VNTB – Khủng hoảng xăng dầu thách thức chính phủ Phạm Minh Chính

VNTB – Khủng hoảng xăng dầu thách thức chính phủ Phạm Minh Chính

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Chính là những biến động phức tạp địa chính trị, tranh chấp quốc tế, Nga xâm lược Ukraine dẫn đến sự biến động giá và ảnh hưởng đến cung cầu dầu thô, xăng dầu, phân bón…

 

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc vào bên ngoài, phải có kịch bản cho các vấn đề tình thế, đột xuất, bất ngờ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu như thế trong buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ngày 16-3.

Các vấn đề tình thế đó chính là những biến động phức tạp địa chính trị, tranh chấp quốc tế, Nga xâm lược Ukraine dẫn đến sự biến động giá và ảnh hưởng đến cung cầu dầu thô, xăng dầu, phân bón…

Giải pháp tình thế được chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra là tăng cường nhập xăng dầu, không trông chờ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) khôi phục lại hoạt động.

Hồ sơ vụ việc cho biết, NSRP là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4-2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PetroVietnam góp vốn 25,1%.

Toàn bộ sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn sẽ được PVN bao tiêu trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương giá nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-5-7% (tức cộng thêm 3% với các sản phẩm hoá dầu, 5% với LNG và 7% với các sản phẩm xăng dầu). Mặt khác, trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

Con số bù lỗ khoảng 1,5 – 2 tỷ USD trong 10 năm (ứng với kịch bản giá dầu 45 USD và 70 USD một thùng), tương đương 3.500 – 4.500 tỷ đồng một năm bởi trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Tức là khi giá dầu trên thị trường thế giới càng tăng, khoản bù lỗ của PVN cho nhà máy này càng lớn.

Chưa kể, khoản thanh toán chênh lệch thuế nhập khẩu với các sản phẩm xăng dầu của Nghi Sơn mà PVN phải trả, cũng lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng do các loại thuế nhập khẩu xăng, dầu giảm nhanh về 0% theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam cam kết, vào đúng thời điểm nhà máy này bắt đầu vận hành thương mại (cuối năm 2018).

Như theo Hiệp định hàng hoá ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu với dầu diesel và dầu mazut giảm về 0% từ năm 2016; thuế với xăng giảm xuống 5% từ năm 2023 và về 0% từ năm 2024. Hay theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu dầu diesel đã về 0% từ năm 2018, còn thuế nhập dầu mazut là 0% từ năm 2016.

Bất ngờ, từ trung tuần tháng 1-2021, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất với lý do thiếu tiền nhập nguyên liệu. Theo Bộ Công Thương, đây chính là khởi nguồn cho sự khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong nước vừa qua. Vậy là các doanh nghiệp đầu mối đã cấp tập đàm phán, tăng nhập khẩu từ các nguồn để bù đắp lượng thiếu hụt từ Nghi Sơn.

Điểm gút mắc ở đây trong hợp đồng thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt hình thành NSRP là tuy lý do Việt Nam xây dựng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn nhằm chủ động nguồn cung xăng dầu trong nước, người dân có thể được dùng xăng dầu giá rẻ – tuy nhiên, trên thực tế, giá bán lại theo giá thế giới, thả nổi theo giá quốc tế.

Một khi quy mô của Nhà máy Nghi Sơn cung cấp đến 35% thị phần thị trường xăng dầu trong nước, nhưng nguồn dầu thô phải nhập khẩu vì công nghệ của nhà máy này thiết kế không để sử dụng loại dầu bạch hổ của Việt Nam, giá cả thả nổi theo giá quốc tế và việc nhà máy cắt giảm công suất, thậm chí có thể dừng sản xuất như hiện tại đã đe dọa gần như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Rất có thể vụ việc của NSRP còn khiến chính phủ Phạm Minh Chính đối mặt với kiện tụng ở cấp tòa kinh tế nào đó. Và liệu những vấn đề này về phía nội bộ Việt Nam, người ta có truy cứu trách nhiệm công vụ của các chính khách liên quan như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)