Phú Nhuận
(VNTB) – Một người bạn làm ăn cùng với Vy đồng ý mua con còn trong bụng của Ánh với giá 50 ngàn Nhân dân tệ.
Năm 2016, thỏa thuận mua thai nhi từ Việt Nam với giá tương đương 50 ngàn Nhân dân tệ (đơn vị tiền tệ Trung Quốc). Đó là một trong số nhiều vụ mua bán thai nhi được công an tỉnh Quảng Ninh ‘phá án’ vào cuối năm 2016.
Vụ việc tóm tắt như sau: Qua giới thiệu của bạn bè, Phan Ngọc Ánh lúc đó là 27 tuổi, trú tại thành phố Hồ Chí Minh, lấy một người đàn ông Trung Quốc tên A Long.
Ánh mang thai với Long nhưng nhà chồng không tin tưởng, cho rằng cái thai trong bụng Ánh không phải là con, cháu của họ nên đối xử với Ánh rất hà khắc. Trong tình cảnh đó, cô gái Việt Nam tìm cách bỏ trốn. Nhưng khi đi đến tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc thì bị Công an Phúc Kiến bắt giữ về hành vi nhập cảnh trái phép. Ánh được Công an Trung Quốc trao trả về Việt Nam.
Sau khi về nước, Ánh quay về thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Không nghề nghiệp, lại bụng mang dạ chửa, nghĩ đến tương lai đen tối của bản thân, Ánh cùng cực đã nghĩ đến việc bán con.
Ánh liên lạc với người phụ nữ tên là Trần Thị Minh Hồng, trú tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An kể về việc đang mang thai nhi giới tính nam gần 7 tháng tuổi và nhờ Hồng tìm người Trung Quốc mua con của Ánh sau khi sinh.
Hồng nhận lời rồi liên lạc với một người phụ nữ tên Vy (người phụ nữ này lấy chồng và sinh sống tại Trung Quốc) là bạn quen biết, nhờ tìm người có nhu cầu mua bán bào thai. Một người bạn làm ăn cùng với Vy đồng ý mua con của Ánh với giá 50 ngàn Nhân dân tệ. Vy thỏa thuận, Hồng có trách nhiệm đưa Ánh từ thành phố Hồ Chí Minh ra Móng Cái rồi tìm người đưa Ánh sang Trung Quốc, Vy sẽ đón Ánh tại tỉnh Phúc Kiến rồi đưa về nhà chăm sóc. Khi Ánh sinh con xong thì người mua con của Ánh sẽ trả cho Ánh 50 ngàn Nhân dân tệ.
Ngày 7-11-2016, Ánh từ thành phố Hồ Chí Minh ra Móng Cái, được Hồng đưa về nhà nghỉ Thiên Hương ở phường Ka Long, thành phố Móng Cái nghỉ ngơi, đợi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Ngày 8-11-2016, Hồng gọi cho lái xe ôm là Nguyễn Văn Hùng, nhờ đưa Ánh đi vào khu vực biên giới để Ánh tìm cách xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc thì bị Công an thành phố Móng Cái kiểm tra, phát hiện.
Vào thời điểm được phát hiện, Ánh mới mang thai được 7 tháng, đứa trẻ chưa ra đời nên chưa có hậu quả xảy ra, nên chưa cấu thành tội danh hình sự liên quan.
Phía cơ quan quản lý còn bối rối ngoài chuyện “thai nhi” chưa phải là “trẻ em” cho xử trí hành vi buôn người theo pháp luật hình sự, thì một khía cạnh khác cũng liên quan đến hành vi mua bán thai nhi, là ý thức của người mẹ, để từ đó xác định được trong các vụ việc mua bán thai nhi thì người mẹ mang thai nhi đó là nạn nhân hay đồng phạm.
Hiện trên thực tế qua các vụ mua bán thai nhi thường thấy có hai loại đối tượng người mẹ. Nhóm thứ nhất là người mẹ nhận thức kém hoặc rơi vào hoàn cảnh éo le, thế cùng quẫn buộc phải miễn cưỡng (không mong muốn) bán bào thai trong bụng mình.
Nhóm thứ hai là người mẹ có động cơ tư lợi, để kiếm tiền, chấp nhận bán thai nhi, nhận lấy tiền ăn tiêu rồi đợi ngày sinh hạ để bàn giao đứa con của mình cho kẻ khác nhân danh “động cơ nhân đạo” mà người dân thường gọi là “đẻ mướn”.
Có quan điểm cho rằng hành vi mua bán thai nhi hoàn toàn có thể bị xử lý theo điều luật về mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 của Bộ luật hình sự 2015), vì dù hành vi trao đổi, gạ gẫm diễn ra khi người mẹ còn mang thai nhưng thời điểm mà đối tượng nhận con và giao hết số tiền sau khi sinh (thường sau khi sinh), tức tội phạm hoàn thành khi đứa trẻ đã sinh ra. Và với cách hiểu đó, nếu vụ việc bị bắt quả tang tại thời điểm này, thì cơ quan tiến hành tố tụng “linh hoạt” vẫn có đủ cơ sở để xử lý về tội mua bán trẻ em.