Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Không nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nữa

Nguyễn Danh

(VNTB) Có lẽ điều dễ nhận biết nhất trong tư duy làm giáo dục ở nước ta từ trước tới nay vẫn chú tâm coi trọng thi cử. Với “Lều chõng” thời phong kiến, nhà văn hiện thực Ngô Tất Tố đã vẽ lên cảnh thi cử quá nhiêu khê, từ thi Hương, thi Hội đến thi Đình… Đã có nhiều câu than thở của các tầng lớp người trong xã hội thời ấy:

Ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.

Quang cảnh trường thi Nam Định khoa thi năm Nhâm Tý (1912) với chòi canh và lều chõng của thí sinh. Ảnh: Vietpress.

Đã đến lúc cáo chung

Không thể phủ nhận giá trị thực dụng của các kì thi. Nhưng đã đến lúc Bộ Giáo dục Đào tạo cũng như toàn xã hội cần thật bình tâm suy xét lại liệu có nên tổ chức một kì thi tốt nghiệp phổ thông tầm cỡ quốc gia nữa hay không?

Tôi cho rằng đã đến lúc cáo chung cho kì thi này và rộng hơn là cả kì thi đại học. Vì sao?

Thứ nhất: Qua hơn 25 năm đổi mới cùng đất nước, ngành giáo dục đào tạo nước nhà vẫn cứ loay hoay cải tiến, cải lùi từ chương trình giáo dục tới sách giáo khoa. Tuy nhiên điều cốt lõi của những cải cách ấy vẫn thiếu bóng dáng học trò – người thụ hưởng và bóng dáng người thầy – người truyền đạt kiến kiến thức Bộ GD-ĐT chưa tổ chức một cuộc khảo sát cũng như hội thảo trên toàn quốc mà thành phần tham dự là học sinh và thầy cô giáo, qua đó để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của trò của thầy trước những thay đổi mà đối tượng thụ hưởng là chính họ.

Thứ hai: Trình độ học vấn được nhìn nhận qua bằng cấp hệ tốt nghiệp phổ thông đến nay so với 40, 50 năm về trước đã thay đổi một cách đáng kể. Hơn 40 năm trước, cầm tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 trên tay là cả một trời mơ ước của nhiều học sinh và phụ huynh. Tôi còn nhớ ở những năm cuối 60, đầu 70 ở thế kỉ 20, ở làng quê miền Bắc xã hội chủ nghĩa nói đến bằng tốt nghiệp cấp 2 thôi (hệ 10 năm) cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn bằng tốt nghiệp cấp 3 thì quí như vàng. Bằng tốt nghiệp cấp 2 ngày ấy đã là một cứu cánh cho những ai muốn học Trung cấp Chuyên nghiệp như Y, Dược, Sư phạm, Cơ khí, Nông nghiệp…, còn bằng cấp 3 thì lẽ đương nhiên sẽ đậu đại học cũng phải đạt trên 80% rồi. Vì thiếu và ít nên xã hội cần, con người quí.

Nay học bậc phổ thông như là một tất yếu của con em chúng ta, dù ở thành thị hay nông thôn, miền núi hay vùng biển. Dẫu còn đó độ chênh kiến thức giữa các vùng miền, nhưng như một bàn tay năm ngón, bảo sao cho đồng đều được nếu không có sự châm chước, chiếu cố và “bệnh thành tích”. Tỉ lệ thi đậu tốt nghiệp qua nhiều năm, dù tổ chức thi cử quá cồng kềnh tốn kém, tạo áp lực lớn cho hàng triệu học sinh, phụ huynh và cho cả xã hội đều đậu từ 97-98% trở lên. Ở các cuộc họp báo nào sau các kì thi, bộ chủ quản đều đánh giá kì thi diễn ra nghiêm túc, phản ánh đúng sự học và sự dạy. Có thể nói bằng tốt nghiệp phổ thông đến nay còn ít, nếu không muốn nói là không còn giá trị sử dụng như trước đây nữa, khi mà đến cử nhân, thạc sĩ, cũng còn thất nghiệp dài dài.

Thứ ba: Từ hai ý trên cho thấy đã đến lúc Bộ Giáo dục Đào tạo cần giao việc thi, công nhận tốt nghiệp phổ thông cho các sở Giáo dục Đào tạo và hiệu trưởng các trường Trung học Phổ thông chịu trách nhiệm; nếu thấy cần thì Bộ chỉ quyết định kiểm tra, thi mấy môn: 4, 8 hay 12 môn học. Sẽ không còn tình trạng môn chính, môn phụ vì đã là hệ phổ thông.

Nếu làm được điều này, tôi tin các thầy cô môn phụ sẽ là người hưởng ứng đầu tiên vì không những đồng nghiệp, học sinh mà đến xã hội cũng nhìn nhận giá trị thực cao quí của người thầy, dù dạy bắt kì môn nào. Và cũng góp phần đáng kể nâng cao vị trí của thầy cô môn phụ và các kì thi đại học chắc chắn môn thi sử địa không còn thực trạng đáng buồn như hiện nay. Nếu được giao nhiệm vụ như vậy, tôi tin chắc sự đánh giá, kiểm tra tổ chức thi sẽ nghiêm túc hơn, chứ không như một số ý kiến cho rằng sẽ là cơ hội cho tiêu cực phát triển.

Vì sao? Vì còn gì hơn, khi ví như trong một công ty được đích danh sếp giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, trưởng phòng, nhiệm vụ và quyền hạn nhất định để họ làm tốt nhất nhiệm vụ được giao. Kết quả sẽ là thức đo năng lực của mỗi người. Bộ chỉ phải làm nhiệm vụ cuối cùng, nếu muốn, là thành lập hội đồng thẩm định kết quả. Khi đã giao cho các Sở Giáo dục Đào tạo và hiệu trưởng các trường trung học Phổ thông quyền hạn và trách nhiệm đó thì thời gian tổ chức, hình thức thi hoặc kiểm tra đánh giá cuối kì cũng không nhất thiết phải tổ chức trong một đợt hai đến ba ngày trên toàn quốc tạo nên áp lực như hiện nay.

Đại học: Phải giao quyền

Còn thi Đại học thì sao? Đã có phương án thi một trong hai của Bộ Giáo dục Đào tạo đề ra. Ở đây tôi chỉ xin nêu một vài suy nghĩ.

Thứ nhất: không phải như thứ trưởng Bùi Văn Ga nói rằng lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ tuyển sinh Đại học trong đề án thi cử của bộ là một việc mới mẻ nên phải thận trọng. Bởi thật ra, tôi còn nhớ ở miền Bắc năm học 1968-1969 điểm thi tốt nghiệp cấp 3 (hệ 10 năm) đã từng được các trường đại học lấy làm căn cứ tuyển sinh. Ví dụ ở xã Tân Lộc, Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), năm học đó có 15 trên 18 học sinh lớp 10 trường cấp 3 Nguyễn Văn Trỗi đậu tốt nghiệp. Số học sinh này tuỳ vào điểm từng môn thi tốt nghiệp và kết quả học 3 năm đều được gọi vào các trường đại học như Bách khoa, Sư phạm, Ngoại ngữ, Nông nghiệp…

Thứ hai: Vì tính chất hai kì thi (tốt nghiệp phổ thông và đại học) hoàn toàn khác nhau nên nếu gộp làm một ắt không được khoa học. Không thể vì áp lực thi cử tốn kém cho xã hội mà gộp hai trong một được. Nhưng cũng không nhất thiết phải tổ chức một kì thi chung cho các trường đại học vì mỗi trường có tính đặc thù riêng. Chính nét đặc thù này sẽ làm nên THƯƠNG HIỆU cho mỗi trường. Giao quyền tuyển sinh cho mỗi trường là một bước tiến trong nhận thức, đánh giá thi cử không chỉ của Bộ Giáo dục Đào tạo mà của toàn xã hội. Nó không những làm tăng uy tín, vị thế của các trường đại học mà còn là bước đột phá trong cải cách giáo dục, giao quyền tự chủ cho các trường, cũng như triết lý giáo dục.

Thứ ba: Vậy Bộ chủ quản sẽ đóng vai trò gì trong kì thi đó? Cũng như trong kì thi tốt nghiệp phổ thông, Bộ chủ quản không can thiệp quá sâu vào phân loại đậu rớt của từng trường mà chỉ cần thành lập một Hội đồng khảo cứu cấp quốc gia và lên kế hoạch phúc khảo từng trường bất kì nhằm nâng cao chất lượng đầu vào.

Nguyễn Danh

Tin bài liên quan:

VNTB – Xét tuyển học bạ: có hợp lý?

Bùi Ngọc Dân

Không nên ‘triển lãm’ tội ác

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Ai là người giương cao ngọn cờ hòa hợp dân tộc?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo