VNTB – Kêu gọi không bầu Việt Nam vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc

VNTB – Kêu gọi không bầu Việt Nam vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Trúc Linh Lan

 

(VNTB) – Đang có lời mời gửi qua email về tham gia ký tên vào thỉnh nguyện thủ kêu gọi các quốc gia thành viên “Không bầu Việt Nam vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.

 

Tôi cho rằng thỉnh nguyện thư này phù hợp về quyền tự do chính kiến, tuy nhiên với nhà nước Việt Nam thì nếu ai đó tham gia “ký tên”, thì rất cần cân nhắc vì có thể sẽ đưa đến nguy cơ của cáo buộc chống phá Đảng, Nhà nước.

Điều luật 117 của Bộ luật hình sự hiện hành có một nội dung là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý”. Theo cách hiểu của điều luật này, thì khi ai đó ký tên tham gia vào lời kêu gọi gây bất lợi cho Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người ấy bị cáo buộc “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Phía cơ quan công tố của Việt Nam đưa ra lập luận sau cho cáo buộc: “Theo nghĩa rộng, chiến tranh tâm lý là sự kế tục của chính trị và là phương tiện của chính trị; là cách thức, phương pháp đấu tranh tư tưởng của các bên có mâu thuẫn về tư tưởng.

Theo nghĩa hẹp, chiến tranh tâm lý là các thủ đoạn của đấu tranh tư tưởng, hay còn được gọi là tâm lý chiến thông qua sử dụng các biện pháp, cách thức tác động vào tâm lý con người, xã hội của đối phương; nhằm tạo ra những xung đột tư tưởng, từ đó gây mất đoàn kết, khủng hoảng và xung đột nội bộ, suy giảm tinh thần chiến đấu, dẫn đến phe cánh, bè phái, nội chiến, rồi tự tan rã” (dừng trích).

Giáo trình của Khoa Tâm lý học quân sự, Học viện Chính trị về vấn đề trên, viết (trích):

“Trong thời bình, chiến tranh tâm lý trở thành phương tiện quan trọng để tiêu diệt chính phủ của quốc gia có chủ quyền hoặc chế độ chính trị có xu hướng đi ngược lại mục tiêu “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”.

“Đạn” của chiến tranh tâm lý là thông tin, với nhiều loại “đạn” được sử dụng ở từng thời điểm khác nhau. Nếu là tuyên truyền công khai thì sẽ có “thông tin trắng”.

Còn tuyên truyền bí mật lại có “thông tin đen”, “thông tin xám”, “thông tin hồng”… nhằm thực hiện triệt để 3 chức năng chính: Một là, đánh lạc phương hướng chính trị của đối phương thông qua việc cung cấp nhiều thông tin sai lệch cho cá nhân và cộng đồng, làm biến dạng chân lý, mang lại cho con người “bán chân lý” (thực thực hư hư), tạo nên những ảo tưởng xa lạ.

Hai là, phá hoại đạo đức, lối sống của quân đội và nhân dân phía đối lập, khêu gợi sự thất vọng. Ba là, gieo cấy vào nhận thức của quần chúng các quan điểm và giá trị tinh thần theo mục đích của bên tham chiến. Vì là cuộc chiến vô hình, không giới tuyến, không bộc lộ trực diện ý đồ, khó xác định đối tượng và thông qua việc sử dụng thông tin ở các thời điểm khác nhau nên chiến tranh tâm lý trở thành cuộc chiến khó nhận diện và phòng, chống” (dừng trích).

Như vậy, với việc tham gia ký các lời kêu gọi thỉnh nguyện thư liên quan đến vấn đề mang tính chính trị, đến đường lối lãnh đạo của Đảng thì khả năng đối mặt với lao lý trong nhiều trường hợp cho thấy cũng không khác mấy so với tham gia các tổ chức công khai kêu gọi lật đổ chế độ bằng bạo lực, khủng bổ như tổ chức có tên “Chính phủ Đào Minh Quân”.

Người viết bài này nghĩ rằng với quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến ghi trong Hiến pháp của Việt Nam, sẽ an toàn ở chừng mực nhất định nếu như công dân lên tiếng về những yêu cầu, những khuyến nghị cụ thể về chính sách.

Thậm chí nếu có đả kích, thì cũng cần tiết chế cảm xúc để tránh các cáo buộc bất lợi, vì dẫu sao thì Việt Nam vẫn chưa có cạnh tranh đảng phái, nên phản biện chính trị luôn luôn là vấn đề nhạy cảm.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)