VNTB – Làm ăn đang chồng chất khó khăn vì đại dịch

VNTB – Làm ăn đang chồng chất khó khăn vì đại dịch

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Thủ tướng chính phủ đã quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0g ngày 22-3-2020. Tất cả trường hợp mang giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân cũng tạm dừng nhập cảnh.

 

Như vậy các đối tác làm ăn từ nước ngoài cũng không thể đến Việt Nam cho xúc tiến mua bán những đơn hàng.

Tình hình chung hiện nay, theo một báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lượng hàng thành phẩm tồn kho lớn, nhiều lô hàng xuất – nhập đang bị trì hoãn, khách hàng chậm thanh toán ảnh hưởng tới vòng quay vốn lưu động và lịch thanh toán nợ vay đến hạn trong tháng 3 – 4 – 5/2020, doanh thu xuất khẩu cũng đã giảm đáng kể.

Báo cáo của VASEP viết: “Đối với một số thị trường Châu Á như hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bị chậm chễ do thời gian xuất hàng kéo dài. Riêng tại Hàn Quốc, một số khách hàng đã từ chối thực hiện đơn hàng mới, khách hàng cũ cũng giảm lượng nhập do dịch bệnh.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn vay ngân hàng lớn trong khi các ngân hàng lại đưa ra rất nhiều tiêu chí khó thực hiện. Ví dụ như, yêu cầu phải tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, chứng từ giải ngân đảm bảo tính pháp lý và phương án kinh doanh rõ ràng. Ngoài ra, còn có một số quy định khác như: dùng hàng hóa hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp cho khoản dư nợ vay chưa có tài sản đảm bảo.

Ngân hàng cũng chỉ mở hạn mức tín dụng theo hợp đồng có thời hạn 01 năm và cho vay với lãi suất cao đối với các Ngân hàng thương mại và các khoản vay trung – dài hạn: 7%/năm với ngân hàng thương mại lớn, 10,5%/ năm với ngân hàng thương mại nhỏ; lãi suất vay VNĐ từ 6% – 8,5%, lãi suất vay USD từ 4% – 4,5%. Phần lớn các doanh nghiệp đề xuất, mức lãi suất phù hợp VND trong giai đoạn khó khăn nay nên từ 3% – 6,5% và mức lãi suất phù hợp với USD là từ 1,5% – 2,8%.

Ngoài ra, so với các năm trước, hiện nay cũng phát sinh thêm nhiều khoản phí mà doanh nghiệp phải gánh thêm như:  Phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin phí gởi hồ sơ (đặc biệt là phí báo có nước ngoài, trong nước)…

Doanh nghiệp cũng phải cam kết nguồn ngoại tệ về đúng ngân hàng đã cấp vốn, tương ứng hoặc nhiều hơn số vốn mà ngân hàng đó đã giải ngân, phải có hợp đồng đầu ra nhiều hơn số tiền đề nghị cấp vốn tại thời điểm đề nghị cấp vốn, thủ tục khác…”.

Một chủ doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng nói rằng cách vận hành về thị trường vốn của Việt Nam nên ‘người sao – ta vậy’. Có nghĩa thị trường tài chính ở những quốc gia Tây Âu, Mỹ được vận hành ra sao thì Việt Nam cũng nên theo nhịp chung toàn cầu, đừng vì bảo thủ của một đường lối riêng gọi là ‘thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa’, rồi phân biệt với những chính sách khác nhau trong xét khách hàng là quốc doanh, hay tư nhân.

Đơn cử, trong giai đoạn khó khăn hiện nay cả về phía ngân hàng, cần thiết về một gói tín dụng lãi suất thích hợp nhỏ hơn 5%/ năm dành cho khách hàng doanh nghiệp sản xuất vay; đồng thời giảm thiểu phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ, cũng như giảm lãi suất tiền vay cho tất cả các khoản vay giải ngân từ ngày 01-02-2020.

Ngoài ra cần cho vay dự trữ  hàng hóa qua xét cho vay tín chấp, để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời; tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng; Chấp nhận cho vay chiết khấu các bộ hồ sơ thanh toán quốc tế qua các điều kiện và hình thức thanh toán quốc tế: L/C., D/P., TTr…

Lưu ý, tỷ giá hối đoái bất ngờ tăng cao cũng là một khó khăn không dễ vượt qua trong việc thanh toán các khoản nợ vay ngoại tệ ở thời điểm dịch Covid-19 được dự báo sẽ rất căng thẳng trong 10 ngày tới, với dự báo dịch có thể kéo dài rồi giảm dần trong 10 tuần lễ nữa.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)