(VNTB) – Một đất nước tự hào là có dân chủ, mà người dân không được nói, không được chê, chỉ được phép khen – dân chủ kiểu gì vậy?
Vừa qua, báo chí nhà nước đưa tin, V.B.C. (20 tuổi, trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị xử phạt về hành vi xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, với số tiền 30 triệu đồng. Theo đó, V.B.C. đã sử dụng mạng xã hội livestream đưa ra những phát ngôn, bình luận được cho là có nội dung xúc phạm Hồ Chí Minh.
Người ta nói, yêu ai – ghét ai là quyền cá nhân, vậy mà ở cái đất nước này, đến cảm xúc yêu ghét cũng phải theo ý đảng. Lên mạng nói không thích Hồ Chí Minh, thì lập tức bị phạt 30 triệu đồng! Nhà cầm quyền gọi đó là “bảo vệ danh nhân, anh hùng dân tộc”, nhưng thực chất là đang đe dọa, bịt miệng những người nói sự thật để duy trì cái vỏ bọc giả tạo rằng “ai cũng yêu, ai cũng kính Hồ Chí Minh”.
Hài hước ở chỗ, đảng cầm quyền luôn rao giảng rằng chế độ xã hội chủ nghĩa đầy tính nhân văn, dân chủ, nhưng nhân văn ở đâu khi ép người ta phải khen, phải yêu theo ý đảng? Dân chủ ở đâu khi người ta nói trái ý là bị chụp mũ là phản động? Cái dân chủ gì mà chỉ cần thấy dân có ý kiến trái chiều là tìm cách chặn họng? Đúng là nhân văn, dân chủ kiểu cộng sản, một kiểu nhân văn khiến người ta im lặng và sợ hãi không dám nói lên sự thật.
Thử hỏi, một người bình thường, chưa từng gặp ai đó, chưa từng có bất kỳ mối quan hệ nào, chỉ biết qua những câu chuyện được kể một chiều, lại bị ép phải yêu mến, phải tôn thờ, thì có khác nào biến họ thành một cái máy? Không yêu thì phạt, không khen thì quy chụp phản động, làm thế là muốn dân chúng sống thật hay sống giả dối? Hay lúc nào cũng phải ca tụng hô hào cho vừa lòng ai đó dù không muốn.
Đến người thân trong gia đình, còn có lúc ghét nhau, vậy tại sao lại bắt cả một dân tộc phải đồng lòng yêu mến một người đã mất từ lâu, thậm chí nhiều người còn chẳng biết nhân vật đó là ai, mặt mũi “tròn méo” ra sao? Yêu hay ghét là quyền của mỗi người, không ai có quyền dùng luật pháp để ép buộc cảm xúc. Thế nhưng ở đây, nhà nước lại ngang nhiên xử phạt chỉ vì người ta thẳng thắn thể hiện cảm xúc thật.
Đừng tưởng làm vậy là “bảo vệ danh dự dân tộc” – thực chất, cách làm này chỉ càng làm xấu đi hình ảnh của đất nước trong mắt nhân dân và quốc tế mà thôi. Một đất nước tự hào là có dân chủ, mà người dân không được nói, không được chê, chỉ được phép khen – dân chủ kiểu gì vậy?
Tình yêu phải xuất phát từ chân thành. Khi người ta yêu mến thật sự, không cần phải bắt ép, họ cũng tự nguyện thể hiện. Còn khi phải dùng quyền lực, dùng pháp luật để ép người ta yêu – thì đó là thứ tình cảm giả dối, vô nghĩa. Ép người ta yêu một nhân vật lịch sử mà họ không muốn yêu thích chẳng khác nào ép họ ăn món họ ghét.
Thay vì tìm cách xử lý và bịt miệng những ý kiến trái chiều, chính quyền nên nhìn nhận lại rằng, tại sao dân lại có những suy nghĩ như vậy? Một xã hội muốn phát triển thì phải chấp nhận ý kiến trái chiều, chứ không phải dùng quyền lực để chặn họng dân. Ép yêu thì chỉ có yêu giả, còn ghét thật thì ngày càng ghét nhiều hơn mà thôi.
Cái kiểu “ai khen là yêu nước, ai chê là phản động”, là cái kiểu độc tài, nếu nhà cầm quyền cứ đi theo con đường này, chỉ càng làm cho người dân thêm mất niềm tin mà thôi. Muốn dân yêu mến, thì chính quyền hãy sống sao cho có đạo đức, chứ đừng dùng quyền lực mà áp đặt. Hãy nhớ: Tình cảm không ép được – càng ép, càng phản tác dụng.
___________________
Tham khảo:
https://vnexpress.net/bi-phat-30-trieu-dong-vi-xuc-pham-lanh-tu-tren-tiktok-4836291.html