Mẫn Nhi
(VNTB) – Việc lên tiếng phản gián về sự “góp ý” của các lão thành cách mạng dựa trên Nghị Quyết T.Ư 4 trên VOV một lần nữa cho thấy bước lùi về tự do ngôn luận và thực hành dân chủ ngay trong Đảng.
Gần đây, càng nhiều lá thư của không ít đảng viên, lão thành cách mạng đóng góp, lên tiếng về hiện tình đất nước. Đây là điểm sáng trong lòng chế độ quốc gia, khi mà tiếng nói của những người đang – đã kinh qua chức vụ lãnh đạo nói lên quan điểm, suy nghĩ của họ, tất nhiên,… một số trong đó cũng có sự lo nghĩ đến sự tồn vong của chế độ.
Và dường như quá lo xa, một bộ phận không nhỏ các “nhà báo, nhà nghiên cứu, lý luận của Đảng” đã lên tiếng về hiện tượng trên bằng quan điểm: Góp ý xây dựng Đảng: Kiên quyết loại trừ việc lợi dụng xây để chống.
Và vào ngày 15/07/2017, VOV đã cho đăng tải một bài viết theo đường hướng như thế.
Bằng việc dẫn ra Nghị quyết T.Ư 4, tác giả Hương Giang-Minh Châm-Lại Hoa (thuộc VOV-Trung tâm Tin) đã áp đặt mệnh đề “những người ‘quay lưng với Đảng’, thậm chí phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân” vào trong toàn bộ bài viết. Và cũng chỉ với từ khóa liên quan là “hết sức trăn trở, lo âu về vận mệnh đất nước”, có thể nhận diện được điều mà nhóm tác giả này đang muốn nói đến là ai.
Đó là “Thư gửi Bộ chính trị, BCH T.Ư khóa XI, ĐB dự ĐH lần thứ XII và toàn thể đảng viên ĐCSVN” vào tháng 12/2015, góp ý văn kiện trình Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam – dù “rất dài nhưng nặng về nhận định và chủ trương sáo mòn, chưa nhìn đúng sự thật,”. Nhóm người kiến nghị là 126 người, gồm những lãnh đạo nhà nước, Đảng, nhà báo, trí thức của Việt Nam.
Những lá thư được đăng tải công khai, nói rõ tâm tình, nhưng dưới “ngòi bút” của nhóm tác giả VOV đã trở thành “tâm trạng tự phong” đầy miệt thị, và rằng, nghi ngờ về tính “thực hư của những người ký tên”.
Giá như nhóm tác giả có thể xác chứng từng người một trong lá Thư đó, thì hẳn sẽ chẳng có cái câu đầy vô duyên rằng: không ai có thể kiểm chứng được thực hư những người ký tên đó là thật hay giả. Chẳng lẽ với vị trí là nhà báo, lại đang làm ở trung tâm tin tức của một tổ chức truyền thông – báo chí quốc gia, việc xác minh từng nhân vật trở nên quá khó khăn, nên nhóm tác giả mới đành “đánh hỏa mù” bằng câu nhận định vô thưởng, vô phạm đến thế?
Tiếp đấy, bài viết dẫn lời nhà báo Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, và ông nhận định: “Tôi có rất nhiều bạn bè, họ thật sự bất ngờ, không hiểu sao họ lại có tên trong danh sách kiến nghị tập thể […]Có một điều đáng lưu ý, một số đồng chí từng giữ vị trí lãnh đạo, từng là đảng viên cũng hùa theo”.
Thú thực, “điều đáng buồn” nhất của một bản tin, và tư cách của một người cầm bút là tính xác chứng, tại sao ông Phó Tổng không nêu 1 hay vài người trong nhóm người có tên trong “danh sách kiến nghị tập thể” đó để bạn đọc tin theo, hay lại như nhóm tác giả VOV – nó quá khó khăn để làm? Điều nữa, ông nhà báo sử dụng từ “hùa theo” để lên án hành vi của những “đồng chí từng giữ vị trí lãnh đạo, đảng viên”, nhưng liệu đó có thực sự là “hùa theo”, hay cách thức áp đặt một cách giáo điều, chụp mũ một cách vô nhân của một người làm ở Tạp chí Cộng sản hay làm? Cần nhắc lại, “hùa theo” là để ám chỉ những người ồ ạt làm việc gì đó không tốt mà chưa nhận thức được. Thế hóa ra hơn ½ trong bản danh sách đó điều không nhận thức điều mình làm? Lẽ nào “đồng chí” lão thành, lãnh đạo của Việt Nam là nhóm người mất hết lý trí?
Chưa hết, từ bao giờ việc chỉ ra sai lầm gốc của Đảng là Chủ nghĩa Mác Lenin hay đòi chấm dứt sự trấn áp khi người dân thực hiện quyền tự do dân chú là “góp ý xây dựng Đảng không thành tâm”. Và từ bao giờ, một sự minh bạch thông tin trên internet lại bị coi là một “thủ đoạn “tuyên truyền luận điểm sai trái, chống phá chế độ”???
Sai lầm, khuyết điểm đối với một Đảng cầm quyền là không thể tránh khỏi. Nhưng sai lầm sẽ càng sâu, khuyết điểm sẽ càng nặng khi mà những người quá “đỏ” có xu hướng xù-lông-nhím với mọi góp ý, kiến nghị, và áp nó bằng cụm từ phản-động.
Đúng như ông Nguyễn Túc – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một lão thành cách mạng đã tái khẳng định, “cuộc đấu tranh với bản thân, đấu tranh trong nội bộ Đảng thậm chí còn khó hơn nhiều so với cuộc đấu tranh giữa địch và ta” hay như cách ông Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre, Ủy viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ, “Tôi không nghĩ rằng mọi ý kiến của tôi đều là ý kiến đúng. Nhưng mình đưa ra vấn đề để mọi người cùng suy ngẫm.” Những vấn đề thuộc về ý kiến, quan điểm không phải lúc nào cũng thống nhất, mà nó phải trái-chiều, càng trái-chiều thì càng biện chứng được theo quy luật đi lên. Tôn trọng điều này, tức là tôn trọng quy luật hiện sinh, và nó sẽ tốt cho chính Đảng cầm quyền. Còn phủ nhận, đòi bắt giam, áp đặt những ý kiến trái chiều thì điều đó chỉ càng khiến cho sự suy vong của chính Đảng đến càng sớm. Không đâu xa, khi những góp ý của lão tướng Trần Độ vào thập niên trước đó đó đã vận đúng với Việt Nam bây giờ!!
Bởi lẽ, “khuyết điểm đối với một Đảng cầm quyền là không thể tránh khỏi.”
Việc lên tiếng phản gián về sự “góp ý” của các lão thành cách mạng dựa trên Nghị Quyết T.Ư 4 trên VOV một lần nữa cho thấy bước lùi về tự do ngôn luận và thực hành dân chủ ngay trong Đảng.