nước Ka Pét) cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt sớm. Nếu công tâm thì phải mời nhóm chuyên gia độc lập có trình độ chuyên môn, am hiểu thực tế và bản lĩnh tham gia cùng Hội đồng hoặc mời họ phản biện rà soát đánh giá lại về việc xây dựng hồ Ka Pét coi như đối chứng để yên lòng dân. [2]
Cũng theo ông Trường, những vấn đề cần rà soát cụ thể, gồm: 1) Nhu cầu dùng nước thực tế cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cấp nước sinh hoạt; 2) Các giải pháp phi công trình, chuyển đổi theo hướng thích nghi tối đa có thể, để tránh việc phá rừng tự nhiên; 3) Các giải pháp cấp nước, trong đó có phương án xây dựng hồ Ka Pét; 4) Phân tích lựa chọn giải pháp tốt nhất; việc phân tích cần khách quan và tường minh trong kiểm đếm các “lợi ích” và “tác động”. [2]
Thế thì làm sao để rà soát như ông Trường đề nghị. Lấy trường hợp đồng bằng sông Hồng, để đạt được sự cân bằng giữa các mục tiêu sinh thái xã hội, tiến sỹ Julianne Quinn của đại học Virginia ở Mỹ gợi ý là phải có sự thảo luận và thỏa hiệp từ tất cả các bên liên quan. [3]
Để hỗ trợ cho các cuộc thảo luận này, bà Quinn đã làm việc với một nhóm cộng tác gồm các nhà nghiên cứu từ Đại học Cornell ở Mỹ và trường Politecnico di Milano ở Ý để tối ưu hóa các chính sách vận hành hồ chứa thay thế nhằm cân nhắc mục tiêu của các bên liên quan theo những cách khác nhau. [3]
Thông qua nguồn tài trợ từ Bộ Ngoại giao Ý, nhóm nghiên cứu của bà Quinn đã hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Phòng chống lụt bão Trung ương và Bộ Công Thương. Cùng nhau, họ đã xây dựng các mô hình hệ thống hồ chứa sông Hồng, vận chuyển trầm tích, và định tuyến lũ ở hạ lưu. [3]
Công việc sơ khởi của họ tập trung vào việc định lượng sự cân bằng kinh tế xã hội giữa phòng chống lũ lụt, cấp nước và sản xuất thủy điện theo các chính sách vận hành hồ chứa thay thế. Mục tiêu dài hạn của họ bao gồm cả việc tích hợp các mục tiêu về môi trường. Họ nhận thấy rằng các chính sách phòng chống lũ lụt thận trọng đã hạn chế nghiêm trọng hiệu quả hoạt động ở các khía cạnh quản lý khác như sản xuất thủy điện và quản lý cấp nước. Họ nghi ngờ rằng việc đáp ứng các mục tiêu về môi trường cũng sẽ làm tăng thêm căng thẳng trong hệ thống. [3]
Thế thì trong trường dự án hồ Ka Pét, những cân nhắc bài bảng như thế có được thực hiện hay không?
Tại sao những rà soát đánh giá cơ bản như thế về đồng bằng sông Hồng lại được tài trợ từ Bộ Ngoại giao Ý mà không được tài trợ từ chế độ ông Trọng?
Có chăng chế độ ông Trọng chỉ ba hoa khoác lác nhưng chả có hành động gì có ý nghĩa cho dân cho nước? Nếu không chịu làm việc, thì xin hãy cút đi!
__________________
Nguồn:
1. Thanh Niên. Dự án hồ thủy lợi Ka Pét: Vị trí có tối ưu? ĐTM thế nào? 07/09/2023; Available from: https://thanhnien.vn/du-an-ho-thuy-loi-ka-pet-vi-tri-co-toi-uu-dmt-the-nao-185230907200319984.htm.
2. Tạp Chí Điện Tử – Người Đô Thị – Tô Văn Trường. Dự án hồ chứa nước Ka Pét và bài toán được – mất. 08/09/2023; Available from: https://nguoidothi.net.vn/ho-thuy-loi-ka-pet-40901.html.
3. Julianne Quinn. Balancing conflicting water demands in Hanoi and the surrounding Red river delta. 01/02/2019; Available from: https://blogs.darden.virginia.edu/globalwater/2019/02/01/balancing-conflicting-water-demands-in-hanoi-and-the-surrounding-red-river-delta/.