Việt Nam Thời Báo

VNTB- Không tìm được tiếng nói chung trong vụ cá chết sông Chà Và

Tâm Don

(VNTB) – Theo nhiều nguồn tin, sáng 26-10, TAND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã tổ chức buổi hòa giải giữa 33 hộ dân nuôi cá bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) kiện đòi 12 doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) bồi thường.


   Quang cảnh buổi hòa giải ( ảnh từ báo Tuổi Trẻ).

Trước đó, vào đầu tháng 9-2015, hàng trăm tấn cá bè của 33 hộ dân trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu đã chết, gây thiệt hại khoảng 18 tỉ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu làm cá chết được xác định là do 14 DN chế biến hải sản xả thải ra đầm nước trước cống số 6. Nước thải từ đầm này chảy qua cống số 6 ra sông Chà Và làm cá chết.

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, tỉ lệ “đóng góp” làm cá chết của các DN này được cơ quan chuyên môn và quản lý nhà nước xác định là 76%. Các hộ dân kiện 14 DN ra tòa đòi phải bồi thường thiệt hại.

Trong quá trình thụ lý vụ án, có hai DN đồng ý bồi thường, chi trả tiền nên các hộ dân rút đơn kiện đối với hai DN này.

Tại buổi hòa giải sáng 26-10, các ngư dân cũng như luật sư đại diện cho họ đều yêu cầu 12 DN còn lại phải bồi thường cho họ 76% số tiền tổng thiệt hại.  Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ngư dân Lê Văn Thông – người bị thiệt hại hơn 700 triệu đồng : “Trên thực tế, bà con ngư dân chúng tôi đã bị thiệt hại. Tôi đề nghị các DN hòa giải có lý, có tình để giải quyết vụ án, giúp đỡ chúng tôi thoát khỏi khó khăn hiện nay”.

Các luật sư đại diện cho bà con ngư dân cũng đề nghị 12 DN còn lại nên có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội như hai DN đã làm trước. Đó là chi trả bồi thường ngay để giúp bà con ngư dân giảm thiệt hại.

Ông Trần Văn Cường, phó giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khẳng định việc xác định các DN xả thải là nguyên nhân chính gây cá chết là có cơ sở khoa học, khách quan cũng như thống kê thiệt hại của bà con là chính xác.
Trong khi đó, một số chủ DN và luật sư đại diện theo ủy quyền của DN lại cho rằng không có cơ sở để nói họ gây ô nhiễm cũng như con số thống kê cá chết, giá cá mà người dân kê khai họ không tin tưởng.

Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Cường, phó giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khẳng định việc xác định tỉ lệ gây thiệt hại được các cơ quan chuyên môn xác định một cách khoa học, đó là chạy mô hình toán như vụ Vedan, cũng như những dữ liệu để chạy mô hình đều lấy số liệu từ chính các DN cung cấp. Ông Cường cũng khẳng định số liệu thống kê của bà con là có cơ sở và chính xác. “Đầm chứa nước thải trước cống số 6 là nơi các DN đã xả thải từ hơn 10 năm nay”, ông Cường nói. Ông Cường cũng khẳng định rằng việc cá chết năm 2015 và 2016 là khác nhau, không có liên quan đến nhau, do đó đề nghị các DN phải nhìn nhận sự việc rõ và có thiện chí giúp đỡ bà con ngư dân vượt qua khó khăn.

Thẩm phán Nguyễn Văn Hiến, người chủ trì buổi hòa giải, cũng nói rằng bà con kê khai là trên thực tế và có ban ngành đoàn thể kiểm tra thực tế, chứ không phải bà con kê khai lên cao để lấy tiền DN. Vì khi kê khai bà con không biết là để kiện DN đòi bồi thường.

Chỉ có hai DN đồng ý hỗ trợ hay bồi thường cho ngư dân, trong đó DNTN bột cá Phúc Lộc chỉ đồng ý hỗ trợ 20% của 76% thiệt hại còn DN Trung Sơn đồng ý 20% của 100% thiệt hại.
Tuy nhiên, các hộ dân không đồng ý và họ yêu cầu ít nhất các DN phải bồi thường, hỗ trợ 70% của tổng thiệt hại.
Báo Tuổi Trẻ nhận định rằng “Buổi hòa giải bất thành”. Cũng theo Tuổi Trẻ, các hộ dân và DN bị kiện làm các thủ tục tố tụng tiếp theo để tòa chuẩn bị xét xử. Thẩm phán Nguyễn Văn Hiến cho biết trước ngày tòa xét xử, nếu các hộ dân và DN nào thỏa thuận được, tòa sẽ cho hai bên thỏa thuận và rút đơn khởi kiện.

Theo ghi nhận của VNTB, làng cá bè Long Sơn trên sông Chà Và đã hình thành khoảng 20 năm nay với các sản phẩm chính là hàu, cá bớp. Làng cá bè này đã góp phần tạo nên một điểm nhấn du lịch cho xã đảo Long Sơn, và biến Long Sơn từ một vùng quê nghèo đói thành một miền đất khá giàu có. Nhiều nhà bè đã trở thành những nhà hàng hải sản hấp dẫn du khách bốn phương cho dù họ hoạt động kinh doanh không có giấy phép và tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn.

Vào giữa tháng 10 vừa qua, làng cá bè Long Sơn lại gánh chịu thảm họa khốc liệt: hàng chục tấn cá bớp nuôi  từ nhiều lồng bè có trọng lượng từ 3-4 kg lại chết. Nguyên nhân, theo các hộ nuôi thủy sản: thủ phạm chính là các nhà máy chế biến thủy sản không xử lý chất thải và xả thải thẳng ra sông Chà Và. Quá bức xúc, hàng trăm người dân đã buộc dây vào đuôi cá và kéo ra đường để phản đối khiến cho quốc lộ 51 và đường vào Long Sơn bị ách tắc trong nhiều giờ. Và, người dân Long Sơn đang tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện các doanh nghiệp chế biến hải sản ra tòa án.

   Vào giữa tháng 10-2015, khi cá bớp bị chất thải đầu độc, người dân Long Sơn đã đưa cá    ra quốc lộ để phản đối thảm trạng ô nhiễm khiến cá chết (Ảnh: nguồn internet)

Tin bài liên quan:

Hội Nhà báo độc lập VN: “Năm 2015 yêu cầu chúng ta rất nhiều, rất cao”

Phan Thanh Hung

VNTB – Họ doanh nhân và cũng là nạn nhân

Phan Thanh Hung

VNTB- Thực phẩm bẩn lan tràn: Tội ác này thuộc về kẻ nào?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo