Trúc Giang (VNTB) “Trước mắt, trạm BOT Cai Lậy vẫn phải thu phí theo giá đã được phê duyệt và sẽ không có chuyện di dời vị trí hay giảm phí ở trạm BOT này” – ông Nhật khẳng định.
Cuối giờ chiều ngày hôm qua, Chủ nhật 13-8, có hàng trăm tài xế từ tỉnh Đồng Nai, TP.HCM cùng các nhà xe ở Tiền Giang đã hẹn nhau đến trạm thu phí Cai Lậy, đưa tiền lẻ nhằm phản đối việc đặt trạm không đúng vị trí, giá phí quá cao. Các tài xế đã kéo vào khuôn viên văn phòng điều hành trạm thu phí để gây áp lực. Họ đưa ra yêu cầu: Dẹp bỏ trạm thu phí này.
Một trong những nguyên do dẫn đến sự việc trên là tuyên bố đầy thách thức hôm 11-8, “Không giảm phí, không di dời trạm Cai Lậy!” của thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật. Ông Nhật đã nhiều lần khẳng định như vậy, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt sai chỗ, thu phí quá cao khiến nhiều người phản ứng.
Trước khi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vào tháng 6/2015, ông Nguyễn Nhật có 3 năm làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Trước đó nữa, ông Nguyễn Nhật là phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Trong phát biểu ngày 11-8-2017 về trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thứ trưởng Nguyễn Nhật nói rằng: “Quy định hợp đồng BOT đã được ký với nhà đầu tư, Thông tư 159 về mức thu phí cũng đã được Bộ GTVT, Bộ Tài chính thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan chức năng… Chúng ta phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Làm gì cũng phải có kỷ cương phép nước, chứ không phải ai muốn làm gì thì làm… Hàng ngàn xe đi qua, họ tuân thủ, tại sao chỉ có một số ít tài xế phản ứng?”.
“Trước mắt, trạm BOT Cai Lậy vẫn phải thu phí theo giá đã được phê duyệt và sẽ không có chuyện di dời vị trí hay giảm phí ở trạm BOT này” – ông Nhật khẳng định.
Trong trả lời nói trên, nếu căn cứ vào pháp luật hiện hành thì thứ trưởng Nguyễn Nhật đã sai rất… “cố tình”.
Thứ nhất, Thông tư 159 mà ông Nhật nói đến, có tên đầy đủ là “hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ”, văn bản đánh số 159/2013/TT-BTC. Thông tư này đã hết hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Thay thế thông tư 159/2013/TT-BTC là Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT, “quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý”.
Tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy có chiều dài 12km. Trong biểu giá thu phí, xe ô tô 12 chỗ trở xuống, hiện phải chịu mức phí là 35.000 đồng/ lượt, dù có đi hay không đi qua đoạn tránh này. Căn cứ quy định của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT, cụ thể là tại mục “Biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo chặng”, ban hành kèm theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng GTVT, thì “Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng” có mức giá tối đa (đồng/km) là 2.100 đồng, cho thấy lẽ ra mức phí mà các tài xế xe 12 chỗ trở xuống phải đóng tối đa chỉ là 25.200 đồng/lượt.
Thứ hai, việc thứ trưởng Nguyễn Nhất khăng khăng phải đặt trạm thu phí Cai Lậy trên Quốc lộ 1, đã vi phạm quy định về khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí phải là 70km. Từ TP.HCM về miền Tây, sau khi ra khỏi tuyến cao tốc TP.HCM -Trung Lương với các trạm thu phí, thì đi trên Quốc lộ 1 chưa đầy 30km nữa, tài xế buộc phải đóng tiếp phí cho trạm Cai Lậy, dù không hề sử dụng “12km đường tránh thị xã Cai Lậy”.
Phía Bộ GTVT giải thích rằng “trạm thu phí Cai Lậy nằm trong dự án BOT, tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 được khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài hơn 12 km, xây mới 7 cầu, có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Còn phần bảo trì, tăng cường Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng”.
Giải thích này cũng thiếu căn cứ pháp luật. Về nguyên tắc đặt trạm thu phí, việc làm mới đường tránh tại đâu, thì phải đặt trạm thu tại đó. Đồng thời, công tác duy tu, sửa chữa Quốc lộ 1 đã có vốn từ nguồn bảo trì đường bộ, không dùng vốn BOT, nên việc để Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn dài hơn 26km rồi đặt trạm thu phí tại đây là trái nguyên tắc. Đó là chưa bàn đến chuyện trong sổ sách quyết toán hàng năm, liệu đoạn đường hơn 26 cây số đó có được đưa ra để “móc túi” khoản ngân sách có tên “bảo trì đường bộ”?.
Tuy nhiên những phát biểu trái khoáy nói trên của thứ trưởng Nguyễn Nhật hoàn toàn không gây ngạc nhiên. Bởi tương tự, trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 91 thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ, nơi tiếp giáp tỉnh An Giang cũng đang gây nên sự bất bình của người dân, vì thu phí của cả những phương tiện đi trên tuyến đường khác. Trạm thu phí T2 đặt cách ngã ba Lộ Tẻ – Rạch Giá chừng hơn 100m, nhưng thu luôn phương tiện đi theo Quốc lộ 80 về phà Vàm Cống, gây bức xúc cho chủ phương tiện, khi cho rằng chỉ sử dụng hơn 100m đường mà phải chịu phí cho toàn tuyến với mức phí 35.000 đồng/lần đối với xe có trọng tải dưới 2 tấn…
Không hề oan chút nào khi nói rằng chính Bộ GTVT đã chặn quốc lộ để doanh nghiệp thu phí BOT. Có lẽ, ở đây còn là chuyện của bánh ít đi thì bánh quy lại!