(VNTB) Gần như trái ngược với những thông tin từ báo cáo chính phủ, các bộ ngành và giới chuyên gia “phản biện trung thành”, thực trạng khốn quẫn của các doanh nghiệp phải giải thể và ngừng hoạt động là một trong những “điểm son” cho điều được tô vẽ là “kinh tế đang phục hồi”.
Phục hồi cái gì?
Những con số thống kê được phát ra gần đây từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tuy chưa thể lột tả toàn diện tình hình bi đát của hiện tồn doanh nghiệp, vẫn cho thấy so với cùng kỳ năm 2013, số doanh nghiệp phải giải thể và ngừng hoạt động là hơn 25.000, tăng hơn 3.000 so với số hơn 22.000 của năm trước.
Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, liên tục một số hội thảo và hội nghị đã dược những bộ ngành kinh tế tổ chức, trong đó luồng ý kiến chính tập trung vào “triển vọng” của nền kinh tế, cùng một núi số liệu từ đầu tư nước ngoài, ODA và dĩ nhiên không thể thiếu thành tích hàng chục tỷ đô la được chuyển về Việt Nam qua đường kiều hối.
Song bất kể các con số “tăng trưởng” được tuyên dương ra sao, tình hình tín dụng 6 tháng đầu năm 2014 vẫn không hề khả quan, nếu không muốn nói là càng tệ đi. “Quyết tâm” của Ngân hàng nhà nước là phải đạt được 5-6% tăng trưởng tín dụng, song thực tế chỉ bằng phân nửa chỉ tiêu này. Tình hình đó cho thấy tiền vẫn chưa thể ra lưu thông, còn phản ánh của nhiều ngân hàng cho thấy họ vẫn đang “đỏ con mắt” tìm khách hàng doanh nghiệp, càng khiến cho núi tiền ứ đọng trong két sắt ngân hàng mang bóng dáng khủng hoảng thừa.
Có ước tính cho thấy đến vài trăm ngàn tỷ đồng của ngân hàng đang “bất lực”. Không thể mồi chài cho vay đối với doanh nghiệp, kể cả động tác “cho vay không cần đảm bảo tài sản” do Ngân hàng nhà nước chiêu dụ mới đây, nhiều ngân hàng đã phải bấm bụng mua trái phiếu chính phủ để “cầm hơi”, chấp nhận thực tồn đồng vốn quay vòng chỉ giữa chính phủ và giới ngân hàng mà không thể vào sản xuất kinh doanh.
Thậm chí gần đây còn khoảng 94.000 tỷ đồng xây dựng cơ bản bị ứ đọng mà không giải ngân được…
Quá thiếu liêm sỉ
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế đã sang năm thứ bảy và chưa hề thấy lối thoát như thế, con số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản vào năm nay tăng so với năm trước là phù hợp với thực trạng có đến khoảng 40% số doanh nghiệp rất khó khăn hoặc không còn khả năng đóng thuế và duy trì hoạt động – theo phản ánh của một hội nghị về doanh nghiệp vừa và nhỏ cách đây vài tháng.
Cần nhắc lại là vào đầu năm 2013, Ủy ban thường vụ quốc hội lần đầu tiên phải công bố số liệu “hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải giải thể và ngừng hoạt động” – một phản bác đáng kể đầu tiên trước các báo cáo tô vẽ thiếu quá thiếu liêm sỉ của giới chức chính phủ.
Trong nguyên năm 2013 và dẫn sang nửa đầu năm 2014, tình hình kinh tế Việt Nam còn trở nên bi đát hơn hẳn với mầm mống khủng hoảng đã bắt đầu hiện ra nơi lãnh địa ngân hàng, khi “nạn nhân” đầu tiên rất có thể thuộc về Agribank – một trong những ngân hàng lớn nhất và được ưu ái nhất ở Việt Nam.
Nếu kết hợp với “sự kiện” mới đây Thủ tướng chính phủ lần đầu tiên phải thừa nhận “GDP có chân”, một lần nữa người dân có thể nhận ra bức tranh tô hồng kinh tế của Chính phủ là giả tạo đến thế nào.
Doanh nghiệp tiếp tục “chết”, khủng hoảng thừa trầm trọng về vốn ngân hàng, bất động sản vẫn gần như bặt hơi, còn bản thân ngân hàng cũng đối mặt với tương lai “băng hà”…, bức tranh tô hồng của Chính phủ sẽ bị lộ trái đầy sống sượng vào lúc cỗ xe nền kinh tế lao xuống vực thẳm.
Viết Lê Quân