VNTB – Lại phải góp ý với người chống … ” cuồng Trump”*

VNTB – Lại phải góp ý với người chống … ” cuồng Trump”*

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

 

(VNTB) – Ra tù, tôi liền lặn hụp suốt ngày trên mạng để nắm bắt thông tin, nghiền ngẫm. Một điều đáng ngạc nhiên là những tranh cãi về ông Trump. 

 

Mở blog, FB, viết một số bài báo, nhưng sau một năm tôi mới viết một bài thật công phu về chủ đề “Trump”. Chủ yếu trong đó bàn về lý do tranh cãi của người Việt và góp ý về thái độ ứng xử khi trao đổi về “Trump”. (1)

Thêm nửa năm nữa, tôi viết một bài về “hiện tượng Trump” liên quan tới Việt Nam, là Chủ quyền, Dân chủ và Kinh tế. (2)

Cách đây vài hôm, tôi có một bài, tập trung bàn về “văn hóa tranh luận” quanh “hiện tượng Trump”, không chỉ riêng trong người Việt. (3)

Ngoài ra, còn có nhiều bình luận ngắn (lời bạt) đăng liền với các bài viết về vấn đề Trump, chủ yếu góp ý thái độ, phương pháp tranh luận trong các bài đó. (4)

Hôm nay chợt thấy một bài viết của ông B phê phán rất nặng lời ông A về một câu văn (mà ông B gọi là “bài viết”), cùng trên FB, vẫn về chủ đề Trump. Cả hai ông tôi đều quen biết và quý trọng công việc họ đang làm, nên thấy đáng tiếc. Tôi chia sẻ lên FB bài viết đó, cùng chỉ một câu bình “Một cách phản ứng rất không nên, không đáng có”.

Nghĩ kỹ, quyết định viết thêm vài lời góp ý, vì thấy tình trạng người Việt, đặc biệt trong giới trí thức, cứ nặng lời với nhau trong vụ Trump, thật không hay chút nào.

 

Về một câu của ông A

Câu đó thế này: “Đương kim TT Trump phát hiện điểm bầu cử của DC gian lận, phải kiện lên tòa án để điều tra xét xử. VN á, lệnh CA đến xích tay luôn!”, đăng trên FB cá nhân của ông A.

Câu này có 2 vế. 

Riêng vế thứ hai, ông B không phản đối, chỉ cho là ông A đã dùng câu đó để “chỉ trích cái xấu này bằng việc đưa tin không đúng”, là “không nên”.

Còn vế đầu, “Đương kim TT Trump phát hiện điểm bầu cử của DC gian lận, phải kiện lên tòa án để điều tra xét xử”, thì đúng là có … “nhạy cảm”, và đó cũng là nguyên nhân chính làm nổ bùng bài viết khá dài, rất nặng lời của ông B. 

Theo tôi, câu đó có thể được nhìn nhận là tác giả có vẻ tin vào việc có “gian lận” bầu cử, tin vào việc “phát hiện” của TT Trump. 

Trước hết, việc “tin” như vậy là quyền rất bình thường của ông A, còn khẳng định chắc chắn hay không thì chính ông cũng biết, và đã viết trong đó, là cần đến tòa án. 

Có chăng chỉ có thể cho là ông A viết thiếu cẩn trọng, hoặc ông “tin” như vậy là hơi vội. Muốn “nghiêm khắc” hơn thì có thể bảo ông là “ngây thơ”, hay viết lách ẩu. Đâu đến nỗi  ghê gớm tới độ phải “nâng cao lập trường quan điểm” làm gì?

Nếu như ông A chỉ cần thêm vào mấy dấu ngoặc kép, hay chỉ một dấu hỏi để trong ngoặc đơn – (?), thì sẽ ổn cả. Nó sẽ là:

“Đương kim TT Trump “phát hiện” điểm bầu cử của DC “gian lận”, hoặc:

“Đương kim TT Trump phát hiện điểm bầu cử của DC gian lận (?)”.

 

Về bài viết của ông B

Quá nặng nề và nhiều suy diễn chủ quan, quy chụp. Riêng việc viện ra tới học hàm học vị của ông A để làm “điểm nhấn” cho lời phê phán cũng đã là không nên.

Chỉ xin trích vài câu:

Tuy ông nói ông không cuồng Trump nhưng ra mặt ủng hộ con người tồi tệ này”. Câu này có mấy điểm không ổn:

 “… ra mặt ủng hộ”, là quá võ đoán, và hơn nữa, tỏ ra … quá vội. Bởi mới một câu như vậy mà đã là “ra mặt” sao? Rồi “ủng hộ” trên khía cạnh nào nữa, hay chỉ riêng chuyện “gian lận” bầu cử? Không rõ. 

Rồi “con người tồi tệ” là khẳng định của riêng ông B hay … cả nước Mỹ? Tác giả thừa biết cả hai kỳ bầu cử, phân nửa nước Mỹ đã “ủng hộ” “con người tồi tệ này” cơ mà? Có phải quá nửa người Việt ở Mỹ không tin là ông Trump “tồi tệ”, mà là … ngược lại không? Tất cả trong số họ có đáng bị chỉ trích nặng lời không? Chưa nói tới chuyện trong số nửa triệu người Việt “ủng hộ” ông Trump đó, có không biết bao nhiêu người mà chúng ta, tôi, ông A, ông B phải ngưỡng mộ về tinh thần và công trạng đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội. Họ kém cỏi, cũng “tệ” cả sao?     

sẽ là một điều hài hước không thú vị chút nào nếu một người cổ suý/đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam lại ủng hộ Donald Trump, một kẻ không tôn trọng các giá trị này, chỉ vì Trump có vẻ đánh Tàu cộng.”

Cả đoạn trên có một loạt điểm không ổn về cách lập luận. 

Một điểm “không ổn” tựa như phân tích ở câu trên, đó là sự “ủng hộ” của ông A là ủng hộ cái gì với ông Trump, mà nó lại gây “hài hước”? Nó có liên quan gì tới việc ông Trump “không tôn trọng các giá trị” “nhân quyền” (theo tác giả) hay không?

Một “không ổn” nữa là làm thế nào mà ông B lại có thể buộc ông A tin vào nhận định của mình, rằng ông Trump “không tôn trọng các giá trị” “nhân quyền và dân chủ”? Nếu ông A cũng nhìn nhận như ông B như vậy về TT Trump, nhưng lại vẫn tin vào lời ông Trump là có “gian lận” trong bầu cử thì ông B nghĩ sao? Hoặc nếu ông A không tin là ông Trump “không tôn trọng các giá trị” “nhân quyền và dân chủ” (như ông B đoán) thì ông ấy thể hiện “hài hước không thú vị chút nào” ư? 

Đó là một lối nhìn nhận nguy hiểm mà người ta hay nhắc tới, gọi là “độc quyền chân lý”. Ta cho là thế này, ta khẳng định nó là chân lý, ai không nghe theo thì đó là kẻ đáng lên án. Chắc không cần phải đi sâu về vị thế của ông B rất cần đến thế nào để tránh vô tình vướng vào cái tật này. 

“Không ổn” thứ ba ở hai chữ “”chỉ vì”. Đọc toàn câu, lại có thể thấy có vẻ như ông B đã mở ra cho ông A một … “lối thoát”, rằng theo ông B, ông A cũng biết Trump “không tôn trọng” “nhân quyền” đấy, nhưng “chỉ vì Trump có vẻ đánh Tàu cộng” nên ông A đã tin vào lời Trump về “gian lận” trong bầu cử. Sao có thể từ mấy chữ “gian lận” bầu cử mà có thể luận ra rất xa về “đánh Tàu cộng” được nhỉ? Lại còn hiểu sâu vào tận … tâm can ông A đến vậy được? Bó tay hoàn toàn! 

Vẫn nhiều nội dung đáng bàn trong bài, như về nhận định của tác giả về trách nhiệm/quyền hạn của Trump trong đối nội, nó đầy vẻ “đơn giản hóa” vấn đề quá, chưa nói tới kiến thức của ông B về xã hội, pháp luật, chính trị Mỹ. Nhưng không muốn ra ngoài lề nhiều, nên xin bỏ qua. 

Dường như chưa yên tâm về sức thuyết phục của “chân lý” mình khẳng định về Trump, tác giả còn bổ sung một câu bình luận của một người nào đó, rằng Trump là “một tên lưu manh, vô học, và hạ lưu về nhân cách và kém cỏi về năng lực điều hành một đất nước không xứng đáng cho những người đấu tranh tử tế, nhưng “xứng đáng” theo nhiều cách với bọn đấu tranh lưu manh, vô học và hạ lưu như y”.  (Thật là tội nghiệp cho cả nước Mỹ đang phải sống lầm than, nhỉ!?). Chưa hết, ông B còn đăng thêm liền theo bài của mình một bài viết công phu của một vị khá nổi tiếng, đánh giá rất tồi tệ về Trump.  

Tuy nhiên, ông B còn có nhắc tới phản hồi nào đó của ông A, nhận xét ông B là “lú lẫn”. Để khách quan hơn, tôi lần tìm trong các phản hồi trên FB của ông A, xem hai ông đã trao đổi những gì thì không tìm thấy nội dung đó. Đây là một kinh nghiệm cho ông B khi viết bài, nên dẫn chứng đầy đủ cả câu phản hồi mà ông đề cập.

 

Mặt trái mạng xã hội

Sau khi ra tù mấy tháng, tôi và ông B có một cuộc chuyện trò qua điện thoại khá dài. Ông tỏ ra không vui khi mấy năm nay các báo mạng tự do ngày càng ít những bài viết chất lượng. 

Tôi thì nghĩ khác chút, là tuy báo mạng có đi xuống nhiều, nhưng cũng cần thấy nó bị mạng xã hội lôi cuốn mất người đọc, người viết; và mừng là từ chỗ đang có hàng chục cây viết “chuyên” trên báo mạng, thì giờ đây có hàng ngàn, vạn cây viết “nghiệp dư” không kém hiệu quả. Họ đang tập dượt làm nhà báo. Một cuộc “chiến tranh nhân dân” về ngôn luận đã thành hình. Tôi gợi ý ông B nên lưu tâm “trận địa” này. 

Có điều, mặt trái mạng xã hội là nó làm người ta dễ dãi hơn khi viết, dần coi nhẹ, sao lãng với tầm quan trọng của việc cùng nhau nâng cao dân trí. Thêm nữa, việc thụ hưởng cái sản phẩm (có thể) “dễ dãi” đó cũng thường … dễ dãi nữa, bằng những phản hồi tức thời, ngắn gọn, nặng về cảm xúc, nhưng vẫn được nhiều người đọc và trao đổi. Hậu quả cho một câu viết không kín kẽ là khôn lường.

Với những người đã có “số má” trên mạng xã hội, có một thứ “thuốc độc”/”ma túy” cho họ, cứ ngấm dần vào lúc nào không biết. Nó chính là thứ quyền lực vô hình, để rồi một khi bị thách thức, coi thường thì họ dễ phản ứng thiếu kiểm soát. Có lẽ ông B đã bị “ngộ độc” bởi hàng loạt phản hồi nóng nảy, có cả thô bạo của các độc giả đối với ông, nên thêm “liều thuốc kích thích” tai hại cho bài viết.

Nếu như cả hai ông A và B đều ý thức hơn nữa về những mặt trái này thì có lẽ không nên nỗi.

Liên quan tới những người dấn thân tranh đấu cho sự tiến bộ xã hội, có ảnh hưởng nhiều trên mạng, tôi cũng đã có một bài viết. (5)

 

Kinh nghiệm của riêng tôi

Tôi cùng Nhà báo T. từ lâu có quan hệ rất thân tình, nhưng riêng về vấn đề Trump, chúng tôi khác nhau. Ông chống Trump kịch liệt. 

Thế nhưng, chúng tôi thống nhất với nhau là không trao đổi về chủ đề đó. Cho nên, chúng tôi vẫn thường xuyên điện thoại, trò chuyện hàng giờ vui vẻ về đủ các chủ đề liên quan chính trị Việt Nam.

Tôi mong là mọi người Việt, nhất là các trí thức tiến bộ cũng chia sẻ phần nào đó suy nghĩ và cách hành xử của chúng tôi. 

Với mạng xã hội, đã từng có FB Ba Sàm đi kèm với blog Ba Sàm (cũ) từ khi tôi chưa vào tù, nhưng tôi không trực tiếp quản lý. Một lý do trong đó là tôi không có cảm tình với FB. 

Nhưng sau 5 năm, ra tù, tôi choáng ngợp với FB, và quyết định mình phải tham gia, tận dụng các thế mạnh của nó, chú ý tránh mặt trái. 

Cũng như muôn vàn thứ tiện nghi trong cuộc sống này, chúng là của ta, nhưng không khéo có ngày ta lại bị nó chi phối, bắt làm “nô lệ”.

 

Hà Nội, ngày 06/11/2020

_________________

Ghi chú:

  1. 743. “Cuồng Trump”, “cuồng chống Trump”, và …
  2. 1725. VN và bầu cử Mỹ: TT Trump làm ‘Ý Đảng gần lại lòng Dân’?
  3. 1733. “Có Trump” hay “không Trump” cũng vẫn vui
  4. Trong các bài:

670. Đạo diễn Song Chi khuyên những người ủng hộ TT Trump

687. Phong trào dân chủ cho Việt Nam đi về đâu?

688. PHONG TRÀO VẬN ĐỘNG DÂN CHỦ Ở HẢI NGOẠI ĐANG PHÁ SẢN VÌ NẠN CUỒNG TRUMP

796. Người Việt nay mai đừng trách ông Trump

1200. Góp ý với trang Đàn chim Việt: đừng quá “vơ bèo gạt tép” khi chọn đăng bài

537. Đã dấn thân càng phải tu thân.

 

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)