Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lại Cụm! Cụm Từ! Khi nào thì “Đống Văn, Bãi Thơ” đây?

Đỗ Văn Phúc

 

(VNTB) – Dù chén cơm ngon bao nhiêu, mà lẫn vào một hạt cát, hạt trấu, cũng làm cho nó trở thành mất thú vị và khó chịu nữa là khác. 

 

Một lần trở lại nhà thờ Tin Lành nhân ngày lễ Phục Sinh. Đang chăm chú nghe lời Mục Sư giảng giải Kinh Thánh, kể một câu chuyện thú vị và ý nghĩa về tình thương người cha dành cho đứa con lãng tử; bỗng giật mình khi nghe ông Mục Sư phát ra hai chữ “cụm từ” trong một câu nào đó. Hai chữ này thỉnh thoảng vẫn thấy trên nhiều báo chí hải ngoại – nào là “cụm từ chiến lược, cụm từ hữu nghị…” – có lẽ phần lớn là do lấy tin từ báo bên Việt Nam mà không chịu dò lại để sửa. Mới đây, một văn hữu chuyển một bài viết phân tích khá sâu sắc về hiện tình trong nước. Đọc gần nửa bài, lại thấy những chữ “Cụm từ Hòa Hợp Hòa Giải…” Phản ứng khi bất chợt đọc thấy những chữ lạ này giống như đang lái xe ngon trớn bỗng vấp vào một cái ổ gà. Một người bạn lâu năm ở Arizona, anh Nguyễn Ngọc  A., đã ví von rằng: “Đang đọc một đoạn văn, có vẻ vừa ý, thì đột nhiên gặp một chữ kỳ quặc, tôi khưng lại như khi đang nhai cơm mà đụng phải một hạt trấu vậy.”

Dù chén cơm ngon bao nhiêu, mà lẫn vào một hạt cát, hạt trấu, cũng làm cho nó trở thành mất thú vị và khó chịu nữa là khác. Đó cũng là phản ứng của chúng tôi mỗi khi vấp phải những chữ “cặp đôi, cụm từ, đáp án, điểm nhấn…” trong những bài viết của vài nhà báo, nhà văn hải ngoại.

Chúng tôi có thể nhớ chắc chắn là trước 1975, những thứ chữ kỳ quái này không hề có ở miền Nam; và dường như ở hải ngoại chỉ mới du nhập chúng từ khoảng chục năm nay thôi.

Quần chúng ở trong nước thì không còn ý kiến gì nữa. Họ đã nói tiếng Việt cẩu thả kiểu đó từ khi có chế độ Cộng Sản và nay thì đã trở thành lối nói thông dụng; rất khó hy vọng có thể thay đổi.

Tại hải ngoại, những người tâm huyết với ngôn ngữ Việt Nam đã nhìn thấy tệ trạng này và không ngớt lên tiếng báo động cũng như viết hàng chục bài giá trị để chấn chỉnh. Mới đây, nghe tin vài nhà trí thức trong nước cũng đặt ưu tư về ngôn ngữ lên hàng đầu và đã có những lời kêu gọi hay đã bắt đầu những nỗ lực làm trong sạch ngôn ngữ Việt Nam. Nhưng hình như bao lời kêu gào đó cũng tan vào sa mạc mất rồi; khi ngay chính trên báo chí, diễn đàn hải ngoại có khá nhiều nhà văn, nhà báo vẫn cứ vô tình sử dụng nhưng ngôn từ quái lạ đó.

Đã vài lần, chúng tôi chỉ muốn bỏ cuộc, bỏ qua cho nó xong. Ai gửi bài vở thì xem qua một đoạn; thấy êm tai thì đọc tiếp, không thì thẳng tay xóa bỏ và ngăn chặn những người gửi bài để khỏi khó chịu trong tương lai.

Chúng tôi lấy làm lạ! Là nhà văn nhà báo; là những vị tiền phong hướng dẫn dư luận không chỉ về nội dung mà còn về hình thức ngôn từ, văn phong và văn phạm. Khi sắp đặt bút viết một lời, một câu; chắc họ phải có sự lựa chọn sao cho câu văn thông suốt, truyền tải đúng ý mình. Họ cũng phải lựa chọn chữ cho chính xác với ý nghĩa và êm tai. Tiếng Việt cũng thâm thúy lắm. Nó có những tính từ, trạng từ và mạo từ thích hợp cho từng danh từ; cho từng loại vật chất cụ thể, hay hình ảnh trừu tượng. Khi họ viết ra hai chữ “Cụm Từ” vào trong bài; chẳng lẽ họ vô tình đến độ không cảm thấy sự thô lậu cửa hai chữ “Cụm Từ” này? Không ngăn kịp thời, có ngày sẽ có người viết và nói một đống thơ, một bài văn, một bó nhạc…

Chúng tôi xin nhắc lại – không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu – những chữ “Cụm, Đống, Bó, Chùm….” chỉ nên dùng cho các thứ vật mà chỉ nghe đến, là hình dung ngay sự kết hợp của chúng ra sao. Chữ Cụm (đống nhỏ) cho chúng ta hình ảnh những vật gom lại với nhau vô trật tự. Nếu có sự sắp xếp, thì đó là Chùm, Bó…

Ví dụ: Đống củi, đống tro, cụm lông, cụm tóc; những chùm hoa, chùm bong bóng, chùm đèn (Hình 1).

 

 

Còn khi nói về lời hay chữ – ví dụ hai chữ “Chiến Lược”, bốn chữ “Hòa Hợp Hòa Giải” – chúng ta thấy những chữ này nối tiếp nhau theo một thứ tự chứ có chồng chất lên nhau một cách hỗn độn như các chữ cắt ra từ giấy cứng rồi dồn vào với nhau thành một đống nhỏ đâu! Trong hình 2 bên dưới thì rõ ràng đó là cụm. Nhưng là cụm chữ không phải cụm từ!

 

 

Ghi chú; Tiếng Anh thì chữ Word có thể dùng cho lời nói và chữ viết. Nhưng trong Hán tự, “Từ” và “Tự” khác nhau. “Từ” là lời từ miệng phát ra, còn “Tự “ là chữ, tức lá à lời được ghi xuống thành chữ.

Sau bài này, người viết sẽ tạm im tiếng vì cảm thấy rất mệt mỏi, thất vọng vì không đủ khả năng thuyết phục được ai!

Sinh nhật thứ 77.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Xuân về, nhớ Quê Hương

Do Van Tien

VNTB – Chuyện ‘câu – chữ’ trong lập luận của quan chức xứ Việt

Phan Thanh Hung

VNTB – Nói Chuyện Tác Phẩm và Tác Quyền 

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.