VNTB – Khát vốn

VNTB – Khát vốn

Hàn Lam

 

(VNTB) – “Thực sự nhiều doanh nghiệp đang ở tình cảnh rất đáng thương. Họ bày lên bàn các tài sản hiện có và nói với chúng tôi trả giá nào cũng được, miễn sao bơm cho họ nguồn”, lãnh đạo một quỹ đầu tư có quy mô 14.000 tỷ đồng kể.

 

Thanh khoản đã trở thành vấn đề lớn rồi.

“Trong thời gian qua, vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng sau các sự kiện liên quan đến Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Từ tháng 9-10, thị trường có rất nhiều tin đồn liên tiếp làm nhà đầu tư rất hoang mang. Bản thân chúng tôi là nhà đầu tư không biết tin nào thật, tin nào sai. Chúng tôi có ngồi lại với nhau, có đánh giá vấn đề nhưng chỉ ở mức độ nhất định.

Tôi cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là các chủ thể đầu tư trên thị trường bao gồm nhà đầu tư, tổ chức phát hành phải ngồi lại cùng nhau, nhìn xem vấn đề là gì. Khi chúng ta bình tĩnh lại, nhìn nhận đúng vấn đề thì hiện tượng rút vốn sẽ được hạn chế một phần nào đó khi thông tin minh bạch.

Đối với các quỹ đầu tư có hiện tượng bị rút vốn, các quỹ nên có những buổi gặp gỡ trực tiếp để chia sẻ thông tin với nhà đầu tư, qua đó có thể giãn tiến độ rút vốn vì không một tổ chức nào khi bị rút vốn ồ ạt, kể cả ngân hàng có thể đỡ được thanh khoản trong hiện tại”, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư quỹ IPAAM, nói.

Chủ tịch một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp cho biết, khi giá cổ phiếu tuột dốc, họ liên tục nhận được đề nghị của các quỹ và doanh nghiệp nước ngoài về việc bán cổ phần hoặc liên doanh dự án. Đây là cơ hội để họ thâu tóm tài sản với giá rẻ mạt vì thương vụ nào cũng dựa trên bối cảnh thị trường và ưu thế đang thuộc về bên mua.

Trong một cuộc trao đổi gần đây, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VnDirect đã buồn rầu nhận xét, vòng xoáy giảm giá trên thị trường vốn Việt Nam cũng như tình trạng khát thanh khoản hiện nay sẽ kích hoạt các cuộc “bán mình” đáng tiếc của doanh nghiệp Việt.

Trong 9 tháng đầu năm, thống kê cho thấy, 9 doanh nghiệp bất động sản, gồm Nhà Khang Điền (KDH), Đầu tư Nam Long (NLG), Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR), Đô thị Từ Liêm (NTL), Phát Đạt (PDR), DIC Corp, Nhà Bà Rịa Vũng Tàu (HDC), Đầu tư LDG (LDG) và Đất Xanh Group (DXG) đều ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 11.543,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 3.014,5 tỷ đồng. Trong đó, Đất Xanh ghi nhận âm 3.775,8 tỷ đồng; DIC Corp âm 2.380,3 tỷ đồng; Khang Điền âm 2.315,5 tỷ đồng; Địa ốc Sài Gòn Thương Tín âm 637,6 tỷ đồng…

Để giải bài toán dòng tiền trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó, sức cầu suy yếu mạnh, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã công bố hạ giá bán 30 – 50% so với hồi đầu năm để thu tiền về.

Thậm chí, theo lời kể của lãnh đạo một quỹ đầu tư có quy mô hơn chục nghìn tỷ đồng, nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh “bi đát” khi đã “cạn tiền” và mong mỏi được “bơm” dòng tiền dù phải trả giá ra sao.

“Mặc dù thấy thương doanh nghiệp vô cùng nhưng cũng rất băn khoăn trước những đề nghị nhận được. Trước mắt, quỹ đang ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất có dòng tiền đều đặn”, vị lãnh đạo này cho biết.

Thực tế khắc nghiệt, thị trường chứng khoán giảm sâu, nhiều cổ phiếu đã giảm hơn 20-30% so với thị giá hồi tháng 3/2020 – thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Theo đó, những “người cầm trịch” doanh nghiệp và các quỹ không chỉ gặp tình trạng “tiền hẻo”, mà còn đối mặt với yêu cầu giải trình của các cổ đông lớn, nhất là cổ đông nước ngoài vì tốc độ rớt giá quá nhanh của cổ phiếu khiến họ bất ngờ và lo lắng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp thông tin, khi giá cổ phiếu xuống đáy đã liên tục nhận được đề nghị của các quỹ và doanh nghiệp nước ngoài về việc bán cổ phần hoặc liên doanh dự án. Đây là cơ hội để họ thâu tóm tài sản với giá “hời”, vì thương vụ nào cũng dựa trên bối cảnh thị trường và ưu thế đang thuộc về bên mua.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)