Tử Long
(VNTB) – Theo Vinfast, hiện tượng chập mạch xe đạp điện có thể gây nguy hiểm và cần người dùng xử trí kịp thời.
Xe tay ga khi nằm trong nhà xe, liệu khi nào thì nó sẽ bị… chập điện đến mức gây hỏa hoạn như vụ tòa nhà 9 tầng ở Hà Nội mà công an vừa công bố về nguyên do cháy?
Về lý thuyết, theo phía nhà sản xuất Honda Việt Nam, do ắc quy và bình xăng cũng khá gần nhau khi xảy ra hiện tượng chập mạch thì các lượng hóa chất ắc quy nhiệt độ sẽ tăng cao, nếu không may sẽ dẫn tới nổ, ngay cả bình xăng con cũng bị liên lụy.
Khi chìa khóa công tắc trên xe đã… tắt, vậy thì khả năng xe có thể tự… cháy không? Đây là câu hỏi mà gần như thợ sửa xe nào cũng chung câu trả lời là có thể nếu như có ai đó cố tình… đốt (?!).
Phía cơ quan công an đưa ra lý do vụ hỏa hoạn ở phố Khương Hạ đêm 12, rạng sáng 13-9-2023 đã khiến 56 người tử vong và nhiều người bị thương là “do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng loại xe tay ga đặt giáp tường phía Nam tầng 1 gây ra hỏa hoạn”.
Giới thợ sửa xe ở Sài Gòn đưa ra ý kiến bên lề như sau: xe tay ga cứ chống nghiêng là ngắt điện, sẽ tắt máy xe. Khi chống đứng mà tắt công tắt thì đương nhiên là các mạch điện cũng bị ngắt, do vậy nên các cửa hàng buôn bán xe mới lẫn xe cũ họ chất xe đầy nhà, nhưng có ai ghi nhận trường hợp nào… tự dưng cháy đâu?
Tương tự, các bãi xe nơi công cộng, những nơi lưu giữ xe vi phạm luật giao thông, mặc dù chịu nắng, mưa trực tiếp, nhưng cũng chưa thấy xảy ra vụ chập mạch điện ắc quy nào gây cháy dù nhỏ.
Giả dụ chấp nhận – dù rất hy hữu, một chiếc xe đang dừng, không bật chìa khóa vẫn có thể cháy do chập điện từ ắc quy. Ví dụ, vỏ dây dương bị rách do xuống cấp theo thời gian, từng được sửa chữa nhưng không nối cẩn thận, nguồn điện tiếp xúc với khung xe, làm nóng, cháy vỏ dây. Từ khi cháy dây, sẽ khá lâu để lửa có thể lan tới các bộ phận khác. Vì thế nếu phát hiện kịp thời sẽ tránh hậu quả lớn.
Các nhà sản xuất xe máy đều tính tới đe dọa nêu trên, và họ có cơ chế để giảm thiểu rủi ro, đó là bảng cầu chì. Khi có chập điện, cầu chì sẽ đứt, như vậy tránh chập lan sang những khu vực khác, tia lửa điện, nếu có, sẽ chỉ ở trong vùng dây dẫn gần ắc quy.
Giờ thì thử đặt ra một nghi vấn khác đang được đồn đoán: nguyên nhân hỏa hoạn đến từ một xe điện.
Tránh bị cho là suy diễn, những nội dung sau đây được viện dẫn từ nguồn của nhà sản xuất Vinfast. Theo nhà sản xuất này, hiện tượng chập mạch là một trong những lỗi xe đạp điện có thể gây nguy hiểm và cần người dùng xử trí kịp thời.
“Đầu tiên, người dùng cần ngắt kết nối nguồn khi xe đạp điện có dấu hiệu bốc khói, cháy nổ. Nguyên nhân của lỗi này là do bình ắc quy bị chập điện, cụ thể là trường hợp 2 dây âm dương chồng lên nhau hoặc chất lượng xe kém khi bình điện bị nóng lên sẽ gây ra chập điện. Lỗi chập mạch không thể tự sửa chữa hoặc tái sử dụng, vì thế người dùng cần mang đến các trung tâm sửa chữa/ bảo hành để được xử lý” – trích hướng dẫn của Vinfast.
Một khuyến cáo khác rất đáng lưu tâm cũng từ Vinfast: “Hệ thống pin/ ắc quy là bộ phận quan trọng đối với xe điện. Ắc quy bị nóng lên khi sạc là một trong những lỗi xe đạp điện mà người dùng xe điện thường gặp phải.
Các nguyên nhân chủ yếu do: Bộ sạc điện bị lỗi hoặc hư hỏng; Bộ bình ắc quy bị sạc điện vượt mức; Xe vừa chạy đường dài đã cắm sạc điện ngay; Sạc điện trong điều kiện thời tiết nóng bức; Bộ bình ắc quy/pin đã quá hạn sử dụng, hoặc 1 trong số bình ắc quy/pin trong bộ đã bị hư hỏng; Dùng bộ sạc chưa đúng phù hợp, điện áp và vượt mức tiếp nhận.
Đặc biệt khi sạc bình ắc quy có nhiệt độ cao bất thường, tiếp xúc với tay thấy có dấu hiệu nóng bỏng thì nên ngưng sạc và mang đến trung tâm bảo dưỡng, bảo hành để khắc phục sớm”.