Đầu năm 2017, Thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Phúc gửi văn bản cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), yêu cầu tập đoàn này phải “công khai và minh bạch giá điện”.
Nhưng là một quan chức cấp phó lâu năm dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hẳn ông Phúc phải biết việc năm nào giới chức chính phủ cũng có yêu cầu “công khai và minh bạch giá điện” đối với EVN, nhưng chưa bao giờ tập đoàn này thực hiện.
Từ năm 2011, trước phong trào tăng giá điện vô hồi kỳ tận và là sóng phản ứng mạnh mẽ của người dân và giới chuyên gia, Bộ Công thương và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải “nhắc nhở” EVN. Tuy nhiên kết quả của Thanh tra chính phủ về EVN được công bố sau đó còn cho thấy tập đoàn này thậm chí còn hạch toán cả chi phí xây sân tennis và bể bơi vào giá thành bán điện cho người dân – một hành vi gian lận, vi phạm nguyên tắc tài chính và cực kỳ vô liêm sỉ.
Thế nhưng sau khi bị phát hiện hành vi trên, rất đáng chú ý là từ đó cho tới nay EVN vẫn không hề bị xử trị. Thậm chí, EVN còn được Bộ Công thương – cơ quan chủ quản của tập đoàn này – đề nghị nhà nước tặng thưởng huân chương.
Câu hỏi đặt ra là từ đó đến nay, EVN đã “chạy” những “cửa” nào, và hết bao nhiêu “đạn”?
Một sự việc nghiêm trọng khác liên quan đến tính minh bạch và công khai là: từ năm 2008 đến nhiều năm sau, EVN đã mua điện của Trung Cộng với giá gấp đến 3 lần giá bán điện trong nước. Vào thời gian đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất điện trong nước chỉ dám than thở là EVN không thèm mua điện của họ chứ không dám điểm mặt chỉ tên “bộ trưởng thân Trung” của ngành công thương là ông Vũ Huy Hoàng – nhân vật mà hiện nay đang bị Tổng bí thư Trọng hăm he đưa lên “bàn mổ’ nhưng vẫn chưa có kết quả nào đáng kể. Chính vào thời gian đó, giá thành sản xuất điện của EVN đã được coi là ‘tuyệt mật”. Rất nhiều dư luận đã đặt dấu hỏi về mối quan hệ hết sức bất bình thường giữa EVN và những doanh nghiệp sản xuất điện của Trung cộng. Làm thế nào để có chuyện mua gấp ba mà không có việc “gầm bàn”?
Quá nhiều dấu hiệu cho thấy thời bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng đã bao che chắn tối đa cho EVN, và thậm chí cả bộ trưởng công thương mới là Trần Tuấn Anh cũng đang phát lộ những dấu hiệu như thế. Chính vì lẽ đó, trong nhiều năm qua EVN không những không thực hiện việc công khai và minh bạch giá điện cho dân biết, mà còn liên tục thực hiện những chiến dịch tăng giá điện để “bù lỗ vào dân”. Số lỗ này lên đến 30 ngàn tỷ đồng – hậu quả của chiến dịch EVN đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… từ những năm 2007-2008.
Mới đây,. Tập đoàn này còn “mớm” cho cơ quan chủ quản là Bộ Công thương một dự thảo nghị định trình Chính phủ, trong đó quy định EVN có quyền tự quyết định tăng giá điện 4 lần mỗi năm, mỗi lần tăng dưới 5%.
Chỉ nhẩm sơ đã thấy năm 2017, EVN âm mưu tăng giá điện ít nhất 20%,trong khi việc “công khai và minh bạch giá điện” vẫn còn… trên trời.
Những văn bản hàng năm của Chính phủ yêu cầu EVN “công khai và minh bạch giá điện” rất có thể chỉ là những màn diễn của một vở tuồng, nhằm xoa dịu dân chúng, để sau đó mọi chuyện vẫn không hề thay đổi.
Lê Dung / SBTN