(VNTB) – Thuyền nhân Việt Nam bị từ chối quy chế tị nạn và đối mặt nguy cơ cưỡng bức hồi hương dưới chương trình CPA phải hồi hương không tự nguyện hoặc cưỡng bức.
Vào tháng 2 năm 1995, tác giả, Ts Nguyễn Đình Thắng, khi đó là một kỹ sư tại một văn phòng nghiên cứu của Hải quân Hoa Kỳ, đã tham dự một phiên điều trần về tình hình người tị nạn toàn cầu. Nghị sĩ Christopher Smith, một đảng viên Cộng hòa đến từ New Jersey và là Chủ tịch mới của Tiểu ban Hạ viện về Nhân quyền và các Tổ chức Quốc tế, đã nói về hoàn cảnh khốn khổ của những người tị nạn Việt Nam phải đối mặt với việc hồi hương cưỡng bức theo Kế hoạch Hành động Toàn diện (CPA).
Trong giờ nghỉ giải lao của phiên điều trần, tác giả đã nói chuyện với ông Grover Joseph Rees, Cố vấn cấp cao của Nghị sĩ Smith. Ông Rees đã sắp xếp một cuộc họp tại văn phòng Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, nơi họ thảo luận về thực tế khắc nghiệt và các quy trình sàng lọc sai sót theo CPA.
Nghị sĩ Smith quyết định đề xuất sửa đổi Đạo luật phân bổ hoạt động đối ngoại, H.R. 1561, cấm Hoa Kỳ tài trợ cho việc hồi hương cưỡng bức người tị nạn trừ khi họ được các viên chức tị nạn Hoa Kỳ phỏng vấn và từ chối cấp quyền tị nạn. Sửa đổi này, được gọi là “điều khoản chống CPA”, nhằm mục đích đánh giá lại tất cả các cuộc sàng lọc CPA trước đây.
Sửa đổi này đã mang lại hy vọng mới cho khoảng 40.000 người tị nạn Việt Nam tại các trại tị nạn ở Hồng Kông và Đông Nam Á, bất chấp sự phản đối ngay lập tức và dữ dội từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nơi tìm cách bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và coi sửa đổi này là sự phức tạp đối với các thỏa thuận quốc tế. Sự phản đối của Bộ Ngoại giao nêu bật sự chia rẽ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt về sửa đổi này, nhưng những nỗ lực vận động do tác giả NĐT. và những người ủng hộ khác dẫn đầu vẫn tiếp tục đấu tranh cho quyền của thuyền nhân Việt Nam.
Dưới đây là trích dẫn hồi ức của TS Thắng (*) trong “Kỳ tích cuối chương sử thuyền nhân: Buổi điều trần định mệnh” https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2274-ky-tich-cuoi-chuong-su-thuyen-nhan-buoi-dieu-tran-dinh-menh.html
Tôi nhớ rõ như in, một ngày mùa Đông 1995, Thứ Hai đầu tháng 2, tôi đi công tác việc sở ở University of Virginia – lúc ấy đang là kỹ sư tại một cơ quan nghiên cứu của Bộ Hải Quân Hoa Kỳ. Tôi đã lấy sẵn ngày nghỉ để hôm sau viếng thăm đại học danh tiếng và cổ kính này.
Nhưng vừa họp xong ngày hôm trước thì có tin nhắn từ Dân Biểu James Moran, đảng Dân Chủ, đại diện địa hạt cử tri Bắc Virginia nơi tôi cư ngụ, khuyến khích tôi tham dự buổi điều trần về tình hình tị nạn toàn cầu do DB Christopher Smith, đảng Cộng Hòa ở New Jersey, triệu tập. DB Smith là tân Chủ Tịch Tiểu Ban Nhân Quyền và Hoạt Động Quốc Tế của Hạ Viện Hoa Kỳ.
Tôi bỏ dự tính tham quan trường đại học để hôm sau đến dự buổi điều trần, dù chưa biết có ích lợi gì không.
Hy vọng hé mở
Phát biểu khai mạc, DB Smith tổng lược cảnh ngộ của các thành phần tị nạn trên thế giới, có nhắc thoáng về thuyền nhân Việt Nam bị từ chối quy chế tị nạn và đối mặt nguy cơ cưỡng bức hồi hương dưới chương trình CPA.
CPA là viết tắt của Comprehensive Plan of Action (Chương Trình Hành Động Toàn Diện) được quốc tế hình thành tháng 6 năm 1989. Theo đó, các chính quyền sở tại quyết định tư cách tị nạn, gọi tắt là “thanh lọc”. Thuyền nhân bị “rớt thanh lọc” phải hồi hương không tự nguyện hoặc cưỡng bức.
Khi buổi điều trần tạm ngưng để các vị dân biểu đi bỏ phiếu, vị Cố Vấn Trưởng của DB Smith, Ông Grover Joseph Rees, ở lại tiếp chuyện quan khách. Tôi đến bắt chuyện:
“Cảm ơn DB Smith nhắc đến thuyền nhân Việt Nam ở các trại Hồng Kông và Đông Nam Á. Thực tế khủng khiếp hơn nhiều so với những gì DB Smith vừa nói. Nếu Ông muốn, tôi sẽ cung cấp thông tin tường tận, chi tiết.”
Ông Rees hẹn gặp tại văn phòng của Ủy Ban Ngoại Giao của Hạ Viện Hoa Kỳ vào Thứ Sáu trong tuần. Tôi mời thêm 2 vị “tiền bối” là Ông Shep Lowman và Ông Lionel Rosenblatt – họ đã chỉ dẫn cho tôi khi tập tễnh trên con đường vận động cho thuyền nhân từ năm 1988.
Buổi họp định mệnh
Đến ngày hẹn, 3 chúng tôi cùng đến gặp Ông Rees – tôi sẽ gọi là Đại Sứ Rees khi thích hợp vì sau này ông là Đại Sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở quốc gia tân lập Đông Timor. ĐS Rees thuật lại cuộc gặp trong email ngày 29 tháng 1, 2022:
“Sau khi lắng nghe những điều họ trình bày và thảo luận vào chi tiết về một số ‘hồ sơ bị rớt thanh lọc một cách tệ hại’ cũng như tiến trình dẫn đến những hậu quả ấy, tôi hỏi các người đi vận động này tại sao, nếu tiến trình tỏ ra tệ hại đến thế, lại chỉ yêu cầu tái thanh lọc có 500 hồ sơ… Tại sao không đòi hỏi không được dùng ngân sách của Hoa Kỳ để hồi hương bất cứ ai dưới chương trình CPA cho đến khi người đó được nhân viên tị nạn của Hoa Kỳ phỏng vấn và bị xét không là tị nạn?”
Ông Lionel cho rằng e đã quá trễ cho điều lý tưởng ấy. Ông Shep đồng tình.
ĐS Rees kể tiếp:
“Ts. Thắng không nói nhiều khi thảo luận. Nhưng, khoảng 1 hoặc 2 tiếng sau buổi họp, ông gọi cho tôi và nói rằng bất luận các đồng nghiệp của ông nói gì, ông nghĩ rằng thanh lọc dưới CPA quả thực tồi tệ đến độ phải tái thanh lọc tất cả thì mới đúng. Sau đó, tôi bàn với DB Smith, và ông quyết định đưa một điều khoản vào Luật Chuẩn Chi Ngân Sách Đối Ngoại, xuất phát từ Tiểu Ban của chúng tôi, để cấm tài trợ việc hồi hương theo CPA những ai chưa được phỏng vấn và chưa bị từ chối tư cách tị nạn bởi nhân viên tị nạn Hoa Kỳ, và tái định cư vào Hoa Kỳ những ai được công nhận là tị nạn khi được tái phỏng vấn.”
Các quốc gia tạm dung không có ngân sách cho cưỡng bức hồi hương mà trông vào quỹ của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ — phần đóng góp lớn nhất cho quỹ này đến từ chính phủ Hoa Kỳ. Quốc Hội nắm hầu bao của chính phủ, trong đó ngân sách cho CUTN/LHQ nằm trong tay vị Chủ Tịch Tiểu Ban Nhân Quyền và Hoạt Động Quốc Tế lúc ấy là DB Smith. Chặn ngân sách là chặn cưỡng bức hồi hương.
Bước ngoặt thần kỳ
Vài ngày sau buổi họp định mệnh kể trên, Ông Rees báo cho tôi biết DB Smith đã đưa điều khoản tu chính vào dự luật Chuẩn Chi Ngân Sách Đối Ngoại, H.R. 1561, cấm dùng tiền của Hoa Kỳ cho cưỡng bức hồi hương cho đến khi mọi thuyền nhân được nhân viên tị nạn Hoa Kỳ tái phỏng vấn theo tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ.
Nghĩa là điều khoản tu chính này bác bỏ toàn bộ kết quả thanh lọc của CPA — “xoá bài” làm lại từ đầu. Bởi vậy nó được mệnh danh là “anti-CPA provision” — “điều khoản chống CPA”.
Bước ngoặt lập pháp này đem lại hy vọng cho khoảng 40 nghìn đồng bào trong các trại cấm ở Hồng Kông và Đông Nam Á vào thời điểm đó, và thổi luồng sinh khí mới vào cuộc đấu tranh cho thuyền nhân khi mà cả thế giới quay lưng và tuyệt đại đa số các tổ chức Hoa Kỳ trước đây bảo vệ thuyền nhân cũng đã xoay chiều.
Tôi nhanh chóng loan báo tin mừng ra khắp cộng đồng người Việt hải ngoại và vào các trại cấm.
Gặp khó ngay từ vạch xuất phát
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lập tức và mãnh liệt chống lại điều khoản tu chính của DB Smith. ĐS Rees tường thuật:
“Điều xảy ra sau đó, khiến tôi ngạc nhiên và thất vọng, là một cuộc chiến dữ dội trong đó một số tổ chức tị nạn nổi tiếng đứng về phía Bộ Ngoại Giao – và về phía các tổ chức chống nhập cư như Liên Đoàn Cải Cách Nhập Cư Hoa Kỳ – để phản đối điều khoản chống hồi hương của Ông Smith.”
Không khó hiểu. Để bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Hành Pháp của Tổng Thống Clinton không muốn tiếp tục các chương trình tị nạn kể cả chương trình HO, con lai, và thuyền nhân vì chúng vô hình trung xác nhận tình trạng đàn áp còn nghiêm trọng ở Việt Nam. Bộ Ngoại Giao còn viện lẽ chính phủ Hoa Kỳ đã tham gia chương trình CPA; điều khoản chống CPA của DB Smith sẽ làm cho Bộ Ngoại Giao gặp mâu thuẫn với quốc tế.
Để thuyết phục các nhà lập pháp, Bộ Ngoại Giao chỉ ra rằng ngay cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ cũng chia rẽ thành bên ủng hộ và bên chống đối điều khoản chống CPA. ĐS Rees giải thích rằng bên ủng hộ là cả cộng đồng, còn bên chống đối chỉ có một người.
(Còn tiếp).
Kỳ sau Người Việt duy nhất chống đối
_____________________
Tham khảo:
(*)“Kỳ tích cuối chương sử thuyền nhân: Buổi điều trần định mệnh” https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2274-ky-tich-cuoi-chuong-su-thuyen-nhan-buoi-dieu-tran-dinh-menh.html