VNTB – ​Lại loay hoay định hướng xã hội chủ nghĩa với ngành xăng dầu?

VNTB – ​Lại loay hoay định hướng xã hội chủ nghĩa với ngành xăng dầu?

 

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng tối đa ở ba đầu mối kinh doanh xăng dầu

 

Bộ Công thương đang đưa ra dự thảo sửa đổi nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Một trong những nội dung sửa đổi của nghị định là quyền được mua hàng của các thương nhân phân phối, theo dự thảo là chỉ giới hạn trong ba thương nhân đầu mối.

Phương thức điều hành giá không thể là mệnh lệnh duy ý chí

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.

Thứ nhất, ngay trước mỗi kỳ điều chỉnh giá có tình trạng găm hàng hoặc cố tình nhập hàng nhỏ giọt dẫn đến thiếu hụt đã diễn ra từ lâu. Sự thiếu hụt này chỉ diễn ra vài ngày trước mỗi kỳ điều hành giá và hết ngay khi giá trong nước được điều chỉnh theo giá thế giới.

Trước đây, khi giá xăng dầu thế giới ít biến động, giá điều hành không khác nhiều so với giá thế giới nên sự thiếu hụt xăng trước mỗi kỳ điều chỉnh diễn ra không phổ biến. Tuy nhiên, khi giá thế giới biến động mạnh như trong nửa cuối năm 2022 thì tình trạng này lan rộng và gây tác động lớn đến xã hội.

Thứ hai, gần đây bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt xăng dầu ngay cả sau khi điều hành giá. Điều này là do các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (premium, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, chi phí lãi vay, và các chi phí phát sinh khác) trong năm 2022 nhưng chưa kịp phản ánh trong giá điều hành.

Thời gian qua, Bộ Công thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối và tổng đại lý

Bộ Công Thương dự định sẽ bổ sung quy định thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của 03 thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác. Quy định này được thuyết minh là nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân đầu mối cung cấp hàng cho các thương nhân phân phối khi nguồn cung xăng dầu khó khăn.

VCCI cho rằng lo ngại này là không thực sự cần thiết. Nếu bối cảnh nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn thì việc các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng trong hệ thống của mình hay bán cho các thương nhân phân phối khác cũng không làm thay đổi tổng thể nguồn cung trên thị trường.

Để xử lý vấn đề các bên găm hàng thì cần tăng tính linh hoạt của thị trường nhằm tạo thuận lợi cho các thương nhân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, chứ không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối. Quan trọng hơn là chính sách cần xử lý vấn đề giá cả để các bên có động lực kinh doanh. Còn nếu nguồn cung thế giới đã thiếu hoặc giá bị định quá thấp thì thương nhân đầu mối bán hàng cho ai cũng không có nhiều khác biệt.

Ông Hoàng Trung Dũng, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng nếu chỉ cho thương nhân phân phối mua từ ba đầu mối là vi phạm Luật thương mại, Luật cạnh tranh.

“Mọi doanh nghiệp có quyền bình đẳng, mua bán những gì pháp luật không cấm. Anh không thể cấm tôi mua chỉ ba ông, trường hợp các đầu mối này bắt tay với nhau, trong khi hiện nay chỉ có 33 đầu mối. Sửa đổi như vậy thì coi như không sửa, trao cho thương nhân đầu mối nhiều đặc quyền, đặc lợi vô hình, có thể dẫn tới méo mó thị trường xăng dầu”, ông Dũng nêu.

Công ty TNHH đầu tư và phát triển xuất nhập khẩu Toàn Thắng cũng cho rằng việc buộc thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng tối đa ở ba đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ ảnh hưởng tới việc tạo nguồn cung, chưa đảm bảo sự cạnh tranh.

“Nếu các đầu mối này bị cơ quan quản lý xử phạt, đình chỉ giấy phép khi xảy ra sai phạm như thời gian qua sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung cấp do bị đứt nguồn”, đơn vị này bày tỏ lo ngại.

Theo Công ty TNHH Petro-SG, với việc chỉ được lấy hàng từ ba đầu mối, mức chiết khấu sẽ bị thương nhân đầu mối áp đặt, ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng.

Công ty BK Petro cho rằng việc buộc thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ ba nguồn là đi ngược lại chủ trương chống độc quyền, thúc đẩy cạnh tranh.

Do đó, các doanh nghiệp phân phối kiến nghị cần giữ nguyên quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, giữ thời gian điều chỉnh giá là 15 ngày. Kéo dài thời gian sửa đổi bổ sung nghị định, lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng tối đa ở ba đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đó là một đề xuất được kiến giải là tuân thủ thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa (!?)


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)