Thạch Thảo (VNTB) Công chức Việt Nam vẫn gia tăng tại những vị trí trọng điểm.
Theo trang tin VNN, nhiều tỉnh thành tại Việt Nam đang lạm phát cấp phó. Trong đó, chỉ tính riêng Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã có 6 phó giám đốc, vượt tiêu chuẩn 3 người, Hà Tĩnh cũng đang có tới 7 PGĐ Sở NN&PTNT, Quảng Bình, số lượng PGĐ Sở NN&PTNT vượt quy định 1 người.
Việc bổ nhiệm PGĐ đều được tiến hành trước khi thông tư 14 có hiệu lực, VNN cho hay.
Theo Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT quy định cơ cấu tổ chức thuộc Sở NN&PTNT là có số lượng Phó Giám đốc Sở không quá 03 người.
Giải thích về điều này, một Chánh văn phòng thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, Thông tư 14 là quy định chung, nhưng để thực hiện cần phải căn cứ đặc điểm của Sở, tỉnh thành. Theo đó, Sở NN&PTNT Thanh Hóa dù có 7 PGĐ nhưng số lượng này được vị Chánh văn phòng đánh giá là “không thừa”, và còn thiếu.
Trước đó, vào tháng 11/2014, Bộ Nội Vụ từng lên tiếng về việc lạm phát cấp phó ở các Bộ và đề xuất giảm, tuy nhiên, sau đó Bộ này đã nhận được phản ứng từ các Bộ khác là “không đồng ý”. Và bản thân Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, dù quy định cứng mỗi bộ là có 4 thứ trưởng, nhưng cả Thủ tướng cũng cho rằng, nên có “cơ chế mềm” xuất phát từ nhu cầu các Bộ, ngành.
Sự lung túng này dẫn đến việc, lạm phát cấp phó kéo dài, và nhiều lần việc để xuất cứng về số lượng cấp phó đã không được quá bán ủng hộ, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết. Lý do nằm ở việc, “sức ép về hành chính họp hành nhiều” hơn là nhu cầu thực sự như Bộ Trưởng Bình thừa nhận. Bên cạnh đó, quan điểm căn cứ vào tình trạng thực tế là bình phong che đỡ cho việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại của không ít cơ quan, ban ngành nhà nước ở các cấp đã dẫn đến khái niệm “không thừa, mà còn thiếu”.
Trong một số liệu được công bố vào năm 2015 cho biết, việc tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức nhà nước theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế, sau nhiều năm thực hiện chẳng những không giảm mà ngày càng tăng. Nếu chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước thì tăng từ 238.668 năm 2007 lên 275.620 năm 2014 (tăng 36.952 người, tỷ lệ 15,48%). Điều lạ mà ngay cả báo chí nhà nước phải giật mình là, nhiều tỉnh có số biên chế rất cao, như Nghệ An 18.000 người, Thanh Hóa 17.300 người, cao hơn cả cán bộ – công chức ở Tp. Hồ Chí Minh (?).
Việc tiếp tục “lạm phát cấp phó” ở cấp T.Ư lẫn địa phương, hay thực trạng phình to ra của bộ máy hành chính nhà nước khiến chế độ tài chính quốc gia phải gánh nặng về lương và hưu (chi thường xuyên) với 35% ngân sách chi trả lương và hàng năm cần tới 40.000 tỷ để tăng lương cho bộ máy.
Trong góp ý dự thảo các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Thiếu tướng Lê Kế Lâm (Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TPHCM) được đăng tải trên báo chí nhà nước, ông đã cho rằng, tinh giản biên chế phải đi vào gốc, đó là “thay đổi cơ cấu nhân sự một cách có hệ thống trên cơ sở mô hình tổ chức chính quyền các cấp phù hợp, khoa học và hiện đại thay vì duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay.
Nhưng trước mắt, thì cần phải thay đổi tư duy “cơ chế mềm” ra khỏi quản lý nhân sự hành chính ở cấp lãnh đạo. Bởi nó là rào cản “không thừa, còn thiếu” khiến bộ máy tiếp tục phình ra, đe dọa kế hoạch giảm ít nhất 10% biên chế trong thời gian sắp tới, căn cứ theo Nghị quyết số 39/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.