VNTB – Không quản lý được nên… dừng?

VNTB – Không quản lý được nên… dừng?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Chiều 18-6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), bỏ quy định về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) ra khỏi luật.

Lý do: dừng triển khai mới loại hợp đồng BT vì thời gian qua dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt; có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Năm 2018, trong một báo cáo nội bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng chính phủ, cho biết như sau (lược trích): tình hình đấu thầu năm 2017 với 221.469 gói thầu, nhưng 153.280 gói thầu được chỉ định thầu, chiếm 69% với 72.600 tỷ đồng.

Báo cáo cho biết các hành vi “thông thầu”, “quân xanh”, “quân đỏ” dàn xếp giữa các nhà thầu và giữa nhà thầu với bên mời thầu như gửi hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chuẩn bị sơ sơ sài, không đầy đủ, không đủ năng lực tham gia dự thầu để trượt, giá dự thầu của các nhà thầu chênh lệch không đáng kể so với dự toán.

Các cảnh báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không tạo ra cú sốc nào trong quản lý, vì những điều này hiển nhiên ở nhiều địa phương từ trước đó rồi.

Đơn cử liên quan đến dự án BT xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 12-11-2013, UBND TP.HCM và Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng BT dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước đó, ngày 28-10-2013, ông Tất Thành Cang khi ấy là giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ủy viên UBND TP.HCM, thừa ủy quyền của chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó xác định tổng mức đầu tư dự án gần 12.200 tỉ đồng.

Việc ký kết trên không đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 108 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao, hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh, hợp đồng xây dựng – chuyển giao. Theo đó, UBND TP.HCM chỉ được phê duyệt tổng mức đầu tư các dự án BT có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng.

Với một thành phố có nguồn thu đóng góp cho ngân sách Quốc gia luôn ở vị trí cao nhất, chắc chắn không có chuyện “năng lực quản lý còn hạn chế”, để dẫn tới xảy ra như vụ việc đơn giản về hợp đồng BT dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua quy định 7 loại hợp đồng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, gồm: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT); Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO); Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO); Kinh doanh – Quản lý (O&M); Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL); Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (BLT); hỗn hợp – kết hợp nhiều loại hợp đồng.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)