Dạ Nguyệt
(VNTB) – “Ngày thứ Bảy đẫm máu”. Đó là cụm từ được nhắc nhớ đến ngày 15.3.2025, cái ngày mà lần đầu tiên sau 83 năm, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ bị “tắt sóng”…
Theo thông tin ghi nhận, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America – VOA) được thành lập năm 1942, và hiến chương Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã được Tổng thống Gerald Ford ký thành luật năm 1976. Hiến chương này có sứ mệnh “truyền phát tin tức và thông tin chính xác, cân bằng và toàn diện tới khán giả quốc tế” và nó xác định các tiêu chuẩn bắt buộc về mặt pháp lý trong cách thức làm báo chí của VOA.
Đài VOA là một trong số những cơ quan truyền thông đa phương tiện lớn bậc nhất Hoa Kỳ. Với bề dày lịch sử của mình, đài phổ biến thông tin hơn 45 ngôn ngữ đến độc giả nhiều nơi trên thế giới cũng như ở những nơi không có tự do báo chí hoặc tự do báo chí bị giới hạn.
Trong bối cảnh đó, Ban Tiếng Việt của VOA được thành lập vào tháng 6/1943, VOA đã truyền tải hình ảnh của nước Mỹ đến người Việt Nam trong Chiến tranh Lạnh. VOA đóng vai trò trung tâm trong Chiến tranh Việt Nam chống lại Chủ nghĩa Cộng sản.
VOA tiếp tục truyền tải các giá trị của Hoa Kỳ đến với khán giả Việt Nam trong suốt gần hai thập kỷ khủng hoảng nhân đạo của người tị nạn Đông Dương bằng nhiều hình thức truyền thông: báo viết, podcast, truyền hình…
Hoạt động năm ngày một tuần. Mỗi ngày, bên cạnh những tin tức đơn lẻ, VOA Tiếng Việt cung cấp cho độc giả một chương trình 30 phút với các tin tức thời sự liên quan Hoa Kỳ, Việt Nam; phóng sự Hoa Kỳ, Việt Nam… đem đến một góc nhìn đa chiều, trung thực, khách quan.
“Dưới góc độ là một độc giả, cá nhân tôi nhận thấy VOA Tiếng Việt đưa tin khách quan, trung thực, không bàn luận hay cắt xén. Những phóng sự của họ là người thật, việc thật, không dựng chuyện. Nhưng mà, người Việt Nam có một câu: ‘Sự thật mất lòng’. Cho nên, tôi nghĩ không chỉ VOA Tiếng Việt mà ngay cả VOA, có lẽ, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi câu nói dân gian ấy khi đưa tin quá sức trung thực, thẳng thắn, đa chiều”, độc giả Ngọc Đức chia sẻ góc nhìn về VOA Tiếng Việt nói riêng cũng như VOA nói chung.
“Thông tin kịp thời và thiết thực, cảm ơn add chúc kênh sẽ phát triển triển mạnh mẽ”, độc giả xem Youtube có tên @sofagomanhky1390 chia sẻ trong một chương trình 30 phút của VOA Tiếng Việt.
Thông tin ghi nhận từ U.S Agency for Global Media (USAGM), bản tin được đăng tải vào ngày 17.1.2025 (1) (gần trước hai tháng khi VOA bị im tiếng), các mạng lưới của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (cơ quan mẹ của VOA) đã đạt kỷ lục 427 triệu khán giả toàn cầu, được đo lường hàng tuần trong năm tài chính 2024. Theo các cuộc khảo sát đại diện quốc gia đo lường phạm vi tiếp cận và tác động của năm thực thể báo chí mà USAGM giám sát, lượng khán giả của cơ quan này đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua: Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Châu Âu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL), Văn phòng Phát thanh Cuba (Đài Phát thanh và Truyền hình Martí), Đài Á Châu Tự do (RFA) và Mạng lưới Phát thanh Trung Đông (MBN).
“Một sự kiện, một vấn đề, tất nhiên là khó tránh khỏi chín người mười ý, có người ủng hộ cũng có kẻ phản bác. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, cũng nên nhìn vào cho đúng sự thật:
– Thứ nhất, như vụ việc đài VOA là dịch vụ truyền thông của chính phủ Hoa Kỳ, thì việc nhận lương từ chính phủ là một việc rất bình thường, không thể đem ra so sánh với các đài tư nhân khác, rồi thắc mắc tại sao không tự kiếm tự nuôi? Nó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
– Thứ hai, nếu nói VOA là một bộ máy cồng kềnh rồi đưa ra các chi phí gọi là “khổng lồ”. Liệu chứng cứ có đủ thuyết phục khi nghe từ một phía? Liệu có đủ thuyết phục khi không đem nó ra so sánh với trước đây, xem đã tinh giản, tiết kiệm được bao nhiêu mà vẫn hoạt động hiệu quả?
– Thứ ba, theo nguồn tin tôi nắm được, cũng có số rất ít được hoạt động trở lại, và cái gọi là hoạt động đó cũng chỉ trong phạm vi rất hẹp. Để tạo một chương trình dài, mỗi ngày, theo tôi biết, là một chuyện hoàn toàn không dễ, không phải chỉ một hay hai người là có thể làm được. VOA Tiếng Việt có thể không phải là quá hoàn mỹ, thực tế chẳng có cái nào gọi là hoàn mỹ, nhưng họ đã làm tốt công việc của họ, theo tôi thấy là vậy. Họ truyền tải thông tin, họ quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam hôm nay đến bạn bè thế giới. Xem những phóng sự của họ, càng làm tôi nhớ nhiều hơn đến quê hương, xứ sở của mình. Những nơi mà ngày xưa mình sinh sống, mình từng đi qua”, độc giả Nguyễn Hai chia sẻ rằng mỗi khi xem phóng sự truyền hình về Việt Nam trên VOA Tiếng Việt, ông cảm thấy cảm xúc dường như dâng trào, hồi ức tựa như đang ùa về trong tâm trí.
Khi bị “tạm dừng” sóng, đài VOA Tiếng Việt đã phát động ký thỉnh nguyện thư để bảo vệ VOA. Tính đến thời điểm hiện tại, đã là tháng 6 của năm 2025, đài tiếng nói Hoa Kỳ vẫn chưa hoạt động trở lại…