Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị độc đảng độc quyền

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” với vấn đề kiểm soát quyền lực quả thực là nan đề với một quốc gia có hệ thống chính trị độc đảng độc quyền.

 

Lập luận có dáng vẻ hàn lâm của Tuyên giáo Đảng, thì, “đối với hệ thống chính trị do một Đảng lãnh đạo cầm quyền như nước ta, cơ chế kiểm soát quyền lực vừa bao gồm các chủ thể cả bên trong, vừa bao gồm chủ thể bên ngoài bộ máy Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi đây là cơ chế bảo đảm cho sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng vững mạnh; bộ máy Nhà nước ngày càng trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”.

Những câu từ trên là sự lủng củng diễn đạt khi những người nhân danh cộng sản ra sức bảo vệ cho ngôi vị độc quyền lãnh đạo của chính mình. Có thể hình dung về điều đó qua phần “Lời nói đầu” ở bản Hiến pháp 2013:

“Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, được sự giúp đỡ của bạn bè trên thế giới, Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (hết phần “Lời nói đầu”).

Như vậy Hiến pháp của Việt Nam đã xác nhận về nguyên tắc xây dựng, đó là “Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

Các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, tính từ Hội nghị thành lập Ðảng tháng 2-1930 là “Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Tiếp theo đó là “Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương”, tháng 10-1930 còn được gọi là “Luận cương cách mạng tư sản dân quyền” do Trần Phú khởi thảo.

Thứ ba là “Chính cương Ðảng Lao động Việt Nam” do Hồ Chí Minh và Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo và được Ðại hội II của Ðảng tháng 2-1951 thông qua.

“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, tháng 6-1991, được cho là soạn thảo theo ý của Đỗ Mười.

Tại Đại hội XI, năm 2011, một lần nữa, Đảng điều chỉnh “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) được “xây dựng trên cơ sở tổng kết quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, trực tiếp là tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 25 năm công cuộc đổi mới, dự báo xu thế phát triển của thế giới, của đất nước, đề ra mục tiêu, phương hướng và những định hướng lớn phát triển đất nước trong thập niên thứ hai của thế kỷ XX với tầm nhìn đến giữa thế kỷ”.

Cương lĩnh được gọi là “bổ sung, phát triển năm 2011” này được chỉnh sửa theo ý của Nguyễn Phú Trọng, và đây chính là căn cứ cho soạn thảo tu chỉnh Hiến pháp 2013. Ông Nguyễn Phú Trọng trực tiếp xác nhận điều này hôm 28-9-2013 khi trao đổi với cử tri hai quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm về vấn đề tên nước trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, được ông cho là “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”.

Cũng ở lần tiếp xúc cử tri đó, ông Nguyễn Phú Trọng được báo chí ghi nhận ý kiến của ông là phản đối thành lập Hội đồng Hiến pháp.

“Việc thành lập hội đồng để bảo vệ pháp luật thì ai cũng tán thành, đã sinh ra quyền lực thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Hiến pháp là tối thượng thì phải có cơ chế bảo vệ pháp luật, nhưng tổ chức cơ chế như thế nào? Các nước có tòa án hiến pháp, nhưng các nước là đa đảng, chúng ta chỉ có một đảng lãnh đạo, hệ thống chính trị không tam quyền phân lập. Quốc hội nước ta là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Lâu nay đã có Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban pháp luật, Ủy ban tư pháp… đều tham gia giám sát về mặt luật pháp, bây giờ lập một cơ quan độc lập thì ai đứng trùm lên Quốc hội. Còn nếu lập ra cơ quan vẫn trực thuộc Quốc hội, chỉ để làm tư vấn thì không cần vì hiện đang có rồi”.

Như vậy xem chừng sắp tới đây Việt Nam rất cần viết lại Cương lĩnh Đảng cho việc cải tổ chính trị phù hợp với thực tiễn đời sống hiện tại; trong đó cần làm rõ hơn cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” có thực sự hướng đến giá trị của các quyền dân chủ, dù đó là dưới nhãn “dân chủ xã hội chủ nghĩa”.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao cần gấp rút xử vụ án vắng mặt ‘đầu vụ’?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Ai dám xét-xử vi phạm quyền con người?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam tiếp tục ‘độc quyền chính trị’ về công đoàn

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 22.04.2024 7:25 at 07:25

Chỉ lói thía lày, Ngụy tụi nó bê nguyên con mô hình của Mỹ, tác giả đã hơn 1 lần cảnh cáo với mọi người về hiểm nguy của những phong chào dựng lợi cờ vàng bên này . Mong tác giả đã làm ơn cho Đảng thì làm ơn cho trót, đừng có đưa ra những ý kiến tương tợ dựng lợi cờ vàng nữa

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.