VNTB – Khó thể có Luật Hồi tỵ phiên bản xã hội chủ nghĩa

VNTB – Khó thể có Luật Hồi tỵ phiên bản xã hội chủ nghĩa

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Quy định của Đảng về việc luân chuyển bí thư các địa phương cũng là một cách áp dụng Luật hồi tỵ phù hợp với thời đại mới hiện nay?

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương nhằm ngăn chặn lạm dụng quyền lực, và điều này nhận được hoan nghênh khi so sánh với Luật Hồi tỵ thời Lê sơ.

Thật ra thì khó thể có một phiên bản xã hội chủ nghĩa cho Luật Hồi tỵ, mặc dù Tổng bí thư thời nay cũng tương tự như vị Hoàng đế thời phong kiến.

Một đại biểu Quốc hội từng ý kiến về chuyện khó có Luật Hồi tỵ phiên bản xã hội chủ nghĩa, đại khái như sau:

Vua Lê Thánh Tông sau 26 năm trị vì đã phát hiện ra nguyên nhân dẫn tới lạm dụng quyền lực là đặc thù duy tình của người Việt, bị ảnh hưởng nhiều bởi các quan hệ bạn bè thân quen, người ruột thịt.

Ông đề ra nhiều quy định, cấm các quan chức sinh ra và trưởng thành ở đâu thì không được làm quan ở đấy. Ở đâu có quan hệ ruột thịt máu mủ thân quen thì bị cách ly. Không được mua đất tậu vườn, lấy vợ, thê thiếp ở nơi trị nhậm. Về sau vua Minh Mạng nâng cấp, cụ thể hơn, đến vua Thiệu Trị còn thêm nhiều quy định hà khắc hơn nữa.

Đó là câu chuyện ngày xưa. Còn bây giờ, do hiểu rõ đặc thù duy tình của người Việt Nam nên việc này đã nhiều lần được bàn tới. Nhưng luật “hồi tỵ” thời phong kiến ra đời trong bối cảnh là giao thông liên lạc lạc hậu, nên giao tiếp của con người để dùng tình cảm chi phối việc bổ nhiệm cũng khó khăn.

Nhưng bây giờ trong thế giới phẳng, chỉ cần một cú nhấp chuột, một cuộc điện thoại nên gốc rễ ở đây là chọn người có tài – có đức, và không buộc tiêu chuẩn chính trị phải là đảng viên, phải ‘trúng ủy viên trung ương’. Nếu chọn được người thực đức – thực tài thì dù có người thân bên cạnh thúc ép, họ cũng không làm.

Và trong chừng mực nào đó của nhằm tránh bị chụp mũ hình sự ‘nói xấu Đảng’, có lẽ ai cũng đồng ý rằng nhìn một cách tổng thể, trong phạm vi quốc gia có thể chế đơn nguyên, thì đã có biểu hiện, tác động của “nhóm lợi ích” lên quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

Trên bình diện nhỏ hơn, ở một số tỉnh, bộ, ngành đã có sự lũng đoạn của “nhóm lợi ích” đối với chính quyền; có nơi “nhóm lợi ích” đã can thiệp sâu vào quá trình hướng lái chính sách ở một số lĩnh vực. Sự chi phối, lũng đoạn về kinh tế sớm hay muộn cũng dẫn đến sự chi phối công tác tổ chức – cán bộ và lũng đoạn về chính trị trên các phạm vi khác nhau.

Một số vụ việc từng xảy ra ở Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM… là các minh chứng cho ý kiến trên.

Một ý kiến khác khẳng định không thể có Luật Hồi tỵ phiên bản xã hội chủ nghĩa, bởi ít nhất năm lý do:

Trước hết, cần khẳng định, “nhóm lợi ích” tiêu cực ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp, liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là liên quan đến cán bộ trong bộ máy công quyền.

Đó có thể là những cán bộ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thậm chí còn nằm trong cả các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, các doanh nghiệp,… “Nhóm lợi ích” phần lớn nằm bên trong cơ cấu quyền lực, được tổ chức chặt chẽ, nên dễ tác động đến việc hoạch định và thực thi chính sách cũng như tạo nên những đặc quyền, đặc lợi.

Thứ hai, “nhóm lợi ích” là sự cấu kết, móc ngoặc giữa cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với nhau, giữa cán bộ, đảng viên với doanh nghiệp.

Thứ ba, “nhóm lợi ích” hoạt động rất tinh vi, được tổ chức chặt chẽ, nên rất khó phát hiện, nhận biết. Nếu có phát hiện, nhận biết được thì cũng rất khó điểm mặt, chỉ tên, vì không có bằng chứng hoặc nếu có bằng chứng thì cũng bị nhóm vô hiệu hóa bằng quyền lực, sử dụng mọi thủ đoạn để bịt đầu mối – kể cả bằng những cái chết có vẻ ngoài tật bệnh.

Đặc biệt, những người có chức vụ, quyền hạn càng cao nằm trong “nhóm lợi ích” thì càng khó phát hiện, vì được che chắn rất tinh vi, được tổ chức chặt chẽ bởi quyền lực và gây ra tác động, hệ lụy cho xã hội lại càng lớn.

Thứ tư, “nhóm lợi ích” luôn gắn chặt với hành vi tham nhũng. Tham nhũng liên quan đến “nhóm lợi ích” là dạng tham nhũng lớn, có tổ chức cao, nghiêm trọng nhất, tinh vi nhất, rất khó phát hiện so với “tham nhũng vặt”.

Thứ năm, hình thức liên kết của “nhóm lợi ích” rất đa dạng, phong phú, có thể lâu dài, có thể tạm thời tùy theo từng cơ hội, bối cảnh, tình hình. Thành viên của nhóm không xuất đầu lộ diện, không công khai thừa nhận “tư cách thành viên” của mình. Sự liên kết giữa các thành viên chỉ bằng và thông qua thỏa thuận ngầm.

“Tôi cho rằng cần có sự cạnh tranh công bằng trong quản trị quốc gia; sự cạnh tranh này bao gồm cả cạnh tranh về phụng sự quốc gia giữa các đảng phái, tổ chức hội đoàn…, để qua đó không chỉ là sự giám sát của người dân từ mức độ hài lòng, mà còn cả chuyện ‘vạch lá tìm sâu’ trong nỗ lực tìm kiếm sự hài lòng của các đảng phái đối với cử tri quốc dân” – một nhà báo hiện sống tại Sài Gòn, yêu cầu ẩn danh, nêu ý kiến cá nhân như vậy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)