Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kiến trúc Hà Nội sau ba cuộc cải tạo tư sản

Quan Thế Dân (*)

 

(VNTB) – Trong quá khứ, Hà Nội là trung tâm thương mại lớn nhất miền Bắc, cư dân giầu có, nên đã xây dựng một thành phố hoa lệ. Sau đó, do biến động của thời cuộc, Hà Nội mất đi vai trò là trung tâm thương mại, nên phố xá cũng sa sút tàn tạ theo

 

Trong cuộc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Hà Nội, vì sao nên nỗi?”, tôi thấy câu trả lời nằm chủ yếu ở kinh tế. Trong quá khứ, Hà Nội là trung tâm thương mại lớn nhất miền Bắc, cư dân giầu có, nên đã xây dựng một thành phố hoa lệ. Sau đó, do biến động của thời cuộc, Hà Nội mất đi vai trò là trung tâm thương mại, nên phố xá cũng sa sút tàn tạ theo. Xin kể lại chuyện Hà Nội trải qua mấy đợt cải tạo tư sản như thế nào.

Cải tạo tư sản lần 1

Năm 1954 tiếp quản Thủ Đô thì mấy năm tiếp theo là giai đoạn phục hồi kinh tế, người dân Hà Nội hầu như vẫn sống theo nếp cũ, nhưng người dân dù sao cũng rón rén hơn. Luồng gió khốc liệt của cải cách ruộng đất ở quê phả vào Hà Nội, mọi người lo sợ không biết khi nào thì đến lượt mình. Chính quyền mới không thích người giầu. Nên các nhà giàu Hà Nội rục rịch bán nhà bán đồ đạc. Nhưng ai cũng muốn bán nên lúc này nhà phố Hà Nội rẻ như cho. Bà ngoại tôi bán rẻ cái nhà ở gần chợ Hàng Da đi, chỉ còn giữ mội cái nhà ở Hàng Phèn để ở. Nhiều nhà giầu hơn thì hiến nhà cho nhà nước, hiến cả xưởng máy, nhà phố, biệt thự…

Nhưng bà vẫn buôn bán, không dừng được. Có buôn bán thì mới có tiền mà nuôi gia đình. Mẹ tôi lúc này là thiếu nữ, nghỉ học ở nhà phụ bà bán hàng. Mẹ kể buôn bán dễ lắm, tiền hàng cứ chạy đều. Bà cho mẹ một góc quầy hàng, đặt bó thước kẻ và bút chì tập buôn bán cho quen. Thế mà mỗi tháng cũng lãi mua được mấy chỉ vàng.  Nếu cứ như ngày xưa là lấy chồng là ông bà cho một cái nhà, tách ra buôn bán riêng. Còn bây giờ thì không biết thế nào. Tối đến mẹ đi học thêm bổ túc văn hóa, vì bây giờ đời sống mới, ai cũng hăng hái đi học.

Ở lớp học, mẹ gặp một thầy giáo trẻ, đang là sinh viên năm đầu trường Y. Bố gặp mẹ là mê ngay vì mẹ rất đẹp, cao đến 1m60. Thế rồi đầu năm 1958, bố mẹ cưới nhau. Đám cưới trang trọng đúng kiểu Hà Nội. Tôi còn giữ bức ảnh bố đến đón dâu ở nhà Hàng Phèn, ở cửa ra vào nhà bà ngoại còn dán một khẩu hiệu “Không tăng giá trong dịp tết”, chứng tỏ lúc đó bà vẫn còn buôn bán, và chính quyền bắt đầu quản lý tiểu thương chặt hơn.

Năm 1958 Hà Nội bắt đầu cải tạo tư sản. Rút kinh nghiệm từ cải cách ruộng đất, lần này ở Hà Nội là “cải tạo hòa bình”. Tuy không đầu rơi máu chảy nhưng cũng rất triệt để. Tất cả chủ tư sản bị tịch thu tài sản, bằng một công thức nhẹ nhàng là hiến tặng, hoặc “công tư hợp doanh”. Nhà ở bị tịch thu, “mượn” … để thành nơi làm việc cho các cơ quan chính quyền, thành nơi ở cho người từ các tỉnh xa đổ bộ về Hà Nội. Các tiểu thương tiểu chủ bị buộc phải đóng cửa, nhường lĩnh vực thương mại cho mậu dịch quốc doanh. Thậm chí các ngành nghề thủ công cũng buộc phải vào hợp tác xã: htx đan len, htx cắt tóc, htx nhiếp ảnh, htx ăn uống… Chủ xưởng xuống làm công nhân, chủ nhà bị dồn vào một buồng. Thợ thủ công, thương nhân buôn bán quay về làm ruộng. Về cơ bản là đã xóa hết nhà giầu Hà Nội, không ai còn tài sản gì nữa.

Đến năm 1960 thì cơ bản xóa sổ xong trung tâm thương mại sầm uất nhất miền Bắc bấy giờ, thành một thành phố của người lao động, mua bán cái gì đều phải qua tem phiếu, mua ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Hà Nội im lìm và vắng lặng. Trong trí nhớ của tôi, vào lúc tôi lên 4 tuổi, tức là vào năm 1964, bà xúc cho tôi một bát cơm nóng trên có mấy miếng thịt kho, rồi bà đặt bát cơm lên trên một cái ghế đẩu ra cửa, đặt cho tôi một cái ghế con, thế là thành một bộ bàn ăn, tôi ngồi tự xúc cơm ăn, vừa ăn vừa ngắm phố. Đường phố vắng lặng. Từ phía phố Thuốc Bắc, rẽ vào Hàng Phèn, rồi xuôi xuống dốc Hàng Gà, rồi xa tít ra tận phố Cửa Đông… tất cả đều vắng lặng, nhà nào cũng đóng cửa, lâu lâu mới có một người đạp xe qua.

Tổng kết của Chính phủ về công cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, giai đoạn 1958 – 1960, với các thành tích đáng tự hào sau: “…Ở thành thị, 100% số cơ sở công nghiệp tư bản tư doanh thuộc diện cải tạo đã được tổ chức thành xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp tác. 1.553 chủ tư sản được cải tạo thành người lao động. 90% tổng số thợ thủ công trong diện cải tạo đã tham gia các hợp tác xã thủ công nghiệp bậc vừa và bậc thấp; hơn 7 vạn thợ thủ công chuyển sang sản xuất nông nghiệp. 60% tổng số người buôn bán nhỏ, làm dịch vụ, kinh doanh ngành ăn uống thuộc diện cải tạo đã tham gia hợp tác xã, tổ mua bán, làm đại lý cho thương nghiệp quốc doanh và trên 1 vạn người đã chuyển sang sản xuất”. (Báo cáo của Hội đồng chính phủ 12/1960 – Cổng thông tin chính phủ).

Sau năm 1960 cuộc sống khó khăn dần đi. Tất cả sống bằng tem phiếu. Nhân dân một tháng được 11 kg gạo, 1 lạng thịt. Cán bộ như bố tôi được 13 kg gạo, 3 lạng thịt, 1 lạng đường. Công nhân được 15 kg gạo. Trong bài trước tôi đã kể, bà tôi tham gia tổ đan len, sống nghèo khó, người gầy xanh như chiếc lá.

Mẹ tôi còn khổ hơn, sinh liền 3 anh em chúng tôi, ở nhà trông con, không đi làm gì ra tiền. Nhà nội nhiếc móc. Mẹ gầy tong teo, đang thời còn trẻ vậy mà mẹ gầy, trước sau như một. Mẹ tủi thân lắm. Mẹ hay lấy tấm ảnh to chụp hồi còn con gái nói với tôi, “Đây này, mẹ hồi trước ngực nở như thế này”. Ảnh chụp nghệ thuật, mẹ tóc phi dê bồng, xinh thật là xinh.

Sau có lần bố chữa bệnh cho một ông ở thành ủy, bố mới nhờ ông ấy xin cho mẹ đi học lớp sơ cấp kế toán. Có cán bộ không đồng ý, bảo là con nhà tư sản không được học. Ông ở thành ủy kia phải nói giúp là cứ đến nhà mà xem, tư sản gì mà tư sản, đói rách lắm. Nhờ đó mà mẹ được đi học rồi học xong đi làm kế toán ở công ty lâm thổ sản Hà Nội đến tận lúc về hưu. Mẹ làm rất tốt công việc, không một chút nhầm lẫn nào, chữ mẹ rất đẹp.

Cải tạo tư sản lần 2

Nhiều người Hà Nội khác không an phận sống khổ như vậy. Họ vẫn âm thầm tìm cách buôn bán kiếm sống. Cuộc sống có ngàn vạn nhu cầu, cái mậu dịch quốc doanh quan liêu xơ cứng kia không thể đáp ứng hết được, vẫn có chỗ cho thị trường tự do. Cái mạch ngầm buôn bán của người dân Hà Nội chưa bao giờ bị dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên họ luôn bị chính quyền săn đuổi, o ép, thậm chí là tù đày. Nhẹ nhất cũng là những tiếng miệt thị như “đồ con buôn, bọn phe phẩy…”. Bạn đọc nào muốn tìm hiểu thêm, xin mời đọc những câu chuyện về cuộc đời “Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn”, một điển hình của thời cuộc. Chuyện này báo chí đã nói nhiều.

Nhiều ngành nghề khác chính quyền không cấm hết được, người dân vẫn âm thầm làm giàu. Như nghề làm hương, làm vàng mã, bán phở, bán thịt chui, quay me ép dép nhựa, làm dép lốp, sản xuất phụ tùng xe đạp… Sau một số năm tích cóp, nhiều tiểu thương đã mua được nhà phố cổ. Một phần cũng vì những năm đó nhà phố cổ rẻ lắm. Nhà số 3 Hàng Phèn, cạnh nhà bà tôi, đã bán cho một cô làm hương. Cô chỉ có tần tảo se hương bán mà mua được mấy cái nhà phố cổ. Rồi nhà số 7 bên cạnh bán cho một ông hàng phở. Ông hàng phở này có vợ là người làng Mai Động, nơi chuyên giết mổ bò lợn bán chui cho các chợ trong phố. Đầu tiên ông mua một căn nhà nhỏ trên phố Thuốc Bắc, sau mua thêm căn to hơn ở phố Hàng Phèn. Sau này hàng phở trở nên nổi tiếng, phở Bắc Hải.

Đến những năm 1980, thì dần dần đã hình thành nên một tầng lớp nhà giàu mới của Hà Nội. Nhiều ngôi nhà phố cổ đã bắt đầu bị phá đi để xây những ngôi nhà 2 tầng bê tông mái bằng thô kệch, nhưng là niềm ao ước của bao người thủa ấy.

Đùng một cái, vào một buổi sáng tháng 3 năm 1983, hơn 100 gia đình Hà Nội bị công an đến khám nhà, đọc lệnh tịch thu gia sản. Già trẻ lớn bé khóc như ri, có nhà còn thắt khăn tang, bị tống lên xe chở đi đâu không rõ, nhà thì bị niêm phong khóa lại. Cả Hà Nội xôn xao, bất ngờ. Cảm xúc khá hỗn độn. Tôi lúc này đã là thanh niên, tò mò muốn đi xem thì bị người lớn trong nhà nhắc: “Cẩn thận, không lại gần xem, khéo không phải đầu cũng phải tai”. Một không khí lo âu xen lẫn hả hê bao trùm thành phố.

Phần đông dân chúng nghèo khó thì hả hê, cho chết, bọn nhà giầu. Còn những người đứng tuổi thì trầm ngâm, họ thấy như lịch sử lại lặp lại. Trên báo chí, báo Nhân dân, báo Hà Nội Mới, đăng nhiều bài kể tội những kẻ làm giàu phi pháp này. Mà chẳng cần kể tội thì công chúng cũng biết rồi, giàu dĩ nhiên là có tội rồi. Tôi nhớ nhất có một bài báo tường thuật lời của một ông khi bị bắt, ông ấy nói “năm 1954 tôi đã bị tịch thu một lần nhà, hôm nay tôi lại bị tịch thu nhà lần thứ 2”. Tôi không nhớ là bài ở số báo nào, nhưng cam đoan nếu vào thư viện lục những trang báo của năm đó ra, thể nào cũng tìm được bài báo đó.

Trái với dự đoán của nhiều người, đợt đánh tư sản lần này qua rất nhanh. Chỉ mấy tháng sau là thấy dừng. Báo chí đổi giọng, không còn lên án như trước. Đến năm sau thì bắt đầu nghe tin có người được trả lại nhà.

Mãi sau hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn An, chủ tịch Quốc Hội, kể, người ta mới rõ chuyện gì đã xảy ra vào lúc đó. Hóa ra là vào tháng 3 năm 1983, có một lệnh miệng từ trên xuống là thực hiện chiến dịch có mật danh là “Z30”, đánh đổ giai cấp tư sản mới, tịch thu tất cả những nhà trên 2 tầng. Chỉ là một lệnh miệng, không có văn bản. Cứ thế là tịch thu tài sản, không cần quyết định của tòa án, không cần chứng cứ. Hà Nội ở ngay dưới cột đèn, nhanh nhẩu thực hiện trước, tịch thu 105 ngôi nhà.

Tuy nhiên các trung tâm đô thị khác như Nam Định, Hải Phòng, Tp HCM thì đang chần chừ, chưa thực hiện. Ở Nam Định, giám đốc công an tỉnh đưa cho bí thư tỉnh ủy danh sách tịch thu 100 căn nhà, chỉ cần bí thư gật là ngay ngày mai công an sẽ làm ngay. Ở Hải Phòng, ở Tp HCM cũng vậy. Không khí cả nước xôn xao, căng thẳng. Lãnh đạo tỉnh thì thấy việc này trái pháp luật, trái đạo lý nên không dám làm. Nhưng ở trên thì cứ gọi điện xuống giục, làm đi, noi gương Hà Nội làm đi.

Ông Nguyễn Văn An, lúc đó đang là bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh, bảo giám đốc công an là cứ từ từ, để đi hỏi đã, cấm được làm liều. Rồi ông đánh xe lên Hà Nội, đến văn phòng Trung ương hỏi. Tuy nhiên, là một ủy viên trung ương trẻ, ông sợ không dám vào gặp Tổng bí thư, chỉ đi hỏi loanh quanh các phòng ban, thì không ai trả lời được cái lệnh miệng kia từ đâu ban ra.

Căng quá, không biết hỏi ai, ông nhớ ra một người đàn anh mà ông kính trọng, ông Đoàn Duy Thành, bí thư thành ủy Hải Phòng. Ông An bèn cùng chủ tịch tỉnh phi đến Hải Phòng ngay trong đêm. Gặp nhau, ông Thành bảo ngay: “Tôi thấy chú đến tức là chú cũng đã có ý rồi. Hải Phòng dứt khoát không làm, khi nào có văn bản có dấu búa liềm hay dấu quốc huy thì mới làm. Vừa rồi anh Linh ở tp HCM cũng gọi ra hỏi Hải Phòng có làm không”. Ông An bảo: “Vâng, tối nay em sẽ đốt hết ngay 100 cái quyết định tịch thu nhà của dân”.

Tháng 6 năm 1983, ở tại Hội nghị Trung ương, bí thư tỉnh ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành đã nói liền 2 giờ đồng hồ về những cái trái pháp luật, phi đạo lý của mật lệnh Z30. Sau đó tổng bí thư Lê Duẩn chốt bằng một câu hỏi pha chút mỉa mai: “Nào còn đồng chí nào muốn phát biểu đạo lý gì nữa không”. Thêm hai người nữa phê phán Z30, không một ai ra mặt ủng hộ Z30. Thế là kế hoạch đánh tư sản lần 2 mang mật danh Z30 đã chết không kèn không trống.

Tuy nhiên tâm lý muốn diệt trừ người giầu chưa hẳn đã hết. Đến năm 1985 còn vụ đổi tiền nữa. Chuyện này tôi đã viết trong loạt bài về thời bao cấp “Ký ức trời Tây”.

Cải tạo tư sản lần 3

Đọc tới đây, chắc nhiều bạn ngạc nhiên, ủa, còn vụ cải tạo tư sản lần 3 nữa hả. Không, đây là tôi nói vui thôi. Có lần thứ 3 ảnh hưởng đến Hà Nội, nhưng lần này lại ngược lại, không phải Hà Nội cải tạo tư sản, mà là tư sản cải tạo Hà Nội.

Từ những năm 1990 đến nay, Hà Nội được bung ra làm giầu, nhiều nhà giầu mới xuất hiện, thậm chí còn giàu hơn ngày xưa rất nhiều. Rút kinh nghiệm của hai lần bị cải tạo trước kia, lần này giới nhà giàu kết thân với chính quyền, tạo nên một tầng lớp mà giới nghiên cứu gọi là tầng lớp tư bản thân hữu. Cái này nhiều người biết và nhiều người đã nói.

Đồng tiền lúc này nhiều hơn, nhưng không làm cho Hà Nội sang hơn, đẹp hơn, mà ngược lại như những vòi bạch tuộc, rúc vào, bủa vây vào, bòn rút Hà Nội. Hà Nội mất mát nhiều nhất là trong lần này. Hai lần trước Hà Nội nghèo đi, xấu đi, tàn tạ đi, nhưng ít ra vẫn còn nguyên phố cổ. Cái nghèo nó đóng băng thành phố lại, giữ nguyên vẻ xưa. Cũng giống như trường hợp của Hội An.

Thế nhưng từ khi người sống ở Hà Nội giàu lên, họ không như xưa kia mở rộng Hà Nội ra, tô đẹp Hà Nội lên, mà họ chỉ chăm chăm bòn rút cái hạ tầng Hà Nội cổ, bòn rút cho nhanh, cho nhiều. Khách sạn nhà băng cao tầng thi nhau mọc lên giữa phố cổ, sát bờ hồ Hoàn Kiếm. Các khu đô thị mới thì cũng là những kinh doanh địa ốc, không quan tâm đến quy hoạch, đến mật độ dân cư, cấp thoát nước… tất cả vẫn ăn theo cái trung tâm cũ của cái thành phố 20 vạn dân trước kia. Cho nên Hà Nội bây giờ có to hơn nhưng không đẹp, không sang.

Để giải thích tại sao Hà Nội giờ nên nỗi này thì cần lý giải nhiều chiều từ tâm lý học, không tôn trọng giá trị của Hà Nội xưa, đến kiến thức, thiếu kiến thức về quy hoạch đô thị, và giải thích bằng kinh tế. Sai lầm về quản lý kinh tế ban đầu làm Hà Nội bị nghèo đi, lúi xùi đi, con cái lớn lên không có tiền ra ở riêng, cứ chia nhỏ dần cái nhà ra ở tạm bợ, rồi thêm cải tạo tư sản, cho nông dân bộ đội cán bộ vào ở kiểu “chia quả thực” giống ở quê, cũng góp phần làm nát Hà Nội. Nhưng hiện nay khi Hà Nội giàu lên thì tư bản thân hữu với sức mạnh của đồng tiền đã bẻ cong quy hoạch, phá nát Hà Nội thêm một lần nữa.

(*)https://www.facebook.com/quan.thedan


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Học sinh Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) phản đối lấy đất trường học xây chợ

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính quyền Hà Nội lạm quyền trong vụ Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

Nhân sĩ, trí thức cảnh báo: ‘Trung Quốc lũng đoạn, uy hiếp VN’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.