(VNTB) – Một xã hội mà công an có thể thích bắt ai thì bắt, gán ghép tội danh tùy tiện mà không cần căn cứ hợp lý, thì sớm muộn gì, người dân cũng sẽ như những con tốt trên bàn cờ của những kẻ nắm quyền.
Việc nhóm 9 người tham gia quay và đăng tải clip “khiêng hòm” trước chợ Bến Thành (phường Bến Thành, quận 1, TP HCM) bị bắt khẩn cấp đang dấy lên nhiều tranh cãi về sự lạm quyền của công an TP.HCM. Hành động này là biểu hiện rõ rệt của việc gán tội tùy tiện, bắt dân vô cớ để thị uy quyền lực của nhà cầm quyền.
Nói về nhóm người khiêng một chiếc hòm giả, quay clip đăng lên mạng để quảng cáo cho thương hiệu của họ. Hành vi này có thể bị coi là phản cảm, gây khó chịu cho một số người, nhưng chỉ ở mức dân sự, chứ không tới mức nghiêm trọng để dẫn đến việc bắt giam khẩn cấp. Nếu vi phạm luật, cùng lắm họ nên bị nhắc nhở, xử phạt hành chính và cam kết không tái phạm. Nhưng thay vào đó, công an lại nhanh chóng ra lệnh bắt khẩn cấp họ như thể đây là một nhóm tội phạm nguy hiểm.
Việc bắt khẩn cấp thường áp dụng trong các trường hợp phạm tội nghiêm trọng như giết người, cướp giật,… hoặc gây rối trật tự công cộng có mức độ nghiêm trọng. Tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về khi thuộc một trong các trường hợp khẩn câp sau đây thì được giữ người: Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Nhưng trong trường hợp này, nhóm người kia không hề gây rối trật tự công cộng, không gây ách tắc giao thông, cũng không đe dọa tính mạng hay sức khỏe người khác. Vậy họ bị bắt khẩn cấp vì tội gì? Công an dựa vào điều khoản pháp lý nào để biện minh cho hành động bắt bớ này?
Sự kiện này không chỉ đơn thuần là một vụ bắt bớ vô lý mà còn là minh chứng cho việc công an đang ngày càng mở rộng quyền lực một cách không kiểm soát. Khi một lực lượng có thể ngang nhiên, tùy tiện bắt ai mà họ muốn và không cần lý do chính đáng, thì xã hội sẽ rơi vào tình trạng bất kỳ ai cũng có thể bị tống vào tù chỉ vì “không vừa mắt” công an.
Nếu người dân không có những phản ứng mạnh mẽ thì có thể sẽ trở thành một xu hướng đáng lo ngại. Hiện công an đang lấn lướt mọi lĩnh vực, từ quản lý tư pháp, cấp bằng lái xe, kiểm soát an ninh hàng không, kiểm soát mạng viễn thông,… và giờ đây là quyền lực vô hạn trong việc bắt bớ dân thường. Với kiểu hành xử như thế này, phải chăng chúng ta đang sống trong một nhà nước công an trị, nơi mà người dân ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ, bị đe dọa bởi những quyền lực không có sự giám sát?
Nếu hành vi đơn giản như quay clip và đăng lên mạng cũng có thể dẫn đến việc bị bắt khẩn cấp, thì liệu trong tương lai còn ai dám thể hiện quan điểm cá nhân, dám sáng tạo nội dung hay dám bày tỏ sự phản biện trước những bất cập xã hội? Khi công an có quyền gán ghép tội danh một cách tùy tiện, người dân sẽ sống trong sự lo sợ, không biết khi nào mình sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo.
Việc thị uy quyền lực bằng những vụ bắt bớ vô lý như thế này không chỉ làm mất lòng tin của nhân dân vào bộ máy công quyền, mà còn đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu đất nước chúng sẽ đi về đâu? Một xã hội mà công an có thể thích bắt ai thì bắt, gán ghép tội danh tùy tiện mà không cần căn cứ hợp lý, thì sớm muộn gì, người dân cũng sẽ như những con tốt trên bàn cờ của những kẻ nắm quyền.
___________________
Tham khảo: