Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Một nhân viên tại Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng đã bị tố cáo là nhận khoản tiền trái quy định và có dấu hiệu “bảo kê” xe cứu thương.
Vụ việc tóm tắt như sau: vào khoảng 20 giờ 30 ngày 7-8, theo trưng cầu của cơ quan điều tra Công an quận Ngũ Hành Sơn, cùng với sự chứng kiến của gia đình nạn nhân B.T.H (tử vong do tai nạn giao thông trước đó), Trung tâm Pháp y đã tiến hành khám nghiệm tử thi.
Sau khám nghiệm tử thi, người nhà gia đình nạn nhân đã thống nhất với ông L.V.D, là y công giúp việc cho giám định viên của Trung tâm Pháp y, thực hiện tái tạo tử thi nguyên vẹn cũng như tiêm thuốc bảo quản tử thi để vận chuyển về quê. Chi phí thực hiện là 14 triệu đồng, được chuyển vào tài khoản của ông L.V.D. Đây là số tiền do đơn vị vận tải gây tai nạn chi trả.
Theo bác sĩ Mai Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Pháp y Đà Nẵng, ông L.V.D đã liên hệ với dịch vụ vận chuyển thi thể khi được gia đình nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, cùng lúc này gia đình cũng liên hệ được xe vận chuyển khác nên dẫn đến việc 2 xe vận chuyển cùng có mặt tại Trung tâm Pháp y.
Phía ông L.V.D. đưa ra giải thích là để hạn chế những ảnh hưởng có thể xảy ra trong khi gia đình tiến hành khâm liệm, nhập quan, là những nghi thức thiêng liêng đối với người đã mất, nên ông L.V.D đã đóng cổng ra vào trụ sở, tạm thời không cho xe nào vào.
Ông Nguyễn Đức Tuấn (trú tỉnh Quảng Ngãi), tài xế xe cứu thương 0 đồng chở thi thể nữ du khách xấu số về quê kể lại, khoảng 23 giờ ngày 7-8, ông Tuấn có mặt tại Trung tâm Pháp y Đà Nẵng để hỗ trợ đưa thi thể nạn nhân về quê miễn phí, đã chứng kiến sự việc nhân viên pháp y “làm khó” người nhà nạn nhân.
“Xe cấp cứu của tôi vừa đến thì có một xe cứu thương khác cũng xuất hiện. Lúc này, cũng xuất hiện nhiều thanh niên lạ mặt, chạy xe vòng quanh và gây sức ép có ý không cho tôi chở thi thể. Đồng thời, nhân viên trung tâm cũng có chặn xe, yêu cầu chỉ được chở bằng xe dịch vụ, với thái độ rất gay gắt”, ông Tuấn kể.
“Tôi ra Đà Nẵng để hỗ trợ nạn nhân xấu số, làm phước chứ không lấy đồng nào, nhưng có quá nhiều người gây áp lực, hăm dọa. Đến khi công an có mặt, tôi mới được chở thi thể đi”, tài xế Tuấn nói.
Người nhà của nạn nhân khẳng định rằng chính ông L.V.D. đã ngăn xe lại, yêu cầu phải dùng xe cấp cứu do trung tâm đã gọi từ trước. “Lúc bị ngăn cản xe cứu thương, đã có hàng chục thanh niên lạ mặt liên tục qua lại, tập trung và gây sức ép. Phải đến hơn 0 giờ ngày 8-8, khi công an địa phương có mặt, tình hình mới được giải quyết và sau đó xe cấp cứu của người nhà được tiếp cận, đưa thi thể nạn nhân lên xe về quê” – người nhà của nạn nhân chia sẻ bức xúc.
Công tâm mà nói, ở Sài Gòn từ trước tháng 4-1975 đã có “cò xác chết” nhưng chủ yếu “cò” này là người của các nhà đòn đám ma. Bằng hình thức cạnh tranh, như: Giá cả rẻ hơn những chỗ khác, các công đoạn tẩm liệm, ma chay, cúng bái, di quan, hạ huyệt được thực hiện một cách chu đáo nhằm thuyết phục tang chủ đồng ý để cơ sở của mình lo trọn gói, thì không có hiện tượng ép tang gia phải chi tiền mới lấy được xác về, hoặc vẽ vời ra hàng chục khoản để đặt tang gia vào sự đã rồi nhằm tăng giá tiền.
“Trước năm 1975, nhà đòn chủ yếu tập trung làm ăn ở nhà thương Chợ Rẫy, Bình Dân, Đô Thành (nay là bệnh viện Sài Gòn), Nguyễn Văn Học (nay là Nhân dân Gia Định) còn những nhà thương khác như Triều Châu (nay là An Bình), Sùng Chính (nay là Chấn thương chỉnh hình), Quảng Đông (nay là Nguyễn Tri Phương), Phúc Kiến (nay là Nguyễn Trãi), Trung Cheng (nay là Quân y viện 7A)… thì đã có những bang hội người Hoa quản lý nên mình rất khó đến” – một ông chủ nhà đòn ở khu chợ Bà Chiểu đã giải nghệ, cho biết như vậy.
Một nguồn tin từ giới điều dưỡng ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vấn nạn kền kền sở dĩ giành nhau trong các hợp đồng chở thi hài người mất tại bệnh viện, bao gồm luôn cả thực hiện các thủ tục nhận ở nhà xác, còn có nguyên do chủ các xe cứu thương này là đến từ hùn hạp của một số bác sĩ ngay tại bệnh viện đó.