Thới Bình
(VNTB) – Với án tham nhũng, có thể điều chỉnh bằng phiên tòa dân sự thay cho hình sự để việc “khắc phục” bằng tiền có thể thay đổi mức an dự định sẽ tuyên.
Liệu rằng việc nộp tiền tỉ khắc phục hậu quả vụ án có phải là “kim bài miễn tử”, “cách thức” để giảm án đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng?
Câu trả lời từ phía Đảng và Nhà nước, thì, “việc tự nguyện khắc phục hậu quả bằng tài chính, được quy định rõ ràng trong Bộ luật hình sự năm 2015, và không những không làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật mà còn thể hiện tính chất nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam”.
Lập luận trên cho rằng, “cốt lõi của vấn đề là sự tự nguyện, là việc nhận thức ra lỗi lầm từ phía bị cáo và mong muốn “lập công chuộc tội” trong một số trường hợp là pháp luật tạo điều kiện để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, sống có ích cho xã hội”.
Thực tế thì chẳng mấy ai tin vào những lý do trên, kể cả bị cáo.
Để chuyện “khó tin” thành “dễ tin” hơn, tại hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho chủ trương để nghiên cứu, đề xuất giải pháp theo hướng tăng phòng ngừa; giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả đối với nhóm tội phạm tham nhũng, kinh tế.
Điều này nhằm thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, hướng tới mục tiêu vừa đạt hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, vừa đảm bảo tính nhân văn. Có nghĩa là với án tham nhũng, có thể điều chỉnh bằng phiên tòa dân sự thay cho cứ chăm chăm vào hình sự để rồi “giờ chót” việc “khắc phục” bằng tiền có thể thay đổi mức an dự định sẽ tuyên.
Xem ra Viện trưởng Lê Minh Trí cũng có lý cho đề xuất trên. Ông Trí giải thích thêm, trong thực tiễn có những trường hợp thực hiện do mệnh lệnh của cấp trên hoặc là cấp trên gợi ý, nhưng cấp dưới phải chấp hành.Bệnh cạnh đó có việc cấp dưới tham mưu, nhưng tham mưu không đầy đủ nên dẫn đến rủi ro. Cũng có yếu tố rủi ro do bất cập ngoài dự kiến, bất khả kháng.
Theo ông Trí, thực tế nếu những trường hợp trên khắc phục hoàn toàn hậu quả, đồng thời hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án mà áp dụng vào trường hợp miễn, giảm, tha, đối với luật hiện hành là vướng. Do vậy, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị rà soát, sửa lại các điều luật cụ thể ảnh hưởng đến vụ việc, cá nhân gây hậu quả không lớn nhưng vẫn bị xử lý hình sự, còn nếu không xử lý thì lại bị cho là vi phạm pháp luật…
Tháng 12-2019, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị Viện kiểm sát đề nghị mức án Tử hình vì tội Nhận hối lộ, trong phiên tòa xét xử đại án AVG, làm thiệt hại của Nhà nước hơn 8.560 tỷ đồng. Chỉ vài ngày sau khi bị đề nghị mức án cao nhất, ông Nguyễn Bắc Son đã “vận động gia đình”, nhanh chóng nộp số tiền khắc phục hậu quả 66 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ số tiền 3 triệu USD mà ông bị truy tố Nhận hối lộ.
Kết quả, ông Nguyễn Bắc Son được tòa cấp sơ thẩm tuyên mức án Chung thân về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ. Ở phiên phúc thẩm, hội đồng xét xử quyết định giữ nguyên mức án Chung thân với ông Son.
Có thể nói, việc ông Son và gia đình nhanh chóng nộp tiền, khắc phục toàn bộ thiệt hại là một chi tiết giảm nhẹ quan trọng để tòa quyết định tuyên thấp hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát.
Ở những đại án khác, các ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Duy Linh (cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo)… đều đã được tòa tuyên những mức án giảm nhẹ bởi tình tiết “kịp thời nộp tiền khắc phục hậu quả”.