Út Sài Gòn
(VNTB) – Ngài Phó Thủ tướng đã ‘méc’ với ngài Bí thơ Thành ủy TP.HCM rằng dân chúng giờ chẳng ai chịu ngồi yên trong nhà…
Tiến sỹ Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế, Kỹ sư Điện tử – Tin học: đó là những học hàm, học vị của ngài Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những quan chức được đánh giá cao về học thức cũng như với những hành động âm thầm, lặng lẽ đi tìm hiểu về giúp đỡ người dân.
Cũng như bao quốc gia khác, Việt Nam chịu ảnh hưởng không ít do tác động từ con virut đến từ nơi gọi là “anh bạn hàng xóm 16 vàng 4 tốt”.
Với vai trò từ tháng 11/2013, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; sau đó Bộ Chính trị phân công ông Vũ Đức Đam kiêm nhiệm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế (từ tháng 10/2019 – tháng 7/2020), ông Đam gánh vác thêm một trọng trách to lớn đó là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, trực tiếp chỉ huy công cuộc phòng chống dịch, góp phần giúp cho Việt Nam ngăn chặn thành công nhiều làn sóng dịch…
– Ai chà, có vẻ không vui lắm à nha.
– Có gì mà không vui vậy anh Tám?
– Thì tình hình dịch bệnh ở thành phố mình nè anh Út, ngày nào con số ca nhiễm cũng toàn 4 chữ số không à. Từ lúc những ca đầu tiên chỉ có một hay hai chữ số. Rồi sau đó là hàng loạt chỉ thị, hàng loạt khuyến khích người dân hạn chế ra đường rồi sau đó là siết chặt hơn bằng biện pháp phạt, con số tăng dần lên từ 1 – 2 chữ số lên 3 rồi bây giờ là lên 4, không lo sao được.
– Không sao đâu anh ơi, có trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 ở đây mà. Với học thức và kinh nghiệm của ông, thành phố sẽ mau chóng trở thành trạng thái bình thường mới ngay thôi à.
– Thì tui cũng mong là vậy. Có điều tui thấy càng lúc biện pháp thực hiện của thành phố ngày càng tăng. Giờ với mấy cái vụ sau 18g, rồi đường sá thắt chặt người ra đường, muốn đi mua thức ăn cũng khó khăn hơn, ra mua được không biết có vào nhà lại được hay không. Rồi người ta đi khám bệnh, đi chữa bệnh nữa.
– Nghe đâu, ổng là tiến sỹ kinh tế thế giới gì đó, chắc là ổng rõ nhất về vấn đề logistic cũng như vận chuyển hàng hóa hay đứt gãy trong quá trình vận chuyển vì mấy tờ giấy xét nghiệm âm tính đâu. Dù sao đi nữa thì Út tui thấy ông Đam là con người bình tĩnh, phong cách toát ra vẻ trí thức rồi, nói có sách mách có chứng.
– Ủa là sao anh Út?
– Thì báo chí có đăng mà, sau khi đi thị sát tình hình, ông Đam cho rằng người dân ra đường còn đông quá. Theo phó chủ tịch Dương Anh Đức, đa số là shipper, thì ông Đam nói lại rằng “…ông chụp hình rất nhiều trường hợp “100% không phải shipper” mà là người mặc đồ thể thao, đi chơi…”.
Có thể nói, hành động này của ông Đam rất thận trọng khi phát ngôn, giống như cái kiểu sẵn sàng chứng minh thành phố sai và đưa ra bằng chứng ấy. Nhưng ông quên mất một điều rằng, không phải ai mặc đồ thể thao hay đi chơi là họ đều như thế. Khi nào ông đi thị sát lúc tờ mờ sáng và khu vực công viên đó, thì nói còn tin được đôi phần. Thành phố Hồ Chí Minh khác với địa phương nào đó mà báo chí phản ánh là đi bộ tập thể dục, bất chấp Covid-19.
– Bài đó tui có thấy, thiên hạ chia sẻ nhiều mà. Ý kiến xoay quanh bài đó cũng khá bộn. Có điều tui thắc mắc vậy nè. Đó có phải là hành động, vai trò, trách nhiệm của một Phó thủ tướng hay không?
Theo Hiến pháp 2013, điều 95, quy định rằng Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ.
Không lẽ phó thủ tướng làm nhàn đến mức phải đi kiêm nhiệm cả vai trò của thám tử?
– Quy định là cứng nhắc, mình phải uyển chuyển chứ. Chỉ là đáng lẽ thay vì chụp ảnh người nghèo sống như thế nào trong hàng loạt những chỉ thị, người khó khăn xin từ thiện ra sao, một số người bị đuổi khỏi nhà trọ như thế nào để có kiến nghị hỗ trợ người ta thì ông lại chăm chăm cái xấu, cái không hay của người ta đi chụp. Mà chưa chắc điều ông chụp là đúng nữa đó.
– Tui nghĩ chắc là mấy ổng hiểu và nhận ra mà. Dù sao cũng chịu trách nhiệm về y tế mà. Cái gì cũng nên có sự hài hòa của nó. Cứ chăm chăm kêu ở nhà, chăm chăm phong tỏa rồi dựng chốt, chống dịch là một lẽ nhưng cũng nên chú ý sức khỏe người dân chứ, nhất là những người có bệnh nền.
– Cũng hy vọng là vậy. Chứ làm sao làm, không khéo không chết vì dịch Covid-19 mà chết vì suy giảm sức khỏe do đói hay chết vì bệnh nền, là khổ nữa.
Có thể nói, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở thành phố, là người dân thành phố, cùng chính quyền trải qua nhiều chỉ thị, thấu hiểu và đồng cảm cho những khó khăn, mệt mỏi không chỉ y tế, tình nguyện viên mà còn với chính quyền.
Người dân sẵn sàng hy sinh cái tôi cá nhân, chấp nhận thời gian khó khăn vừa qua cũng như sắp tới để cùng chính quyền thành phố vượt qua đợt dịch này. Song cũng mong lắm sự hài hòa…