Trần Kiên
(VNTB) – Corona chỉ ra một bài học mà Chính phủ cần lưu ý, không phải bất cứ quan điểm ‘hùa theo, đồng thuận tuyệt đối’ với quan điểm của Chính phủ là luôn tốt, và ngược lại.
‘Toàn dân phải đeo khẩu trang’ để chống dịch Corona.
Những biện pháp mà ‘lực lượng phản động’ đòi hỏi như kêu gọi CSGT ngừng thổi nồng độ cồn, đóng cửa biên giới,… từng bị các nhóm ‘tác chiến điện tử’ chửi bới kịch liệt nay được chính những quan chức cao cấp nhất trong đảng và nhà nước Việt Nam đề cập đến. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến khả năng ‘đóng cửa biên’ để ngăn dịch bệnh tràn từ phía Bắc xuống.
Nhà nước cần phải nhanh, mạnh và chủ động hơn trong vấn đề mang tính huỷ hoại sức khoẻ cộng đồng này. Bởi thực tế cho thấy, ngay cả khi đề cập đến đóng cửa biên giới, thì vẫn chờ đợi sự phối hợp từ Trung Quốc, với lý do… Hiệp định.
Bản thân Chính phủ cũng ít nhiều thể hiện sự lúng túng, khi mà Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tuyên bố ‘chưa đến mức đóng cửa biên giới vì virus Corona’ thì ngay sau đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn bày tỏ, ‘đã tính đến phương án đóng cửa biên giới’.
Sự nguy hiểm của Corona tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa khi mà bản thân các fanpage như Tác chiến điện tử, Tifosi,… tiếp tục các bài viết thể hiện quan điểm coi thường sự nguy hại của virus này, dựa trên sự bưng bít sự thật từ chính quyền Bắc Kinh. Đồng thời, tin Bệnh viện Chợ Rẫy chữa khỏi bệnh viêm phổi cho người Vũ Hán (Trung Quốc) cũng gián tiếp khiến cho tâm lý chủ quan trở nên lan rộng trong xã hội. Tâm lý ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’ từng bước bị bẻ gãy bởi những tuyên bố và bài viết ‘tầm thường hoá’ virus Corona, và thể hiện quá date về trình độ y tế dự phòng của Việt Nam. Điều này cho thấy rằng, sự nguy hiểm tiềm tàng và vô cùng lớn của các lực lượng ‘dư luận đỏ’ trên mạng, trước những tai biến của xã hội.
Ngay cả khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi ‘cả hệ thống chính trị vào cuộc’, ông cũng vô tình bỏ quên yếu tố các lực lượng xã hội. Bởi, nếu coi dịch bệnh lần này là giặc, thì ‘hệ thống chính trị’ có thể hoàn toàn đuối sức trước sự nguy cấp và diễn biến khó lường của virus. Do vậy, yếu tố chính trị là không thể thiếu, nhưng cần phải là toàn xã hội chung tay, xoắn áo vào cuộc.
Trong câu chuyện phòng chống virus Corona, nổi lên vai trò thông tin nhanh chóng và nhạy bén của không ít cá nhân ‘phản động’, ngoại trừ những yếu tố chỉ trích sự chậm trễ của Chính phủ, thì chính họ là những người gia tăng cảnh giác của đám đông trước Corona. Và nếu như dịch bệnh có được hạn chế về mức độ rủi ro và hậu quả, thì những cá nhân đó xứng đáng được tôn vinh.
Corona chỉ ra một bài học mà Chính phủ cần lưu ý, không phải bất cứ quan điểm ‘hùa theo, đồng thuận tuyệt đối’ với quan điểm của Chính phủ là luôn tốt, và ngược lại. Bất đồng chính kiến trong xã hội khiến cho các giá trị phản ứng tích cực của Chính phủ có thể trỗi dậy, trong khi những quan điểm ‘ton hót’ theo Chính phủ có thể khiến bản thân Chính phủ phải vất vả hơn trong đối phó với tâm lý chủ quan trong dân chúng.
Một lần nữa, Chính phủ cần tiếp tục mở rộng minh bạch thông tin và hành động kịp thời hơn vì sức khoẻ nhân dân. Bởi đó là điều cốt lõi đảm bảo Corona được khống chế kịp thời, trước khi có thuốc hoặc phương pháp đặc trị. Đồng thời, cần tính đến vai trò mở rộng của các tổ chức xã hội dân sự trong truyền tải và giáo dục thông tin kịp thời về Corona, thay vì coi đó như một bộ phận ngoài lề, và phó thác hoàn toàn phòng chống dịch bệnh cho ‘hệ thống chính trị’ vốn chứa đựng nhiều quan liêu.