Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Không ai có quyền chỉ bảo Bắc Kinh phải làm gì”

Thái Thịnh (VNTB) Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào trạng thái căng thẳng về ngoại giao, xoay quanh vấn đề xử lý lãnh thổ tranh chấp và giữ “trật tự” ở Biển Đông.


Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt cải tạo đảo

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ash Carter kêu gọi Trung Quốc tạm dừng xây dựng đảo ở biển Đông và chấm dứt việc quân sự hóa tranh chấp.


Ông Carter cho biết, máy bay quân sự và tàu chiến của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại bất cứ khu vực nào trên thế giới, mà luật pháp quốc tế cho phép.

Binh sĩ hải quân Mỹ trên máy bay do thám P-8A Poseidon. Ảnh: CNN

John Kirby, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói rằng Ngoại trưởng John Kerry đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng cho Trung Quốc.

“Chúng tôi xem tất cả tiền đồn ở Biển Đông một cách cẩn thận và theo dõi hành động của các nước liên quan”, ông Kirby cho biết trong một tuyên bố. “Tôi sẽ không nói đến các vấn đề tình báo, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng, Bộ trưởng Kerry đã liên lạc với các bên tranh chấp, bao gồm Trung Quốc, và đã cảnh báo về hành động căng thẳng đang leo thang. Chúng tôi phản đối việc mở rộng đảo, tăng cường quân sự của các tiền đồn trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi yêu cầu tất cả các bên để kiềm chế và ngăn chặn cải tạo đảo. ”

“Không ai có quyền chỉ bảo Trung Quốc phải làm gì.”

Bắc Kinh đã phản hồi lại những chỉ trích đó bằng việc: “Không ai có quyền chỉ bảo Trung Quốc phải làm gì.”

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói rằng, Hoa Kỳ đã nêu ý kiến của mình về việc xây dựng của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, nhưng lại “im lặng có chọn lọc” đối với một số hành vi chiếm đảo trái phép của nước khác.

Nước khác mà Trung Quốc ám chỉ ở đây là Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Philippines – đã cải tạo những đảo mà các nước này kiểm soát.

Zhang Junshe, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết, tình hình hiện nay cho thấy, lực lượng quân sự Mỹ đã “can thiệp trực tiếp” sau khi các đồng minh như Nhật Bản và Philippines không đáp ứng lời kêu gọi trước đó của Washington về tuần tra ở Biển Đông.

Việc thay đổi chính sách đối ngoại (xoay trục châu Á) và đưa tàu chiến, máy bay quân sự vào biển Đông cho thấy Washington đang tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh và bản thân Mỹ cũng muốn “hiện diện mạnh mẽ hơn trong khu vực.”

Một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin của Trung Quốc thừa nhận, Washington đã khiến tình hình biển Đông trở thành một chủ đề nóng và nước này đang tìm cách quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Trong một thông tin mới đây được đăng tải trên WSJ, máy bay do thám của Mỹ đã chụp được những hình ảnh cho thấy, Trung Quốc đã đưa vũ khí ra một trong những hòn đảo nhân tạo mà nước này đã cải tạo, bao gồm hai khẩu pháo cơ giới. Những vũ khí này không đe dọa máy bay hay tàu của Mỹ, tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết, sự hiện diện của khí tài quân sự đã cho thấy nó trái với tuyên bố của Trung Quốc rằng các đảo này khai hoang chủ yếu cho mục đích dân sự. Trước đó, Trung Quốc đã cho lắp đặt radar và hệ thống đường băng trên đảo.

Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Philippines, Mỹ cho rằng, căng thẳng biển Đông gây ra bởi chính Trung Quốc khi nước này tiến hành hoạt động khai hoang, cải tạo và quân sự hóa đảo, cũng như khăng khăng sử dụng “chủ quyền 9 đoạn” với 3,5 triệu km vuông biển Đông, thay vì tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Hoa Kỳ cũng từng bác bỏ đề nghị của một quan chức quân sự hàng đầu Trung Quốc, Đô đốc Wu Shengli khi ông này cho biết, công việc cải tạo của Trung Quốc trên các đảo tranh chấp “không đe dọa tự do hàng hải” mà nhằm nâng cao năng lực dự báo thời tiết, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, và giúp bảo vệ an ninh hàng hải quốc tế.

Trong một diễn biến khác, vào ngày 26/05, Trung Quốc công bố Sách trắng “Chiến lược quân sự của Trung Quốc” trình bày chiến lược quân sự và những yêu cầu thay đổi trong tư duy quốc phòng của nước này. Trong đó, đặt hải quân Trung Quốc vào thế “phòng vệ cận hải, hộ vệ viễn dương”, nâng cao năng lực uy hiếp và phản kích chiến lược, tác chiến cơ động trên biển, phối hợp tác chiến chung trên biển.

Trung Quốc cũng nhiều lần đáp trả chỉ trích của Mỹ bằng tuyên bố “quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc, và Trung Quốc có mọi quyền để triển khai quốc phòng trên các đảo.”

Sự kiện này được đánh giá là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho xung đột trên biển. 

Nhật Bản, một nước cũng đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tỏ ra quan ngại trước sự bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, tuyên bố trong buổi họp báo sáng 29/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết: “Những hành động làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông là những rủi ro lớn đối với việc bảo vệ an ninh, ổn định hàng hải”.
Việt Nam kêu gọi kiềm chế

Vào tháng 4/2015, Việt Nam kêu gọi ASEAN tăng vai trò trong an ninh Biển Đông trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) .

Trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Chúng ta đều biết khu vực biển Đông là nơi có tuyến hàng hải và hành lang quốc tế rất quan trọng. Việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh hàng hải và hàng không là lợi ích của các quốc gia trong và ngoài khu vực.”

“Vì vậy chúng tôi kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và hàng không ở biển Đông. Đồng thời tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), và không làm phức tạp thêm tình hình.”

Việt Nam cũng tìm đến Ấn Độ trong gia tăng tiếng nói của các nước bên ngoài đối với vấn đề biển Đông.

Tin bài liên quan:

VNTB – Thời buổi gì còn đi vót chông chống Mỹ?

Phan Thanh Hung

VNTB- 2019: Mỹ đạt kỷ lục tự do hàng hải ở Biển Đông

Phan Thanh Hung

VNTB – Nước Mỹ là một quốc gia kỳ thị chủng tộc?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.