Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khen vậy khác gì ‘đá đểu’…

Loan Thảo

 

(VNTB) – Cảm động vô cùng với một vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có “mái đầu bạc trắng hiên ngang”…

 

“Chính phủ đã làm việc rất ‘đều tay’ trong suốt nhiệm kỳ vừa qua. Cả Chính phủ nỗ lực, trăn trở vì nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã bạc tóc lo cho dân giàu, nước mạnh được sống trong hòa bình, chiến thắng được bệnh tật, an toàn vượt qua bão lũ.

Cảm động vô cùng với một vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có “mái đầu bạc trắng hiên ngang”, với “gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc. Nhân dân đã vô cùng cảm kích khi nghe báo cáo và biết được những công việc đối nội và đối ngoại mà Chủ tịch nước đã làm được trong thời gian qua”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, đã nhận xét với những lời hoa mỹ như vậy về ông Nguyễn Phú Trọng.

Ông Nguyễn Anh Trí được xem là nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong công nghệ truyền máu và ghép tế bào gốc với chi phí phù hợp với điều kiện Việt Nam. Công trình khoa học của ông Nguyễn Anh Trí và các cộng sự là một trong 9 công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào ngày 15 tháng 1 năm 2017, và Giải Nhất Nhân tài đất Việt 2016.

Như vậy, khi sử dụng cụm từ giàu biểu cảm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có “mái đầu bạc trắng hiên ngang”, với “gánh sơn hà nặng trĩu hai vai”, rất có thể ở đây không hẳn là chuyện dễ đưa đến liên tưởng của nịnh nọt tâng bốc nhau chốn nghị trường, mà có thể là ẩn ý của một thầy thuốc về chuyện gánh nặng tuổi tác khiến người già sẽ dần kém đi trong tư duy sáng tạo.

Lý thuyết y khoa nói rằng, một vài thay đổi sinh lý của tuổi già bao gồm giảm trọng lượng của não, thay đổi tỷ trọng của chất xám với chất trắng, tổng lượng neuron cũng giảm mạnh và số lượng mảng lão hóa cũng tăng lên.

Những người già cũng thường có giảm tưới máu não. Ảnh hưởng của những thay đổi giải phẫu này lên hành vi của con người rất đa dạng. Một số người cao tuổi bị cho là “lẩm cẩm” và “chậm chạp”.

Suy giảm trí nhớ cũng phổ biến ở người cao tuổi, nhưng lại bị nhầm lẫn thành sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, sa sút trí tuệ là một bệnh lý của hệ nhận thức.

Lý thuyết của tiết học về “Lão khoa” trên giảng đường đại học của trường Y, nói rằng người già nên được khuyến khích để tham gia và các hoạt động nhận thức như làm việc, chơi trò chơi hoặc học một khóa ngắn hạn. Duy trì trí tuệ minh mẫn được cho là một tiêu chí đánh giá sự thành công của tuổi già.

Như vậy, nếu theo cách của cựu Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương – Nguyễn Anh Trí, thì ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay là một người già duy trì được trí tuệ minh mẫn.

Thế nhưng nếu xét theo các quy định tương ứng quanh chuyện tuổi tác liên quan đến các chức vụ trong bộ máy cầm quyền của Đảng, thì ông Nguyễn Phú Trọng phải được cái quyền nghỉ ngơi vì sinh – lão – bệnh – tử là lẽ thuận tự nhiên, tránh việc duy ý chí để tiếp tục bóc lột sức lao động của một người già như ông Nguyễn Phú Trọng.

Cũng luận bàn về vấn đề “Lão khoa”, một nhà báo chuyên trách mảng y tế cho rằng ở đây có thể là lời khen ngụ ý ‘đá đểu’, bởi khi con người ta già đi, mỗi hệ cơ quan trong cơ thể đều trải qua những thay đổi nhất định.

“Việc chính sự luôn không dễ dàng, nhất là hàng xóm của Việt Nam là gã Trung Quốc tham lam, xấu tính và côn đồ với giấc mộng bành trướng bá quyền. Tất cả những điều ấy tất yếu đưa đến cho người già các nguy cơ của yếu tố stress. Những biến đổi từ stress này thường dẫn đến nguy cơ tiến triển các bệnh lý ở người già.

Một điều rất quan trọng là phải phân biệt được những thay đổi sinh lý, với các biến đổi bệnh lý để tránh điều trị nhầm sang các thay đổi sinh lý, và bỏ sót các biến đổi bệnh lý dẫn tới hậu quả bệnh tật trầm trọng…” – vị nhà báo chuyên trách y tế, nhận xét.

Và nếu được phép ‘nịnh sếp’ – cũng vị nhà báo nói trên, cho rằng có thể viện dẫn chuyện khoa học để ủng hộ cho ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục sự nghiệp là một chính khách đứng đầu Đảng, đó là “Khoa học đã chứng minh rằng bộ não của chúng ta già đi và trí nhớ trở nên lú lẫn không hẳn vì chúng ta tuổi cao sức yếu, mà là vì ta quyết định… về hưu và cho bộ não nghỉ ngơi.

Đừng quên các nơ-ron một khi sinh ra là sẽ sống với ta cả đời. Ta không dùng thì nó sẽ chết. Và khi nó chết, không như các bộ phận khác của cơ thể, nó sẽ ra đi mãi mãi không để lại người nối dõi…”.

Cái lưỡi vốn không xương, là vậy!


Tin bài liên quan:

VNTB – Người dân tiếp tục bị hạch hỏi vì chỉ trích Nguyễn Phú Trọng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ngôi chùa lớn nhất thế giới sẽ là ổ dịch Covid-19?

Phan Thanh Hung

VNTB – Có lẽ cần xin ý kiến của Tổng bí thư về điều hành giá cả!?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.