L.Trân Ký
(VNTB) Hãy cảnh giác trước thủ lĩnh đánh trống trận thúc giục nhân dân lao vào một cơn sốt yêu nước, bởi chủ nghĩa yêu nước thực sự là một thanh kiếm hai lưỡi. Nó [chủ nghĩa yêu nước] khiến máu chúng ta sôi lên, nhưng cũng đồng thời khiến tầm nhìn chúng ta thu hẹp lại…
— William Shakespeare
Lậm lòng yêu nước
Tại Việt Nam, có một thứ ít ai muốn chạm đến nó, bóc tách nó. Đó là lòng yêu nước.
Nhiều người ví von điều đó như luận thuyết của chủ nghĩa Marx vậy, không một người Cộng sản nào đương quyền có thể phản biện lại được. Lý do không phải nằm ở trình độ kiến giải, mà nó nằm ở chỗ người ta không muốn đi sâu, bóc tách nó trong thực tiễn xã hội hiện tại cả để tránh nhận ra đằng sau nó là gì?
Ở Việt Nam, lòng yêu nước không còn là ngôn từ diễn đạt, mà nó dần biến thành một công cụ, phương pháp để trục lợi (cá nhân/nhóm người).
Yêu nước có nhiều nghịch lý. Biếm họa: Internet. |
Ở tầm quốc gia là sự lợi dụng trắng trợn lòng yêu nước để bó buộc người công dân vào thể chế. Bất kỳ ai chống lại thể chế nghĩa là người đó không yêu nước. Và yêu nước phải luôn gắn với sự “tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; trung thành, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH”. Khi lòng yêu nước ấy càng giữ vững bao nhiêu, thì khi đó mặc định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự kiên định mục tiêu CNXH càng được giữ vững bấy nhiêu.
Ở tầm hành xử quan chức thì lòng yêu nước khuyến khích người dân cam chịu những quyết định, chính sách sai lầm của chính họ. Không ít người nhớ đến ông Bộ trưởng Bộ GTVT – Đinh La Thăng qua phát ngôn trong cuộc gặp báo chí vào chiều tối 03/04/2012 khi ông cho rằng: “Việc đóng phí thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào”. Người dân nếu lỡ tin vào lòng yêu nước hẳn sẽ cố gắng tỏ ra “hạnh phúc & tự hào” trước hàng trăm thứ phí đổ lên đầu, trong đó không thể không kể đến rừng trạm thu phí mọc trên đường lộ 1A mà chủ sở hữu là Bộ GTVT.
Ở tầm thương gia Việt, người ta lợi dụng lòng yêu nước để phục vụ lợi ích cá nhân, o ép người dùng sản phẩm để gia tăng lợi nhuận công ty, mặc dù sản phẩm đó là sự pha của hóa chất. Điển hình là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971) – người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là “Vua Cà phê Việt Nam” tuyên bố: “Ai uống Starbucks là sính ngoại, là không yêu nước”. Có lẽ ông “vua café” muốn theo lối cụ Bạch Thái Bưởi, nhưng có vẻ ông vua đã không thể hiểu hết hoàn cảnh thực nghiệp lúc đó, đặc biệt là văn hóa kinh doanh của cụ, nhất là khi cụ cho ra đời tờ “Khai hóa nhật báo”.
Ở mặt truyền thông, một cuộc bình chọn vô bổ cách đây vài năm mang cái tên mỹ miều “New 7 wonders of the world” cũng được vô vàn quan chức ở các cấp, các ngành thi nhau cổ vũ người dân mọi lứa tuổi nhắn tin, trong đó có ông Huỳnh Văn Nam (Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM) với “Bầu chọn Hạ Long cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước của bạn”. Kết quả, tiền tin nhắn bình chọn để thể hiện lòng yêu nước đã rơi vào túi của không ít người Việt (trong đó không thiếu các vị bên truyền thông, quan chức) nắm bắt được ý tưởng “kinh doanh” của một người Canada gốc Thụy Sĩ tên là Bernard Weber.
Đôi khi người ta lợi dụng lòng yêu nước một cách quá lộ liễu, cứ như dự thảo của Bộ Nội vụ khi quy định “các cán bộ quản lý cấp cao phải có lòng yêu nước sâu sắc” khiến nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đặt câu hỏi: “Làm sao để đong đếm được lòng yêu nước?”
Người Việt lâu nay cứ ảo tưởng về lòng yêu nước, như một bài văn mẫu, mỗi khi ai hỏi thì sẽ nhận được câu trả lời tắp lự: “lòng yêu nước là thứ vũ khí mạnh nhất mà dân tộc Việt Nam sở hữu”, nên những người khôn ngoan hơn tìm cách đánh vào cái tâm lý “yêu nước” đó để trục lợi và coi đó là nguồn tài nguyên khai thác, thay vì dung dưỡng nó. Vì vậy mới nảy sinh ra lòng yêu nước quá khích, cực đoan, hời hợt, lấp liếm, phô trương…
Nghịch lý lòng yêu nước
NGỊCH LÝ này tôi xin tập trung vào các vị quan chức Việt vì các vị ấy nắm cái Quyền trong tay, có thể tạo ra chính sách, có thể thay đổi môi trường xã hội từ tốt sang xấu và ngược lại. Có thể dung dưỡng lòng yêu nước hoặc lợi dụng, phá hoại lòng yêu nước của người Việt. Lòng yêu nước của hơn 90 triệu dân ra tròn méo ra sao cũng có phần góp sức không nhỏ của mấy chục vạn công chức các cấp, của mười mấy vị cấp T.Ư đó.
Xét từ thời kỳ mở cửa ra đến nay (1986-2014) thì lòng yêu nước được biến dạng dưới nhiều hình thức.
Từ lòng yêu nước mang màu sắc đấu tranh giai cấp, chống phản động, tiến hành công cuộc xây dựng XHCN. Những con người yêu nước là những con người mới của vườn hoa XHCN. Màu sắc yêu nước đó đến nay vẫn còn, nhưng không còn thực chất, nó chỉ là sự vay mượn tạm thời cái xác mà họ biết chắc là đã chết…
Lý do, quan chức thời XHCN ngày càng lạm quyền, sự suy thoái về mặt đạo đức ngày một trầm trọng. Tuy nhiên, đứng trước ống kính truyền thông, họ vẫn rao giảng đạo đức, lòng ái quốc… Vì họ có Quyền trong xã hội họ đang cơ cấu nên họ sắp đặt hoặc tạo cho mình cái quyền đó. Nhưng họ biết cái xã hội mà họ đang cai trị nó nháo nhào, lộn xộn như thế nào, cái lòng yêu nước thật hư ra sao và nó đẩy đưa khiến hiện tình quốc gia nguy khốn ra sao, nên họ tìm mọi cách đưa con cháu đi học trường quốc tế, lớn lên chút thì tìm cách đưa ra nước ngoài du học cả.
Nhiều người biện minh cho rằng, họ có quyền – có tiền, có tầm nhìn nên họ đưa con cái ra nước ngoài – nơi có môi trường học tập và sinh sống tốt hơn thì có gì đâu nghịch lý.
Nhưng họ không nghĩ rằng, chính những con người đó đã tạo ra cái môi trường sống & học tập tồi tệ này.
Đó hẳn là nghịch lý. Và bằng nhiều sự luồn lách khéo léo, họ bố trí – cơ cấu con cháu mình vào các chức vụ quản lý trong nhà nước khi về nước.
Cũng chỉ là tiếp tục tạo ra môi trường tồi tệ trong nước, đưa con cháu ra nước ngoài, và về tiếp tục cai trị. Cấp càng cao thì con đưa ra phương trời Tây càng đông. Quy trình đó đang ngày một tinh vi…
Qua đó, để thấy rằng có một nghịch lý không nhỏ của dân Việt, giữa lòng ái quốc & sự lũng đoạn cai trị, giữa lời nói & việc làm của những con người trong thể chế hiện nay.
Quan vậy… Dân thế. Cũng không có gì là lạ! Dẫn đến một thực trạng khá kỳ quái:
Đó là người Việt tìm cách giết nhau bằng thực phẩm độc hại. Họ sẵn sàng đổ thừa do Trung Quốc, cũng tự cho mình là người yêu nước với việc nộp thuế đầy đủ và không ai trong họ nhận ra là mình đã không còn yêu nước từ lúc o ép nông sản giá rẻ, ngâm thuốc giữ thực phẩm, kích thích rau lên nhanh, tăng trọng vật nuôi bằng thuốc….
Về phía tầng lớp thương nhân, một môi trường kinh doanh bị chèn ép bởi các tập đoàn – doanh nghiệp nhà nước, bao quanh tứ bề là các thứ thuế, luôn bị rình rập bởi các nhà quản lý – cảnh sát kinh tế… đã khiến cho không nhỏ doanh nhân tìm mọi cách để trốn thuế hoặc lách luật để đạt được lợi nhuận tối đa trên cơ sở khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên quốc gia nhằm bù đắp lại các “khoản phí” phát sinh do cơ chế xã hội đã lấy của họ. Không ít các vị này là doanh nhân tiêu biểu, anh hùng lao động, tập thể lao động xuất sắc… Tất nhiên nó được ghi trang trọng trên huân huy chương, bằng cúp khen, chứng nhận…
Lòng yêu nước là cái gì?
Lòng yêu nước được lợi dụng một cách khéo léo, che đậy bằng quyền, tiền, địa vị, dẫn đến việc lòng yêu nước trở thành thứ hàng hóa đặc biệt nhưng rẻ tiền dùng trong sự rao giảng, ban phát.
Diễn giả Trần Đăng Khoa cho rằng: “Yêu nước không phải là một tấm huân chương để trao cho người này hay tước của người khác, mà yêu nước là từng việc nhỏ bạn làm vì mình, vì người trong thời bình hay trong thời chiến”.
Do đó, khi lòng yêu nước bị lạm dụng để khoa trương cho mục đích nào đó. Ví như: Việt kiều yêu nước; nhà giáo yêu nước; nhắn tin yêu nước, nộp phí yêu nước… thì khi đó người viết có quyền nghĩ ngược lại.
Lòng yêu nước chỉ thực sự hiện hữu và phát huy được cái bền bỉ của nó không phải là đi từ khẩu hiệu hô hào sáo rỗng, các biểu ngữ giăng đầy mặt phố, hay những hành động phất cờ, hò hét, tin tưởng tuyệt đối, kêu gào, xỉ vả…
Lòng yêu nước với tôi là sự đấu tranh hàng ngày với bản thân, tránh rơi vào cái 3 không “không nghe, không biết, không thấy” về mặt chính trị – xã hội, tặc lưỡi cho qua những điều bất công trong cuộc sống…
Nghĩa là biết mình là ai, mình đang sống như một thực thể xã hội hay đang tồn tại như một sinh vật.
Chỉ có điều đó mới giúp chúng ta hình thành được một lòng yêu nước thực sự. Ví như ngăn chặn quốc nạn ăn cắp của người Việt. Mà gần đây nhất là dịch vụ buồng ngủ tại sân bay Nội bài sau mấy ngày hoạt động thì “một số thiết bị, đồ gia dụng của buồng ngủ Sleeppod đã bị khách hàng làm hỏng và các dây nguồn, dây nối tivi bị mất trộm” (theo đại diện Công ty cổ phần Du lịch Hàng không Việt Nam).
Và còn nhiều nhiều nữa những ví dụ đang tổn phá lòng yêu nước.
Khi người dân còn vậy, thì quan chức ăn chặn, tham nhũng, lạm quyền, tạo ra một chế độ độc đoán mà không gặp sự phản ứng từ số đông cũng không lấy gì là lạ. Như cụ Phan Châu Trinh từng chỉ ra: “Nước ta đã hư hèn bị mắc trong tay người ta rồi, thì bây giờ ta phải đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau, mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau”.
Người ta năm xưa là Pháp, thì người ta bây giờ là một nhóm người Việt, nhưng bản chất xã hội về mặt cai trị có gì khác nhau đâu. Thế nên, trong xã hội đầy rẫy những mối họa thì tự bản thân người Việt nên tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Bắt đầu từ việc nhỏ là không tiếp tay buôn bán thực phẩm có chứa hóa chất đến việc to hơn là góp tay xây dựng một xã hội mới, loại trừ cơ chế lợi dụng lòng yêu nước, rao giảng lòng yêu nước nhằm trục lợi.
Tất nhiên, chúng ta không quyền dạy nhau phải yêu nước thế nào, nhưng chúng ta phải nghiêm khắc chống lại các hành vi coi lòng yêu nước là cái mỏ quặng mà đào xới hết năm này qua năm khác. Đấu tranh chống lại luận điểm “bao cấp lòng yêu nước” mà TS Nguyễn Nhã chỉ ra, đó chính là giữ gìn, dung dưỡng được lòng yêu nước Việt.
Chỉ khi làm được điều đó, mới tránh được thói quen đến lúc nguy nan, ta mới nghĩ về lòng yêu nước của người Việt.
Chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới tránh phải ra “Dự luật về giáo dục lòng yêu nước cho các công dân” như ở Nga vào tháng 09/2013.
Chỉ khi làm được đó, thì ta không cần hội nghị Diên Hồng mới hiểu được lòng dân.
Khi ấy, lòng yêu nước khi ấy mới là thực sự và hữu dụng.
L.Trân Ký