VNTB – Khi ‘game show’ đã ‘over’

VNTB – Khi ‘game show’ đã ‘over’

Ngọc Lan

(VNTB) – Tình tiết mới nhất ở vụ án “Thiền am bên bờ vũ trụ” cho thấy cơ quan điều tra cáo buộc việc lập chùa nhưng không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sẽ là vi phạm pháp luật.

 

Nhà chức trách cáo buộc gì?

Theo cơ quan truyền thông của Bộ Công an thì trong vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”, hay còn có tên “Thiền am bên bờ vụ trụ”, các tình tiết được công bố sau khi Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Cao Thị Cúc (sinh năm 1960, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự, như sau (trích):

Trước đây, bà Cao Thị Cúc thường trú tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Năm 2014, bà bán đất đai, ruộng vườn rồi đến xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa mua lại nhà, đất rộng gần 2.000m2 rồi chuyển về sinh sống, sau đó sửa chữa làm điểm tu tại gia.

Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân, sinh năm 1932 tại tỉnh An Giang (thường trú phường 10, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) chuyển về đây sinh sống, cả hai đã “biến” điểm tu tại gia này thành nơi gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” và đến tháng 1-2020, nhằm né tránh những ồn ào tự gây ra, ông Lê Tùng Vân đổi tên thành cái gọi là “Thiền am bên bờ vũ trụ”.

Mặc dù không xin phép cơ quan chức năng địa phương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bà Cao Thị Cúc và ông Lê Tùng Vân mua sắm rất nhiều pho tượng phật mang về kê trên các kệ được thiết kế sẵn, cạo đầu trọc, mua quần áo, pháp phục nhà Phật về mặc và còn trang bị cho những người trong hộ gia đình này.

Đặc biệt, cả hai còn đạo diễn để trong những lần quay clip đưa lên mạng, ông Vân còn mặc áo hầu vàng (vốn chỉ có Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng mới được mặc) ngồi chễm chệ trên bệ cao rồi dàn dựng cho một số phụ nữ quỳ dưới sàn nhà thắp nhang lạy mình giống như đang lạy Phật. Ngoài ra, cả hai còn dựng clip ông Lê Tùng Vân làm lễ xuất gia cho hai cô gái là Võ Thị Diễm My và Trương Ngọc Xuân.

Ngay sau khi xuất hiện một số clip trên mạng xã hội, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Giác Ngộ đã lên tiếng rằng Lê Tùng Vân là người tu tại gia thì không thể làm lễ xuất gia cho người khác theo luật Phật.

Cụ thể, theo các video clip đăng trên YouTube và các trang mạng xã hội, khi làm lễ xuất gia cho Võ Thị Diễm My và Trương Ngọc Xuân, ông Lê Tùng Vân tuyên bố không tuân thủ theo 5 điều đạo đức Phật dạy. Một người nào đó cho rằng mình là phật tử tu tại gia mà không theo giới luật của phật quy định thì không thể là phật tử?

Trong trường hợp này – theo Thượng tọa Thích Nhật Từ thì ông Lê Tùng Vân chưa bao giờ xuất gia, chưa bao giờ thọ giới Sa di hay Tỳ kheo mà công khai làm lễ xuất gia cho người khác là vi phạm nghiêm trọng các quy định giới luật nhà Phật. Với việc làm này, ông Vân đã lừa đảo tín đồ Phật giáo, gián tiếp dẫn dắt người xem tin rằng mình là Phật.

Để lôi kéo sự ủng hộ của những tín đồ nhà Phật đến ủng hộ tiền bạc, vật chất, bà Cúc và ông Vân cho dựng nhiều dãy nhà, đưa một số trẻ em vào ở, quay clip rồi tung hê trên mạng rằng đây là “mái ấm cho trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa”.

Sau nhiều lần bị nhắc nhở về việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, không đăng ký tạm trú, tạm vắng gây mất an ninh trật tự tại địa phương, UBND huyện Đức Hòa  đã giao công an huyện phối hợp với các phòng nghiệp vụ và các ban ngành chức năng địa phương vào cuộc, kết quả xác minh đã phơi bày sự thật: Đa số trẻ sống trong hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa… (dừng trích)

Hình sự hóa một ‘game show’?

Trước hết hoạt động cải gia thành tự là một nhu cầu, thực tế đã diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức. Tất nhiên, họ không thể treo bảng, không thể nhận ra chùa, dù có khi ở đó có tăng ni thật sự tu hành.

Chùa “cải gia thành tự” được nói ở đây, là cơ sở thờ tự tư nhân được công cộng hóa từng bước, trở thành nơi phục vụ cho đông đảo Phật tử ngoài gia đình, khác với kiểu chùa gia đình, hay tông tộc, hoạt động khép kín, chỉ dành riêng cho sinh hoạt tín ngưỡng của gia đình, dòng họ, đóng cửa với người ngoài. Loại chùa tư gia này thường nghe nói đến nhiều ở Huế.

Trước năm 1975, hình thức cải gia thành tự này được Giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ ở miền Nam khuyến khích, dù có thể trực thuộc giáo hội, có thể không, mà một số thường được gọi dưới tên “Niệm Phật đường”. Qua thời gian, đa số các Niệm Phật đường đã trở thành chùa.

Vấn đề tiếp theo từ cáo buộc của vị thượng tọa về các nghi thức tôn giáo.

Trong luận án “Tôn giáo nội sinh mang tính cứu thế vùng Nam Bộ” của nghiên cứu sinh Tôn Việt Thảo, chuyên ngành “Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử” – Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, có đoạn viết:

“Sự đa dạng, phong phú của điều kiện tự nhiên, sự giao lưu giữa các vùng miền chi phối ảnh hưởng đến vùng đất mới này tạo nên diện mạo văn hóa hết sức đặc sắc ở Nam Bộ – “đa dân tộc, đa tôn giáo”.

Các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ sớm hình thành và lan rộng như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo… Giáo lý qua các dòng tôn giáo nội sinh vùng Nam Bộ thực chất là sự kế thừa, vay mượn, dung hợp tư tưởng của Nho – Phật – Lão, trải qua quá trình tiếp biến lâu dài, hòa nhập với truyền thống văn hóa bản địa tạo nên diện mạo tôn giáo đặc sắc của địa phương. Trong đó, tính chất cứu thế là yếu tố có sức lôi cuốn mạnh mẽ các tín đồ qua từng thời kỳ”.

Ông Lê Tùng Vân, một người xuất thân từ một gia đình theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Lê Tùng Vân quê ở An Giang, cũng là nơi có nhiều truyền thống tín ngưỡng địa phương như Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Các tình tiết mà truyền thông của Bộ Công an mô tả: ông Vân mặc áo hầu vàng ngồi chễm chệ trên bệ cao rồi dàn dựng cho một số phụ nữ quỳ dưới sàn nhà thắp nhang lạy mình giống như đang lạy Phật. Ngoài ra, cả hai còn dựng clip ông Lê Tùng Vân làm lễ xuất gia cho hai cô gái là Võ Thị Diễm My và Trương Ngọc Xuân…, cho thấy rất rõ đây không phải là các nghi thức tu hành của phái Bắc tông, Nam tông hay Mật tông của Phật giáo, mà rất có thể thuộc về tôn giáo nội sinh nào đó của miền Nam.

Vấn đề tiếp theo là cáo buộc việc “cho dựng nhiều dãy nhà, đưa một số trẻ em vào ở, quay clip rồi tung hê trên mạng rằng đây là “mái ấm cho trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa”, qua đó trục lợi.

Nếu cáo buộc này được thành lập thì các bên liên quan cần phải được đưa vào vòng tố tụng, gồm có: ban tổ chức chương trình “Thách thức danh hài”, đơn vị truyền thông game show “Thách thức danh hài”, các nghệ sĩ trong game show này trên danh nghĩa cá nhân đã có những gặp gỡ và quay clip về đời sống tại mái ấm này.

Lợi nhuận thu về qua ‘rating’ của game show “Thách thức danh hài” dễ dàng được kiểm toán. Và nếu làm một so sánh của “hưởng lợi” từ nhà sản xuất game show đến việc cho là “trục lợi” của “mái ấm cho trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa”, có thể nhận ra kịch bản toàn bộ vụ việc thuộc về ai.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)