VNTB – Lãi suất thực dương là rào cản khiến khó hạ lãi suất vay làm ăn?

VNTB – Lãi suất thực dương là rào cản khiến khó hạ lãi suất vay làm ăn?

Hàn Lam

(VNTB) – Áp lực lạm phát hiện hữu, tiềm ẩn và người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên các ngân hàng khó giảm lãi suất.

 

Nhận định về những áp lực từ thị trường tài chính tới các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2023, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, những áp lực từ thị trường tài chính nói chung mà giới kinh doanh đang đối mặt là: áp lực trả nợ vay và lãi vay do sản xuất kinh doanh khó khăn; Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao; nhu cầu vốn lớn cho chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh doanh tuần hoàn, truy soát nguồn gốc về lao động và môi trường để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như EU, Mỹ…

Theo ông Trương Văn Cẩm, áp lực tài chính năm nay lớn hơn nhiều so với năm 2022. Bởi vì, 6 tháng đầu năm 2022 tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khá thuận lợi, đơn hàng dồi dào, giá tốt. Mặc dù từ cuối quý II/2022 các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng nhìn tổng thể cả năm chưa phải là một bức tranh ảm đạm.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, áp lực tài chính xuất hiện từ cuối năm 2022 tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp phải sử dụng các nguồn dự trữ hoặc đã phải sa thải nhân công, giảm giờ làm, sản xuất cầm chừng để duy trì lực lượng lao động.

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4-2023 của FiinRatings vừa công bố cho thấy thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn khi hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp của doanh nghiệp giảm mạnh.

Theo đó, sau tháng 3 sôi động, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4 chỉ ghi nhận duy nhất lô trái phiếu riêng lẻ trị giá 671 tỉ đồng của Công ty cổ phần North Star Holdings, dẫn đến quy mô phát hành của tháng chỉ tương đương 2,5% so với tháng trước và 2,25% so với cùng kiỳ năm trước. Lô trái phiếu duy nhất này thuộc nhóm ngành bất động sản có kỳ hạn 16 tháng với lãi suất 14%/ năm – đây cũng là mức lãi suất danh nghĩa cao nhất được ghi nhận từ đầu năm đến nay ở Việt Nam.

Hoạt động mua lại trái phiếu giảm chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại tại thời điểm tháng 4-2023. Các ngân hàng mua lại trái phiếu nhiều nhất là VIB, Sacombank, VPBank, BIDV. Hầu hết các lô trái phiếu được ngân hàng mua lại có kỳ hạn 3 năm và có thời gian đáo hạn còn lại còn 1-2 năm.

Trong thông cáo phát đi sáng 17-5-2023, Ngân hàng Nhà nước cho hay hiện chênh lệch tiền gửi và cho vay bằng VND lên đến 167.000 tỷ đồng, hệ số sử dụng vốn lên đến 101,45%. Ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Đây chính là lý do để giải đáp câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp người dân quan tâm, đó là vì sao lãi suất cho vay giảm quá chậm?

Theo Ngân hàng Nhà nước, kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng. Tỷ lệ tín dụng/ GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%, trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Hiện khoảng 88% tiền gửi là ngắn hạn (kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn. Điều này đã tạo nên sức ép lên lãi suất huy động.

Phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.

Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn và người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên các ngân hàng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào tăng cao. Huy động vốn đến ngày 27-4 chỉ tăng 1,78%, chỉ bằng hơn một nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%. Thêm vào đó, thông tư số 02 mới ban hành cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn.

“Tức là ngân hàng chưa thu nợ khi đến hạn trong khi vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế. Từ đó gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất”, Ngân hàng Nhà nước lý giải.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ tháng 8-2017 đến 1-2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 416.000 tỷ đồng nợ xấu; trung bình khoảng 6.300 tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 – 2017 là khoảng 3.500 tỷ đồng/tháng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)