Đông Đô
(VNTB) – “Sau Đại hội Đảng XIII, chúng ta tổ chức cuộc bầu cử này, tôi thấy rất có ý nghĩa, rất đồng bộ, nhịp nhàng. Chúng ta thấy đây là hoạt động của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chắc là có xem ngày xem giờ, có ngó nghiêng rất là hay”.
Báo Người Lao Động đã dẫn bằng thể văn trực tiếp về câu phát biểu có phần khó hiểu trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (*)
Chọn cán bộ bằng quyết tâm chính trị?
Tin tức cho biết, sáng ngày 21-1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu chọn những cán bộ thực sự xứng đáng, đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
“Nhất là trong công tác cán bộ, chọn những cán bộ xứng đáng để bầu ra những ĐBQH và HĐND các cấp thực sự xứng đáng, đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, góp phần tích cực vào thực hiện nghị quyết Đại hội của Đảng” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh (tham khảo **).
Như vậy, yếu tố “đủ đức – đủ tài” ở đây có một giới hạn, đó là người ‘đức – tài’ ấy phải biết răm rắp thực hiện nghị quyết Đại hội của Đảng, không được phép ‘phản biện đa chiều’.
Làm sao để lá phiếu của quảng đại cử tri biết đâu là người có cả đức lẫn tài, và đặc biệt người đó phải luôn trung thành với nghị quyết Đảng, để mà không gạch bỏ tên trong lá thăm thùng phiếu bầu?
Tranh cử dân chủ để khó trăm lần dân liệu cũng xong!
“Tôi nghĩ rằng cần mở rộng tranh cử. Gọi là mở rộng, vì những lần tạm gọi tranh cử đầu tiên là trong chính nội bộ Đảng, sau đó là các hiệp thương từ Mặt trận Tổ quốc. Chỉ có tranh cử rộng rãi ngoài dân chúng thì mới công bằng, và người dân mới có thể kiểm chứng thực hư. Điều này còn thể hiện một quyền Hiến định là Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, ghi tại Điều 4.2.
Như lúc này, thật sự thì tôi rất thắc mắc liệu sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng có đủ để đảm đương tiếp nhiệm vụ Tổng Bí thư?
Đầu tháng hai này, Đảng sẽ kỷ niệm 91 năm ngày thành lập. Với chừng ấy năm và trải qua biết bao nhiêu trận chiến, biết bao nhiêu thăng trầm trong đời sống kinh tế, tôi tin ở Việt Nam không thể hiếm người có đủ đức – tài như quy định ở văn bản số 214-QĐ/TW về quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ban hành ngày 2/1/2020.
Theo văn bản 214, thì tiêu chức chức danh Tổng Bí thư, có ghi một điều khẳng định, “Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng”. Lẽ nào giờ đây Đảng lại khủng hoảng nhân sự đến mức không thể có được một danh sách để lựa chọn cho ai đủ thuyết phục trước quốc dân về Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng?
Nếu ngay cả điều ở trên cũng bế tắc, thì đáng lo biết mấy về lá phiếu cử tri chọn người có cả đức lẫn tài, và đặc biệt người đó phải luôn trung thành với nghị quyết Đảng” – một nhà báo đề nghị ẩn danh, hiện đang có mặt trong nhóm các biên tập viên tham gia đưa tin về Đại hội Đảng lần thứ XIII, chia sẻ như vậy.
Nếu đang ngấm ngầm ‘chạy’ thì làm sao biết để mà gạch tên?
Trong một diễn biến khác, tại Hội nghị trực tuyến nói trên, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã nhắc lại yêu cầu: “Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Như vậy, một lần nữa có thể thấy rằng để làm tốt nhất những mệnh lệnh hành chánh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, cần thiết phải thực hiện tranh cử rộng rãi, công bằng trong dân chúng, để phổ thông đầu phiếu thật sự dân chủ, trên nền tảng tiếp cận đa chiều thông tin về những ứng viên.
___________________
Chú thích: