Việt Nam Thời Báo

VNTB- Kỳ thị: Miếng mồi của bầy kền kền

Phương Thảo


(VNTB) – Mới đọc được tin các em học sinh Việt nam đạt giải huy chương vàng quốc tế ỏ Thái lan chưa kịp hết mừng thì đập vào mắt tôi hai cái tựa bài báo câu view làm cho người tử tế phải nóng mặt. “Bố mẹ bán phở, con giành huy chương vàng Olympic Vật lý Quốc tế” của báo Thanh niên và “Bố mẹ phụ hồ, con trai giành 2 Huy chương Vàng Toán quốc tế,” của Vietnamnet. Kỳ thị đã lên đến mức này rồi hay sao?
Kỳ thị là một từ Hi lạp bắt nguồn từ một loại dấu được khắc hay đóng dấu vào da để cho mọi người biết ai là tội phạm, nô lệ hay những kẻ phản bội cần phải tránh xa. Sự kỳ thị từ thời trung cổ giờ vẫn còn tồn tại và tồn tại trong thiên hình vạn trạng, trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi các tổ chức nhân quyền kêu gọi chống kỳ thị chống phân biệt chủng tộc, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt nặng theo luật định ở các nước tiên tiến trên thế giới thì không hiếm những tờ báo hay cá nhân có tính ảnh hưởng lớn trong xã hội đã đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại như thế này.
Loạn kỳ thị

Người Việt kỳ thị người nước ngoài đã đành mà người Việt còn kỳ thị lẫn nhau. Người Nam sẽ mắng người bắc là “Đồ Bắc kỳ!” Người Bắc với nhau thì sẽ gièm nhau là người nhà quê hay người Hà nội. Người Bắc di cư lại còn phân biệt Bắc 54 theo chúa vào Nam với Bắc kỳ hai nút tức là bắc 75. Người Việt kỳ thị người việt gốc gác nơi khác và gọi họ là tụi tàu, tụi chệt, tụi miên … Người Việt hải ngoại thì lại kỳ thị lẫn nhau xem ai là tỵ nạn cộng sản và ai là cộng sản nằm vùng chỉ thông qua giọng nói miền Bắc hay miền Nam, kỳ thị lẫn nhau với cả người tôn sùng cờ vàng và người yêu cờ đỏ. Người phiên dịch cho tổng thống Obama nhân chuyến Mỹ du của ông Trọng đến Mỹ cũng không thoát khỏi lưới kỳ thị khi những người say máu lên án việc sắp đặt một người thông dịch “Bắc kỳ” cho tổng thống.

Tôi có những người bạn tự cho rằng mình đẳng cấp hơn người khi sống trong các khu người da trắng mà không có sự hiện diện của tụi “mọi đen”trong khi họ là những công dân của thế kỷ 21 và hẳn đã phải học thuộc luật thi quốc tịch trong đó có điều luật quy định không được phân biệt đối xử với người khác. Nghe đến cụm từ này tôi liên tưởng đến cuộc nội chiến Bắc Nam tàn bạo hay số phận đau đớn của những người nô lệ người da đen bị coi rẻ hơn cả những con thú cưng. Không hiếm người tự cho rằng da vàng mũi tẹt vẫn hơn hẳn tụi da đen chỉ vì tụi nó hôi. Tôi lại phải bật cười vì không biết họ có nghĩ đến từ Anamite mà người Pháp dành cho dân Việt nam xưa kia hay không.

Kỳ thị giới tính giờ không chỉ còn có kỳ thị nam hay nữ mà còn có cả kỳ thị người đồng tính hay người chuyển giới. Tình trạng trọng nam khinh nữ vẫn còn phổ biến khi rất nhiều người vẫn mong kiếm một đứa con trai để chống gậy sau này. Người không đồng tính thì lại hùa nhau vào rủa những người đồng tính và chuyển giới là pê đê là ô môi, là nguồn gốc của sự băng hoại gia đình truyền thống và lệch lạc về giới trong xã hội. Sự tranh cãi này bùng nổ khi Obama công bố công nhận kết hôn đồng tính khi họ lo sợ không biết thế giới này sẽ đi về đâu. Sao họ không nhìn lại bao nhiêu diễn viên ca sỹ nổi tiếng, các nhà tạo mẫu bậc thầy như Elton John hay Giorgio Armani cũng là người đồng tính và họ đang được hưởng thành quả nghệ thuật từ những người bị gán cho cái tên gọi “lệch lạc giới tính” này?
Không chừa một ai

Tư tưởng coi thường nghề nghiệp tay chân ăn sâu vào bao nhiêu thế hệ để cho bây giờ ai ai cũng chỉ muốn học lấy bằng kỹ sư, cử nhân để làm các công việc văn phòng trong khi đất nước thiếu hụt trầm trọng đội ngũ công nhân tay nghề cao. Và giờ đây báo chí lại góp phần kỳ thị con người thông qua việc đánh giá việc làm chân tay của phụ huynh các em học sinh đã mang lại niềm tự hào cho dân tộc. Bán phở thì đã sao? Muốn có một tiệm phở ở nước ngoài không phải đơn giản, và nếu có tiệm đông khách thì đó là một con gà đẻ trứng vàng. Phụ hồ ư? Cũng là một nghề hái ra tiền ở xứ giãy chết và hiếm khi bị thất nghiệp. Ở Việt nam tuy không là nghề sạch sẽ sang trọng nhưng họ là người lương thiện, lao động bằng chính sức mình chứ không phải dùng lời lẽ hay ngòi bút cay nghiệt để kiếm tiền hay làm giàu bằng tham ô hối lộ. Đề cập đến nghề nghiệp của phụ huynh như vây, vô hình trung các anh chị phóng viên đã tạo ra sự tự ti về xuất thân cho các em học sinh này.

Chúng tôi làm việc tay chân và tự hào là người lương thiện chứ không phải vì ôm danh hão mà làm kẻ bất lương và cho mình quyền xúc xiểm nghề nghiệp người khác. “Huy MC – Chàng ca sĩ thiếu gia thành gã bán xôi trên đất Mỹ” lại là một cái tựa đề kỳ thị nghề nghiệp khác của Vietnamnet. Kinh doanh buôn bán để làm giàu chính đáng là điều đáng trân trọng. Kinh doanh mặt hàng nào cũng được chứ đâu phải kinh doanh xôi là nghề của người xuống dốc không phanh và bất tài. Để có thể có cửa hàng và giấy phép kinh doanh ở nước ngoài đâu có giống như việc hong một nồi xôi xong ngồi trước cửa với vài miếng giấy báo, mấy miếng lá chuối và bịch nilon là đã nghiễm nhiên thành gã bán xôi ở bất cứ nơi nào ở Việt nam.

Mới đâu đây thôi, một dòng trạng thái Facebook của người phụ nữ nổi tiếng về đấu tranh nhân quyền ở Việt nam cũng đã làm cho tôi mất hết cảm tình với cá nhân cô chỉ vì cô ta gọi ông Trọng với một cái tên trống không và kèm theo biệt danh người ta đặt cho ông ấy “Trọng Lú.” kèm theo đó là tên của các vị lãnh đạo khác trống không. Đồng ý ông ấy có thể kém sáng tạo, giáo điều, nhưng gọi ông ta một cách miệt thị như thế cũng đã là một hành động kỳ thị để hạ thấp phẩm giá của người khác. Điều này đi ngược lại một trong các quy tắc về nhân quyền mà cô đang đấu tranh. Chưa nói đến việc ông ấy và các vị khác đều đáng tuổi cha chú và việc cần phải tôn trọng người lớn tuổi cũng như lịch sự trong xưng hô nếu không sẽ bị đánh giá là hỗn hay bất lịch sự.

Tất cả các cuộc bút chiến trên mạng giờ đây gọi những đối tượng bị chỉ trích là con, thằng không cần phân biệt tuổi tác. Tệ hơn nữa lại còn kèm theo các tên gọi bộ phận cơ thể chỉ giới tính được viết ra một cách trơn tru mà không cần biết cảm giác người khác đọc được sẽ ra saochứ chưa nói đến tâm trạng người là đối tượng bị “đám đông ném đá”. Phỉ báng người khác cùng là một hình thức kỳ thị và đáng bị lên án cũng như phải được chấm dứt. Trong vụ án mạng sáu người mới đây, các báo và độc giả cùng lên cơn đồng tập thể để quy chụp và phán xét hai thanh niên tuổi đời còn rất trẻ khi gọi họ là kẻ sát nhân là hung thủ trong khi tòa chưa tuyên án họ có tội. Thiếu công tâm trong nhận xét người khác đã là kỳ thị, huống gì là thay mặt quan tòa để phán xét tội lỗi rồi kèm theo biết bao nhiêu lời bình luận về đạo đức của các cậu thanh niên này dù chưa hề biết cá nhân, tính cách họ như thế nào.

Lỡ lời nói có thể bay đi không bằng chứng, nhưng những dòng chữ đã viết ra dù có xóa đi thì vẫn được lưu lại đâu đó như một dấu ấn không thể xóa nhòa. Khi gõ lại dòng chữ “Bố mẹ bán phở, con giành huy chương vàng Olympic Vật lý Quốc tế”, hơn 220 nghìn kết quả hiện ra trong vòng chưa đến một giây. Đầu đề gốc của bài vẫn còn hiển thị, nhưng Thanh niên Online đã kịp thay lại thành “Chủ nhân huy chương vàng Olympic Vật lý: Không phải học càng nhiều càng tốt” khi bấm vào đường dẫn để đọc bài. Với đầu bài như thế thì không phải là bài đáng để đọc cho dù có biện minh là để so sánh, ca ngợi sự chịu khó, vượt qua số phận để vươn lên chưa nói đến đạo đức nghề nghiệp không được coi trọng.

Bầy kền kền

Tôi vẫn được biết các con kền kền to lớn xấu xí hay tranh nhau ăn xác chết hay cả cơ thể của những sinh vật còn thoi thóp và mất khả năng phản kháng hay chạy trốn. Việc kỳ thị của đám đông đối với một cá nhân hay một tập thể nào đó cũng chẳng khá hơn bầy kền kền hung hăng một chút nào.

Ở nước ngoài, nếu cảm thấy bị kỳ thị công dân có thể yêu cầu được giúp đỡ, có thể khiếu kiện kẻ kỳ thị người khác. Người bị đối xử kỳ thị có thể được nhận các liệu pháp tâm lý để giúp họ vượt qua cơn khủng hoàng về tinh thần. Những kẻ kỳ thị có thể bị bắt giam tùy theo mức độ vi phạm như thế nào. Buôn bán ma túy cò con có thể bị phạt lao động công ích vài ba tháng hay giam giữ vài tuần, nhưng phạm tội kỳ thị thì có thể bị giam giữ đến một năm. So sánh như vậy để có thể thấy nhân phẩm, nhân vị, nhân quyền được xã hội văn minh coi trọng đến như thế nào. Báo chí định hướng người đọc, hướng họ đến những giá trị nhân văn chứ không phải là để tạo lập nên những đánh giá, nhận xét chủ quan nhằm hạ thấp xúc xiểm người khác chỉ vì mục đích tăng lượng người truy cập. Người bị kỳ thị ở Việt nam có nhận được sự giúp đỡ hay cùng quẫn lại lao đầu vào tường để tự vẫn hay phát cuồng quay lại ngược lại không làm người lương thiện như Chí Phèo của làng Vũ Đại?

Nhắc đến kền kền tôi liên tưởng đến hình ảnh em bé châu Phi sắp chết đói và con kền kền phía sau đang chờ chực bữa tiệc thịt người. Bức ảnh đoạt giải Pulitzer cho người cầm máy là vinh quang cho một phóng viên ảnh. Nhưng Kevin Carter đã tự sát chỉ vì không chịu nổi sự ám ảnh nghiệt ngã của chết chóc cũng như niềm vui đoạt giải không che phủ được cảm giác đau đớn mà anh đã trải qua. Các tác giả của những bài báo trên hẳn không ai không biết đến bức ảnh này nhưng lại chấp bút thu hút bầy kền kền để đạt được mục đích mà không cần đếm xỉa đến nỗi đau của đồng loại.

Trước khi được đi vượt biên bằng máy bay, các công dân tương lai của Hà lan được học rằng họ không được phép kỳ thị và kỳ thị là tội ác. Nhưng để nhận diện kỳ thị không phải ai cũng có thể nhận biết được, họ chỉ có suy nghĩ kỳ thị là kỳ thị màu da mà thôi. Không phân biệt được thế nào là kỳ thị để tránh gây nỗi đau hay ngăn ngừa các hành động có thể làm nguy hại đến tinh thần, thân thể và tính mạng cho người khác; trong khi tiếp tục coi đó là điều đương nhiên trong văn hóa ứng xử thì cũng chẳng khác gì những con kền kền ăn thịt theo bản năng mà không biết suy xét bằng con tim và khối óc. Những bầy kền kền giết hại người khác thông qua lời nói, hành động gián tiếp hay ngòi bút này có khi nào tự vấn lại lương tâm mình, tự đặt mình vào nỗi đau của người bị kỳ thị để cảm nhận những gì họ phải trải qua? Liệu có con kền kền nào dám xòe cánh chống lại đám đồng loại hung hăng để bảo vệ người yếu thế? Có lẽ là rất hiếm hoặc không thể xảy ra, đã là kền kền ăn thịt thì làm gì hiền lành như loài thú ăn cỏ.

Tin bài liên quan:

VNTB – Tony Abbott kiên quyết cắt viện trợ đến 11 tỷ khi tiếp thủ tướng VN

Phan Thanh Hung

VNTB- Vụ Doan Thi Huong: Nhà nước Việt Nam bỏ quên hay cố tình tránh né?

Phan Thanh Hung

VNTB- Việt Nam õng ẹo TPP: Có gì đâu mà vội (!?)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo