Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làm sai do khách quan, không vụ lợi thì lãnh đạo sẽ ‘chịu trách nhiệm phụ’

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Ai làm sai do yếu tố khách quan, không vụ lợi, lãnh đạo TP.HCM sẽ đứng ra chịu trách nhiệm phụ. 

 

Đó là phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại “hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của UBND TP.HCM” diễn ra hôm 6-1-2024.

“Thành phố sẽ tăng cường thưởng phạt nghiêm minh, chính xác và kịp thời trên tinh thần mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải làm đúng và làm tốt việc được giao. Ai làm sai, có rủi ro do yếu tố khách quan, không vụ lợi, lãnh đạo thành phố sẽ đứng ra chịu trách nhiệm phụ. Còn nếu vì động cơ cá nhân, vụ lợi, tham nhũng, hối lộ thì phải chịu trách nhiệm cá nhân”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Cá nhân người viết cho rằng khái niệm pháp lý “liên đới chịu trách nhiệm” được diễn giải theo ngôn ngữ bình dân là “phụ chịu trách nhiệm” hay “chịu trách nhiệm phụ” nên được cụ thể hóa bằng tu chỉnh pháp luật; bởi về nguyên tắc thì pháp luật hình sự hiện có đề cập đến vấn đề này, nhưng vẫn chưa rõ ràng từ những diễn giải từ các Điều 20 đến 26 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

Theo đó, các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

(1) Sự kiện bất ngờ:

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

(2) Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự:

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

(3) Phòng vệ chính đáng:

– Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

– Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

(4) Tình thế cấp thiết:

– Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

– Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

(5) Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội:

– Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

– Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

(6) Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ:

– Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

– Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

(7) Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên:

– Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

– Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp sau:

  • Phạm tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.
  • Phạm tội “Chống loài người” trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.
  • Phạm tội “Tội phạm chiến tranh” trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.

… Những ý tứ của quy định trên có lẽ đã giúp cho ông Vũ Đức Đam “thoát được lao lý” khi ông đã có những quyết định sai lầm trong việc phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến gián tiếp hàng chục ngàn thường dân thương vong ở các trại tập trung bắt buộc, nhưng rồi kết cuộc thì ông chỉ dừng ở mức kỷ luật là “nghỉ hưu”, kết thúc vị trí chính trị gia từ đầu xuân năm ngoái.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thành phố Hồ Chí Minh muốn trở lại chính mình

Phan Thanh Hung

VNTB – “Quyền về lập hội” không nên tiếp tục là một “quyền treo”

Phan Thanh Hung

VNTB – Bản án khó thi hành

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo