VNTB – Không phải đãi ngộ mà cần công bằng

VNTB – Không phải đãi ngộ mà cần công bằng

Hiền Vương

 

(VNTB) –  Thu nhập của nhân viên y tế ở khu vực công thấp không tương xứng với công sức bỏ ra, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

 

“Tại TP.HCM, Sở Y tế đã xây dựng đề án tăng cường năng lực cho y tế cơ sở. Trong đó có trợ cấp về hệ số lương cho cán bộ y tế cơ sở. Nhưng hiện anh em chưa nhận đồng nào bởi vì tất cả phải thông qua các thủ tục giấy tờ rất nhiều” – bà Phạm Khánh Phong Lan, người từng là phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói.

Đây không phải là đãi ngộ mà là sự công bằng về tiền lương. Chính sách bao gồm nhiều thứ: lương, chế độ trực, chế độ phụ cấp, chế độ độc hại rồi chính sách bồi dưỡng, nâng cao… đối với người làm trong ngành y.

Ngoài vấn đề tiền lương, nhiều nhân viên y tế cho rằng lý do khác dẫn tới quyết định nghỉ việc là không có thời gian để nâng cao tay nghề. Một nhân viên y tế cho biết phải chịu trách nhiệm một lúc 5-6 đầu việc nên phải làm hết sức mới đáp ứng được. Do vậy nên dù nhân viên y tế này đã nhiều lần dự định học chuyên tu lên bác sĩ nhưng không có thời gian.

Hơn nữa, muốn tiếp tục học lên, nhân viên đó phải học chuyển đổi từ y sĩ sang cử nhân điều dưỡng, hoặc thi lại đại học theo quy định mới của Bộ Y tế. Sau nhiều đắn đo, cuối cùng thì nhân viên y tế đó đã quyết định chia tay nghề y.

Việc nhân sự ngành y “rũ áo” là một báo động đỏ nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy một giải pháp tình thế cho đến căn cơ nào được giới quản lý chuyên trách đưa ra. Trong tình cảnh đó nên quả là rất đáng lo khi ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM thời gian gần đây cho thấy số ca Covid-19 tăng nhẹ, khi bệnh nhân khám bệnh có yếu tố dịch tễ đã xét nghiệm ra Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D của bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho hay so với những tuần trước, khoa chỉ có 8 – 10 bệnh nhân thì trong tuần đầu tháng tám số ca bệnh tăng gấp đôi. Hiện khoa điều trị 20 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1 bệnh nhân thở máy, 1 bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao (HFNC), còn lại đều có triệu chứng nhẹ.

Bàn về chuyện không cần đãi ngộ mà cần sự công bằng trong chính sách, theo bà Phạm Khánh Phong Lan thì lâu nay ở bệnh viện công lập đang tồn tại hai giá: Giá bảo hiểm y tế và giá dịch vụ tự nguyện.

“Chuyện này rất vô lý, không nước nào như thế. Nhà nước nên thống nhất một giá và trợ giá cho khám bảo hiểm để người dân được khám chữa bệnh chất lượng, còn bệnh viện được thu theo đúng chi phí thực tế. Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế cũng vậy, chúng tôi cực kỳ khổ sở. Chúng ta vẫn tìm mọi cách năm sau phải rẻ hơn năm trước. Thậm chí nơi này trúng thầu, ký hợp đồng rồi nhưng nơi khác trúng giá thấp hơn, lại phải áp theo. Nếu không thì bảo hiểm không thanh toán. Thử hỏi: Xăng tăng giá, mọi thứ tăng theo, vậy bảo hiểm có thanh toán không?

Chúng ta nhìn y tế công đâu cũng thấy tội phạm, trong khi lẽ ra phải nhận thức rằng mục tiêu cao nhất phải là người bệnh có thuốc, vật tư y tế đảm bảo chất lượng với giá hợp lý. Trong khi đó, ở các bệnh viện tư, tiền của họ, dịch vụ tự nguyện, rất đơn giản.

Cơ chế mua sắm thế này, thiệt hại nhất là nhân lực. Bác sĩ, nhân viên y tế đâu phải được đào tạo về đấu thầu, vì cơ chế ấy mà bận rộn với đủ thứ chi tiết, làm sao chăm lo cho chuyên môn nghề nghiệp. Chưa kể, làm sai thì bị bắt. Tôi không ủng hộ chuyện tiêu cực. Ai tiêu cực, nhận tiền, vụ lợi thì phải chịu trách nhiệm nhưng cũng phải xem xét bây giờ chúng ta đã tạo môi trường để cho người ta phát huy y đức được hay chưa?” – bà Phạm Khánh Phong Lan từng nhiều lần bức xúc như vậy mỗi khi có dịp đăng đàn lên tiếng.

“Y tế công lập nhằm phục vụ bình dân, người nghèo. Chảy máu chất xám thế này thì người nghèo, người yếu thế, người chỉ có điều kiện khám bảo hiểm y tế là thiệt thòi nhất, hưởng dịch vụ hạng hai. Chậm sửa đổi ngày nào, hệ thống y tế càng bị bào mòn và người dân sẽ phải trả giá” – bà Phạm Khánh Phong Lan, cảnh báo.

Tiếc là bà quyền bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vẫn chưa thấy động tĩnh gì kể từ sau ngày bà được đảng đặt ngồi vào ghế quyền lực này từ hôm 15-7-2022.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)