Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Làm’ cái tiến sĩ để bổ sung lý lịch ‘thăng quan’?

Mai Lan

 

(VNTB) – 46 đời tổng thống Mỹ chỉ có một người có trình độ tiến sĩ.

 

12.000 tỷ đồng chi cho 9.000 tiến sĩ, vị chi, mỗi tiến sĩ cần 1,33 tỷ đồng. Như vậy, để có một tiến sĩ người nông dân sẽ tốn cỡ chừng 665 con heo, hay tương đương 88 con bò (?!)

Đó là câu chuyện thời giá hồi giữa tháng 11-2017, thông tin từ bản dự thảo đề án có tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng, với mục tiêu chính là trong vòng 8 năm (2018 – 2025) đào tạo, thu hút khoảng 9.000 tiến sĩ cho các trường đại học được báo chí đăng tải. Dòng tít ngắn gọn: “Chi 12.000 tỷ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ” nhanh chóng tạo “bão” trong dư luận, nhất là trên mạng xã hội.

Rất đơn giản, mỗi một giáo sư vừa là CEO (tổng giám đốc) phòng thí nghiệm của mình, vừa chính là con bò vắt ra… tiền cho trường/ viện nơi nhận đào tạo ra các tiến sĩ.

Vào khoảng đầu tháng 4/2016, cả xã hội nóng lên bởi câu chuyện “lò sản xuất tiến sĩ” ở Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) với phép tính “cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút ra một tiến sĩ” mà tới nay nhiều người vẫn còn nhắc tới, và đang trở lại thành thời sự khi cuối tháng 4-2022, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019.

Thanh tra Chính phủ nêu ra một số vi phạm như: Quy trình đào tạo thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn; không ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn. Đặc biệt, tại chương trình đào tạo thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành, còn trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện một số hồ sơ học viên chương trình đào tạo còn thiếu sót, có trường hợp giảng viên không đủ điều kiện tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ. Trong đó Thanh tra kết luận: “Có nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu. Sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh”.

Có một thực tế là sở dĩ nhiều người đổ xô đi học thạc sĩ, tiến sĩ có duyên cớ từ việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào bằng cấp. Đây không còn là một “luật ngầm” trong công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, mà đã được luật hóa trong các Luật Công chức và Luật Viên chức cũng như các văn bản liên quan. Cả hai luật này đều có các điều khoản quy định về những ưu tiên, đặc cách đối với đối tượng có bằng cấp cao như thạc sĩ và tiến sĩ.

Một người bạn học thuở hoa niên với người viết, hiện là giáo sư bậc đại học ở Mỹ (người bạn này là ‘dân vượt biên’ sau biến cố tháng 4-1975), có thời gian về giảng dạy ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM theo một chương trình hợp tác quốc tế gì đó, kể rằng ở xứ người để làm nghiên cứu sinh thì với sinh viên đến từ Việt Nam thường hay nhận lời khuyên chân tình vầy, “Ở đây người ta không quan tâm tới giải pháp cho Việt Nam. Chúng tôi quan tâm tới cái gì đúng cho mọi quốc gia, mọi nơi, mọi lúc”.

Phần lớn tiến sĩ – trong tiếng Anh là Doctor of Philosophy, hay viết tắt là PhD, được xem là bằng cấp cao nhất trong lĩnh vực học thuật, tại các nước phát triển sẽ trở thành giảng viên đại học, thực chất bao hàm hai nhiệm vụ: tạo ra tri thức (nghiên cứu) và truyền bá tri thức (dạy học). Chính điều này làm cho giảng viên đại học khác với giáo viên các bậc dưới – những cấp mà họ chỉ cần tập trung vào việc dạy.

Cũng có số ít tiến sĩ sau đó ra làm trong doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp không thực sự cần tấm bằng tiến sĩ. Họ cần người làm thực tế, tính toán và hành động để đạt mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp.

“Hồi mới trở lại Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi nghe rằng những vị chính khách như tổng bí thư, một số bộ trưởng được giới thiệu kèm học vị tiến sĩ, thậm chí còn luôn cả học hàm giáo sư.

Rồi tôi bỏ công tìm hiểu thì không thấy họ tham gia giảng dạy ở các trường đại học nào, chuyên ngành hẹp là gì? Chính điều này nên rất khó trách các quan chức cấp nhỏ hơn đang ráng kiếm cái văn bằng công nhận tiến sĩ!” – người bạn học cũ, nhận xét và lưu ý rằng, 46 đời tổng thống Mỹ chỉ có một người có trình độ tiến sĩ.

Còn ở Việt Nam, số lượng người làm cơ quan quản lý, làm hành chính có học vị tiến sĩ đang quá nhiều.


Tin bài liên quan:

VNTB – Giả sử lấy mẫu xét nghiệm tất cả khách sắp rời Đà Nẵng

Phan Thanh Hung

VNTB – Trường học là gì?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Chứng chỉ tiếng anh: đổi tên làm gì cho khổ!

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo