VNTB – Khởi tố ông Lê Tùng Vân để ngừa hậu hoạn?

VNTB – Khởi tố ông Lê Tùng Vân để ngừa hậu hoạn?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Ông Lê Tùng Vân bị khởi tố về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 của Bộ luật hình sự.

 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố bị can đối với các ông: Lê Tùng Vân (sinh năm 1932); Lê Thanh Hoàn Nguyên (sinh năm 1990); Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991) và Lê Thanh Trùng Dương (sinh năm 1995) cùng địa chỉ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An – về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”.

Theo bài viết “Câu chuyện ‘Thiền Am’: Lịch sử lặp lại” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo, thì ông Lê Tùng Vân – người đứng đầu Thiền Am, xuất thân từ một gia đình nề nếp ở miền Tây, theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Như vậy, nếu có một thuyết âm mưu thì phải chăng việc khởi tố hình sự ông Lê Tùng Vân là nhằm tới việc lo ngại ‘biến thể’ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương?

Bửu Sơn Kỳ Hương Phật

Gần hai mươi năm trước ở tỉnh Trà Vinh có một nơi được gọi là tu hành theo đạo “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật”, nghe rất dễ nhầm tưởng đến đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên, còn gọi là Phật Thầy Tây An khai lập vào cuối năm 1849 tại Cốc ông Đạo Kiến, nay là Tây An cổ tự, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Tính đến đầu năm 2018, ở Trà Vinh có hơn 50 người tham gia vào “đạo” Bửu Sơn Kỳ Hương Phật sinh hoạt tại điểm nhà bà Lê Thị Hoa (được gọi là Quan Âm Tự) và nhà ông Thạch Ngọc (được gọi là Bửu Sơn Tự).

Tháng 5-2018, Công an tỉnh Trà Vinh đã phối hợp chính quyền địa phương mời làm việc, nhắc nhở số người tham gia nhận thức rõ Bửu Sơn Kỳ Hương Phật là tổ chức chưa được cấp phép hoạt động. Qua đó, số người này đã cam kết không tiếp tục sinh hoạt “đạo” Bửu Sơn Kỳ Hương Phật, và tự nguyện giao nộp 111 tài liệu có liên quan đến Bửu Sơn Kỳ Hương Phật.

Phải chăng vì nghịch ý Đảng?

Trở lại với ông Lê Tùng Vân. Theo cư sĩ Minh Mẫn, báo Giác Ngộ, thì ông Lê Tùng Vân có pháp danh Thích Tâm Đức từng là Tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương, tỉnh Gia Định nay thuộc TP.HCM.

Phải chăng nhà chức trách tỉnh Long An đang ngại hiểm họa của phiên bản như từng xảy ra ở Trà Vinh “Bửu Sơn Kỳ Hương Phật”, nên đã sử dụng Điều luật 331 của Bộ luật hình sự để trấn áp?

Một cách trung dung, cư sĩ Minh Mẫn nhìn nhận gần đây, quá nhiều sự cố, tai tiếng dồn dập đến với Phật giáo. Tai tiếng đúng có, sai có, oan có, ưng có… liên tục xảy ra như một kịch bản trùng khớp nhịp nhàng tựa sóng Thần muốn nhấn chìm con thuyền Bát Nhã.

Chắc chắn thuyền Bát Nhã không bao giờ chìm, vì những hiện tượng đó, có thể do ác ý, do vô tình, do chủ quan, do bị động phát khởi từ tâm hồn đen tối của một số ít vô minh, trên con thuyền Bát Nhã còn vô số năng lượng thanh tịnh cao đức, chính vì thế, qua hàng ngàn năm vẫn giữ được giá trị mà khoa học, trí thức, lãnh đạo thế giới luôn tôn sùng tán thán.

Thế thì sá gì những hiện tượng ngày nay trong xã hội Việt Nam, từ lớn đến nhỏ, luôn gặp tai ương mà luật pháp khó bảo vệ. Chưa có thời đại nào, xã hội đầy trộm cướp, giết hại nhau, tai nạn giao thông, tệ nạn , tha hóa đạo đức đến nỗi vào chốn tôn nghiêm trộm cắp, hành hung vu khống người hiền lương, sản xuất thực phẩm độc hại vì đồng tiền; mang danh trí thức chuyên ngành Tôn giáo học mà phát ngôn kiểu hàng cá hàng tôm.

Chúng ta không nên phàn nàn bất mãn một hiện tượng khi chưa nắm rõ, phân tích đúng sai; tâm bao dung hỷ xã giúp người sai phạm ăn năn hối lỗi, đừng đẩy họ vào chân tường. Ai trong chúng ta chưa hề sai phạm. Phật giáo như biển cả không dung chứa tử thi. Lỗi người là gương sáng cho mình cảnh giác.

Quyền trẻ em, xin đừng là mỹ từ tô điểm chính sách

Biết rằng vụ án Bồng Lai chưa phải là giọt nước cuối cùng, nhưng dẫu sao, đám trẻ mồ côi cần lòng bao dung của chúng ta như sự bao dung cho bao lần tai tiếng trong cõi ta bà này.

Không chỉ có tu sĩ Phật giáo mới sai phạm, vì cơ cấu tổ chức của Phật giáo không chặt chẽ như các tôn giáo bạn, chuyện nhỏ xé to là đương nhiên nhưng không có gì ghê gớm lắm đâu, vì niềm tin đối với Tam Bảo từ ngàn xưa đến ngàn sau dân ta cũng vẫn vậy….

Có lẽ cũng cần nói thêm cho rõ hơn, do đặc điểm không có chức sắc, không hình thành tổ chức Giáo hội nên đạo Bửu Sơn Kỳ Hương phát triển theo phương pháp truyền thừa, truyền giảng giáo lý của Thầy tổ cho các đệ tử thân tín, hết lớp trước truyền lại cho lớp sau, tùy thuộc vào khả năng truyền giảng và uy tín của các ông Đạo.

Vì vậy, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ có chức việc quản tự tại các chùa, không phân chia đơn vị tín đồ làm cơ sở của đạo, cho nên nền tảng tổ chức cơ bản của đạo chính là chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, bởi vì chùa là tổ chức độc lập, là nơi thờ tự chung của cộng đồng cư sĩ, tín đồ sinh hoạt lễ nghi tôn giáo ở mỗi địa phương do ông Đoàn Minh Huyên hoặc đệ tử của ông dựng lên. Chùa còn là đầu mối điều hành, tổ chức và quản lý mọi hoạt động nghi lễ tôn giáo.

Rất có thể cách tu hành của ông Lê Tùng Vân là một góc nhìn khác của thế cuộc trong tinh thần Bửu Sơn Kỳ Hương.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)