Kỳ Lâm (VNTB) Sau một thời gian tính nợ công… không giống ai nhằm né “trần”, bằng cách: chỉ nói đến nợ của chính phủ và bộ máy công quyền, không hề nói tới nợ của doanh nghiệp nhà nước… Điều này khiến con số nợ công được công bố bởi Chính phủ luôn phản ánh một nửa thực tế.
Sở hữu của NHNN tại các ngân hàng hiện nay (Đồ họa: Hương Xuân – CafeF) |
Giữa năm 2016, bản tin Bộ Tài Chính cho biết, nợ công Việt Nam đã đạt 62,2% GDP, khoảng 126,9 tỷ USD, trong đó – nợ của Chính phủ gồm các loại trái, tín phiếu, vay ODA, vay thương mại từ các đối tác song, đa phương chiếm đến 80%. Còn 20% còn lại là nợ do Chính phủ bảo lãnh.
Gần đây, vào ngày 16/06, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thêm: nợ của Ngân hàng nhà nước (NHNN) không được tính vào nợ công.
Vậy quan điểm này có đúng hay không?
NHNN: độc lập và không độc lập
Trước hết, cần phải hiểu rõ NHNN là gì? Điều này liên quan đến Nghị định 156/2013/NĐ-CP trong đó, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN (NHTW) là một cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối;…
Đối với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, nó phải độc lập với Chính phủ (về mục tiêu, pháp lý, hoạt động, và quản lý) nhằm đề ra những chính sách mang tính tích cực và ổn định về mặt dài hạn, không chịu sự chi phối hay áp lực bởi “chính trị”.
Tuy nhiên, theo Nghị định 156 thì lại quy định bản chất NHNN vẫn là một cơ quan trực thuộc Chính phủ, (bị chi phối về mặt pháp lý); không độc quyền quyết định mục tiêu chính sách nên dẫn đến phải xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm để trình chính phủ để “phê duyệt” (bị chi phối về mặt hoạt động); không có quyền trong hoạch định mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia (lệ thuộc về mục tiêu lạm phát của Chính phủ); công tác điều hành hoạt động của NHNN lại do chính phủ ban hành (lệ thuộc về mặt quản lý).
Điều đó cho thấy, việc Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, không tính nợ NHNN vào nợ công là “hợp lý” – kỳ thực là bất hợp lý. Bởi vì “NHNN thực hiện vai trò của Ngân hàng trung ương thực thi chính sách tiền tệ đảm bảo giá trị đồng tiền, cán cân thanh toán” và bị chi phối bởi Chính phủ. Lúc này, nợ xấu NHNN được xem như một dạng nợ công nằm trong con số 20% số nợ mà Chính phủ “bảo lãnh”. Nghĩa là, về mặt vai trò quản lý Nhà nước, NHNN không có chức năng huy động vốn nhưng kỳ thực là gián tiếp xử lý nguồn vốn và huy động lượng vốn để hỗ trợ cho các cú đấm thép trong thời kỳ mà ông Nguyễn Tấn Dũng muốn xây dựng nền kinh tế theo mô hình Chaebol (Hàn Quốc).
Khi các DNNN hoạt động trong cơ chế bao cấp (không có thực lực kinh doanh hiệu quả) gắn với đầu tư ngoài ngành tràn lan, thì nợ xấu của khối DNNN tăng lên. Chính phủ lúc này nhanh chóng tìm cách cứu những doanh nghiệp trên đà phá sản này (dưới danh nghĩa là những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế), tức – sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước. Và quy trình này vào thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng – được sử dụng thường xuyên. Lượng tiền bơm từ Ngân hàng cho các doanh nghiệp qua sự bảo lãnh của Chính phủ đã thực sự góp phần đưa đến tỷ lệ nợ xấu của khu vực này lên 70%. Cần nhấn mạnh rằng, con số 70% nợ xấu ở khu vực DNNN này sẽ không tồn tại nếu như Chính phủ theo đúng yêu cầu của quy luật cạnh tranh thị trường là cho các doanh nghiệp nhà nước phá sản hoặc tái cơ cấu lại theo yêu cầu của hoàn cảnh và trình độ kinh tế (thế mới có chuyện, DNNN sản sinh ra khái niệm “lỗ theo kế hoạch” khiến dư luận bất bình).
Chính yếu tố “vay nợ – bảo lãnh” từ phía Chính phủ với NHNN đã đưa đến hiện tượng “dùng mỡ nó rán nó”.
Hiện tượng này kéo dài mãi đến tận tháng 11/2016, khi Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 được Quốc Hội thông qua, trong đó, đề xuất các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; bố trí nguồn bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Trấn an Quốc Hội?!
Tóm lại, NHNN không “độc lập” theo thông lệ quốc tế, đáng ra cũng không có chức năng huy động vốn cho Chính phủ, dẫn đến không tính vào nợ công là điều hợp lý. Tuy nhiên, NHNN tại Việt Nam lại khác biệt khi vừa không độc lập, lại vừa lệ thuộc vào Chính phủ, và bằng cách gián tiếp gánh nguồn nợ xấu theo phương cách nêu trên, nên vậy tính nợ NHNN vào nợ công là điều hoàn toàn hợp lý
Việc Bộ trưởng Tài chính không tính “nợ xấu” từ NHNN vào nợ công thực tế ra chỉ là cách trấn an tinh thần Quốc Hội, bởi năm ngoái, khi tính lượng nợ công giai đoạn 2011-2015, đã cho ra con số 127 tỷ USD – tương đương 62,2% (áp sát ngưỡng 65% của Quốc Hội), nhưng tính theo chuẩn quốc tế, thì nợ công Việt Nam đã lên tới 100% GDP. Nếu cộng thêm 8,86% nợ xấu của NHNN (chiếm phần lớn trong 70% là nằm ở các DNNN được Chính phủ bảo lãnh) mà tổ chức này đề cập trong báo cáo gửi Chính phủ về sự cần thiết của dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu (tương đương 21,4 tỷ USD) thì tổng nợ công của Việt Nam (theo con số 62,2%) sẽ vượt ngưỡng con số 148 tỷ USD. Tức là đã thực sự vượt ngưỡng 65% về mặt chính thống. Còn nếu ở diện 12% nợ xấu mà IMF chỉ ra thì nợ công chính thức (áp dụng quy chuẩn của VN) còn tồi tệ hơn thế nhiều.
Có lẽ, để đối phó một cách chuẩn mực với vấn đề nợ công, quan chức Nhà nước nên bắt đầu tập dần với việc: nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật – thay vì lươn lẹo như hiện nay.