Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làm sao định hình, chẩn đoán, tiên lượng và đối phó với các tập đoàn mạng nhện tham nhũng?

TS Phạm Đình Bá

 

(VNTB) – Quá trình đấu tranh cho tự do báo chí sẽ dần dần tạo nên đối trọng làm lung lay giới quyền lực và định hình, chẩn đoán, tiên lượng và đối phó với các tập đoàn mạng nhện tham nhũng đến từ những thế lực này.

 

Gần 50 năm qua, những gia tộc bán thức ăn ở chợ Đồng Xuân Hà Nội vẫn bám sống ở những ngõ hẹp với các quán chật chội mang ra những đĩa thức ăn truyền đời cho khách hàng nhộn nhịp ở các bàn xi-nóc, những chiếc bàn mà các chủ tiệm đã tự hào là được nâng cấp từ những chiếc bàn tre ngày cũ. Nửa thế kỷ sau, vô số thanh niên vẫn gói ghém qua ngày với lương trung bình khoảng 7 triệu một tháng trên mọi miền đất nước. Bên cạnh những tòa nhà cao vút các tập đoàn dựng nên từ đất cưỡng chiếm của dân, đời sống của mọi người khác vẫn rất vất vả.

Có phải những tòa cao tầng và các khu nhà cổng rào hoành tráng là sự thật của đời sống dân mình?

Ai đang kể chuyện thật về các tập đoàn Vạn Thịnh Phát, AIC, Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Xuân, CityLand, những tập đoàn gây tranh cãi gần đây? Báo chí lề đăng ký có đưa tin thông suốt về những tập đoàn này không? Tại sao hơn 10 triệu dân tha phương cầu thực qua xuất khẩu lao động? Tại sao hơn 10 triệu nông dân đồng bằng sông Cửu Long cứ lao đao trước khô cằn, hạn mặn và đói khác? Tại sao những bà mẹ miền Trung vẫn gầy đi từ dáng gầy gò khốn khó trầm kha?

Tác hại của chính sách phân biệt giàu nghèo của Đảng có tầm mức như thế nào? Người dân có tin tức gì để hiểu rõ tại sao đời sống của họ lại khó khăn thập kỷ này sang thập kỷ khác? Tại sao các ông tiến sĩ giáo sư nhân văn trong các khoa trên cả nước không chịu đào sâu vào những khúc mắc giữa các tập đoàn và phi vụ rửa tiền của họ cũng như những mạng nhện tham nhũng của cán bộ đảng viên cấp trung ương?

Phần phụ lục ở cuối bài tóm tắt dữ liệu về các tập đoàn mạng nhện tham nhũng, bao gồm giá trị doanh nghiệp, mặt trước, hé lộ mặt sau, lĩnh vực doanh nghiệp, địa bàn hoạt động, thời gian hoạt động và các chi tiết về truy tố và thất thoát tiền thuế của dân qua các hoạt động giả kinh doanh của các tập đoàn này. Việc xem xét nhiều tập đoàn khác nhau cùng lúc có chủ ý để bạn đọc dễ thấy những điểm tương đồng và dị biệt trong hoạt động của các tập đoàn này.

Mặt trước của các tập đoàn này là doanh nghiệp, mặt sau là các thế quyền lực chống lưng. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Xuân Cầu có mặt nổi là Tô Dũng, Tô Thị Thu Hiền, Tô Hồ Thu và một số tô khác. Thế lực chống lưng là dòng họ Tô ở làng Xuân Cầu, Hưng Yên. Công ty này là đại lý xe Piaggio, buôn bán bất động sản, đầu tư dự án đô thị, du lịch, xây villa và gần đây nhảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo một cách thành công đột khởi. [1]

Nguồn tiền ban đầu của công ty Xuân Cầu là khoảng 85 triệu đô Mỹ, tương đương với thu nhập hàng năm của 29.000 thanh nữ thanh niên có việc làm hôm nay. Ai thật sự đóng góp vào tiền khởi nghiệp của công ty? Công ty hưởng lợi như thế nào từ chân dung quyền lực? Chảy đi đâu những dòng tiền thu nhập từ đánh bạc qua mạng internet liên quan đến cục C50 của bộ công an, hay tiền hối lộ từ mua quan bán chức trong bộ công an, với cấp phòng cao nhất cả tỷ đồng? [2]

Công ty Xuân Cầu làm gì để rửa tiền cho Tô Lâm khi y làm bộ trưởng công an? Nếu báo chí và giới tinh hoa trong các khoa nhân văn không chịu tò mò thì ai được trả lương để làm tỏ những mấu chốt này?

Nếu Xuân Cầu là bài học về liên kết giữa tập đoàn và mạng chống lưng và rửa tiền, thì Vạn Thịnh Phát là bài học hơi khác một ít, dù rằng tác động lên đời sống dân thường thì to lớn hơn nhiều, cả về mặt thất thoát lẫn thời gian. Trước hết, thất thoát có thể lên đến 5% GDP năm 2021, khoảng 498.000 tỷ đồng, tương đương với thu nhập hàng năm của 6 triệu thanh nữ thanh niên sống khắc khoải với lương trung bình khoảng 7 triệu/tháng. Thất thoát này kéo dài hơn 30 năm từ 1991 – 2022. [3]

Vạn Thịnh Phát khởi nghiệp không phải với phi vụ rửa tiền như Xuân Cầu. Trong phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan nói – “Kính thưa Hội đồng xét xử, lúc đó Ngân hàng Nhà nước là ông Trần Minh Tuấn và có cả ông Phạm Quý Ngọ, lúc đó là bên Tổng cục Cảnh sát, nói với tôi rằng: Chị yên tâm, chúng tôi biết chị là người không làm ngân hàng. Chúng tôi biết, chính vì thế, chúng tôi mới cần chị.” [4]

Báo chí lề đăng ký khi tường thuật về vụ truy tố tập đoàn Vạn Thịnh Phát chỉ nhắc đến ông Trần Minh Tuấn – nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Còn Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, thì không được nêu tên trên mặt báo. [4]

Mạng nhện giữa tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Lê Thanh Hải (nguyên bí thư Sài Gòn), Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thành Phong (nguyên phó bí thư Sài Gòn) là không rõ ràng vì các báo chính đưa tin về Vạn Thịnh Phát không nhắc đến các đầu mối liên kết. Các bài báo chính đưa tin về việc kỷ luật các ông này thì lại nhắc đến tập đoàn này chỉ lấy lệ, nhắc cho có mà thôi. [5]

Mạng nhện giữa tập đoàn AIC và các chân dung quyền lực thì tuy không rõ ràng những cũng không hẳn là khó minh định, cái danh sách những đảng viên cấp cao hưởng lợi từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì dài lê thê, bao gồm Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Minh Chính, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Bình Quân, Trịnh Đình Dũng, Nguyễn Nhân Chiến, Phạm Thị Thanh Trà, Nguyễn Xuân Thắng, Trần Bình Minh và Châu Văn Minh, và những cán bộ cấp cao khác. [6]

Tuy không thể loại bỏ việc bà Nhàn có thể khởi nghiệp tập đoàn AIC với mục đích rửa tiền, nhưng chân dung quyền lực nào bỏ tiền ra ban đầu để khởi nghiệp cho AIC thì khó đoán.

Tương tự như tập đoàn Xuân Cầu rửa tiền cho dòng họ Tô của chủ tịch nước Tô Lâm, tập đoàn CityLand gần như khởi nghiệp để rửa tiền cho gia đình có gốc quân đội, Phùng Quang Thanh, từng là ủy viên Bộ Chính trị khóa 10 và 11, bộ trưởng Bộ Quốc phòng giai đoạn 2006-2016. [7]

Ông chủ tập đoàn CityLand là Bùi Mạnh Hưng. Năm 2003, được sự chống lưng của cha con Phùng Quang Thanh (khi đó Thanh là Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam), Bùi Mạnh Hưng vào Sài Gòn, đăng ký thành lập Công ty TNHH Hưng Hòa Bình ở Sài gòn với vốn điều lệ là 150 tỉ đồng.

Tập đoàn Hưng Hòa Bình rửa tiền cho bố con Phùng Quang Thanh và Phùng Quang Hải. Năm 2011, Hưng Hòa Bình nâng vốn lên 1.000 tỷ đồng, tương đương với thu nhập hàng năm của 12.000 thanh nữ thanh niên có việc làm hôm nay.

Hành trình cướp đất quốc phòng của Tập đoàn CityLand trải dài từ 2003 đến nay, với các dự án bất động sản quy mô lớn ở Sài gòn, Phú Quốc, Hà Nội và Hòa Bình. Mức thất thoát từ quỹ đóng thuế của dân khó đoán là bao nhiêu, tuy rằng tập đoàn này có khi được định giá ở 23.000 tỷ đồng, tương đương với thu nhập trung bình hàng năm của 274.000 thanh nữ thanh niên có việc làm hôm nay. [7]

Hai tập đoàn nữa hoạt động tương tự như các tập đoàn khởi nghiệp bởi doanh nhân rồi liên kết với các mạng nhện tham nhũng là tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An. Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động từ 2004 đến nay, có 21 dự án với đầu tư 40.000 tỷ đồng, có liên quan đến việc ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước vào ngày 20/03/2024. Tập đoàn này chuyên về xây dựng và kinh doanh bất động sản trên nhiều tỉnh trên khắp nước, như Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và Khánh Hòa. Tập đoàn này đã bị truy tố về các hành vi trốn thuế, gian lận trong hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại lớn cho nguồn thuế của dân và các nhà đầu tư. [8]

Tập đoàn Thuận An với vốn lên đến 800 tỷ đồng năm 2021. Tập đoàn này đã trúng thầu lên đến hơn 22.000 tỷ đồng với các dự án giao thông khắp nước ở Quảng Nam, Bắc Giang, Hậu Giang, Hà Nội, Sài Gòn, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Phú Yên, Đắk Lắk, Nghệ An, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh. Tập đoàn này liên hệ với việc ông Phạm Thái Hà – Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – vừa bị bắt, dẫn đến việc từ chức của Vương Đình Huệ. Tập đoàn này hoạt động từ 2004 đến nay và vừa bị truy tố về vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ. [9]

Các tập đoàn ở trên có thể được định hình là những doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp từ tiền tham nhũng, được dàn dựng để rửa tiền tham nhũng cũng như là công cụ kinh doanh có chỗ dựa vững chắc vào các thế quyền lực trong đảng. Các tập đoàn này cũng có thể tự phát từ doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân có khả năng dàn dựng những mạng nhện tham nhũng sử dụng các cán bộ cấp cao để bôi trơn cho hoạt động doanh nghiệp của họ.

Các tập đoàn này có những đặc tính có tính cách chẩn đoán. Các tập đoàn này thường xuất từ những nơi có phần bất ngờ, như làng Xuân Cầu, Hưng Yên. Vốn khởi nghiệp của các tập đoàn thường là lớn một cách bất ngờ, lên đến hàng ngàn tỉ đồng, và các nguồn tiền khởi nghiệp này thì không rõ ràng từ đâu ra, như tiền tham nhũng có gốc công an và quân đội, như tập đoàn Xuân Cầu và CityLand. Các tập đoàn này thường tăng trưởng nhanh và những thành công thường rất ngoạn mục, nhất là các vụ kiếm đất của dân hay cưỡng chiếm đất công.

Một tính chẩn đoán khác là các tập đoàn này thường có những chuyển biến kinh doanh rất bất ngờ, như tập đoàn AIC hoạt động trong xuất khẩu lao động, rồi kinh doanh trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nhân lực, rồi hoạt động bất động sản, rồi tách đến hoạt động về năng lượng, khoa học công nghệ và làm đầu mối mua bán vũ khí cho quân đội. Tập đoàn Xuân Cầu chuyển từ đại lý xe vespa, sang bất động sản, rồi tham gia các dự án đô thị lớn, rồi tách nhánh sang làm ăn trong năng lượng tái tạo.

Bạn nên để ý về những đặc tính có tính cách tiên lượng về triển vọng của các tập đoàn này. Các tập đoàn khởi nghiệp với nguồn tiền tham nhũng gặp rủi ro khi các nguồn chống lưng bị suy giảm quyền lực, như tương lai của tập đoàn Xuân Cầu và CityLand gắn liền với quyền lực của các thế lực công an và quân đội. Các rủi ro cho các tập đoàn này thường cao nhất lúc bất ổn chính trị, xuyên qua các thay đổi lãnh đạo trong đảng, ví dụ như thời gian trước đại hội đảng năm 2026 sắp đến.

Các tập đoàn với mạng nhện tham nhũng có thể lèo lái thành công qua nhiều cá nhân nhân quyền lực, tùy vào tính linh hoạt trong cách các tập đoàn này quản trị những liên hệ trong mạng nhện tham nhũng. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoạt động rầm rộ hơn 30 năm từ 1991 đến 2022 làm thất thoát rất lớn cho ngân quỹ thuế của dân. Những thất thoát này thường không thể thu hồi được, tuy rằng Đảng và báo chí nhà nước làm ồn về việc đi nhặt tiền rơi trong khi truy tố các tập đoàn này.

Nếu các tập đoàn này công khai cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, bạn nên nhận thức đúng rủi ro và tính không chắc chắn về triển vọng của các tập đoàn này. Đầu tư vào các tập đoàn này cũng như đánh bạc và có rủi ro mất luôn vốn một cách bất ngờ. Một điểm đáng chú ý khác là những công ty làm ăn chính đáng khó có thể cạnh tranh với những tập đoàn này.

Cách đối phó hữu hiệu của dân ta đối với các tập đoàn mạng nhện tham nhũng là qua các bài báo đưa tin chi tiết để dân mình có thể định hình, chẩn đoán và tiên lượng tương lai của các tập đoàn này. Các nguồn BBC, VOA, RFA, VNTB, Tiếng Dân và một vài báo lề đăng ký đã đưa tin và dữ liệu hữu hiệu để phát hiện các tập đoàn này. Hơn nữa, ở nơi nào có khói, chắc cũng dễ lần ra những ngọn lửa ngầm tội phạm. Dân mình đã vào việc thành công để vạch mặt quyền lực đứng sau những tập đoàn này.

Một cách đối phó hữu hiệu khác là đánh giá đúng tác hại của mạng kết nối giữa doanh nghiệp và quyền lực. Lấy ví dụ, Tô Lâm không chỉ hại những người trẻ bằng tổ chức đánh bạc trên mạng mà y còn qua tập đoàn Xuân Cầu để bôi trơn việc cướp đất của dân ở Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Bình Định, Phú Quốc, Phú Yên, Tây Ninh, Sóc Trăng, Quảng Trị và Bình Thuận. [1]

Vai trò của tự do báo chí trong việc giúp dân đối phó với các tập đoàn mạng nhện tham nhũng thường có tính quyết định. Xin đưa ra một ví dụ từ nước ngoài. Năm 2023, ở nơi tôi ở tỉnh Ontario Canada, chính quyền tỉnh ra quyết định di dời đất khỏi khu vực Vành đai xanh để cho phép phát triển nhà ở. Quyết định này bị chỉ trích là thiên vị một số nhà thầu và thiếu sự giám sát, tư vấn và biện minh thích hợp. Báo chí và các báo cáo điều tra đóng một vai trò quan trọng trong việc khám phá các chi tiết quan trọng và nâng cao nhận thức của công chúng về quyết định này.

Bằng cách kiên trì điều tra, kiểm tra thực tế các tuyên bố của chính phủ và làm sáng tỏ quy trình thiếu sót, xung đột lợi ích và vi phạm đạo đức, báo chí đã đóng một vai trò giám sát không thể thiếu mà cuối cùng buộc chính phủ phải đảo ngược hoàn toàn quyết định này, trong bối cảnh phản ứng dữ dội ngày càng tăng từ báo chí và công chúng.

Quá trình đấu tranh cho tự do báo chí ở bên nhà sẽ dần dần tạo nên đối trọng làm lung lay giới quyền lực và định hình, chẩn đoán, tiên lượng và đối phó với các tập đoàn mạng nhện tham nhũng đến từ những thế lực này.

 

Phụ lục:

Tập đoàn: Vạn Thịnh Phát. Giá trị (ước tính): 1.265.000 tỷ đồng. Mặt trước: Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), hơn 1.000 doanh nghiệp. Mặt sau (dữ liệu không đầy đủ): Lê Thanh Hải (nguyên bí thư Sài Gòn), Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thành Phong (nguyên phó bí thư Sài Gòn), ngân hàng nhà nước, thanh tra chính phủ và kiểm toán nhà nước, tổng cục cảnh sát. Doanh nghiệp: Bất động sản, ngân hàng, nhà hàng, đầu tư tài chính. Địa bàn hoạt động: Sài gòn, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng và các tỉnh khác; SCB có 239 chi nhánh trên cả nước. Thời gian hoạt động: 1991 – 2022. Chi tiết truy tố: Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, đưa hối lộ, tham ô tài sản. Thất thoát: 5% GDP năm 2021, khoảng 498.000 tỷ đồng. [3, 4]

Tập đoàn: AIC Group. Giá trị: >10.000 tỷ đồng năm 2012. Mặt trước: Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và 29 công ty thành viên. Mặt sau: Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Minh Chính, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Bình Quân, Trịnh Đình Dũng, Nguyễn Nhân Chiến, Phạm Thị Thanh Trà, Nguyễn Xuân Thắng, Trần Bình Minh, Châu Văn Minh. Doanh nghiệp: Xuất khẩu lao động và kinh doanh trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nhân lực, bất động sản, năng lượng, khoa học công nghệ. Địa bàn hoạt động: Hà Nội, Sài Gòn, Sơn La, Bắc Ninh, Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai. Thời gian hoạt động: 2005-2022. Chi tiết truy tố: Đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu. Thất thoát: khoảng 180 tỷ đồng. [6]

Tập đoàn: Xuân Cầu.  Giá trị: >311.000 tỷ đồng. Mặt trước: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Xuân Cầu. Mặt sau: Gia đình dòng họ Tô Lâm. Doanh nghiệp: Đại lý xe vespa, bất động sản, dự án đô thị, năng lượng tái tạo. Địa bàn hoạt động: Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Bình Định, Phú Quốc, Phú Yên, Tây Ninh, Sóc Trăng, Quảng Trị, Bình Thuận. Thời gian hoạt động: 2000 – đến nay. Chi tiết truy tố: Chưa có chi tiết. [1]

Tập đoàn: CityLand. Giá trị: >23.000 tỷ đồng. Mặt trước: Công ty TNHH Đầu Tư Địa Ốc Thành Phố (CityLand). Mặt sau: Phùng Quang Hải, con Phùng Quang Thanh, từng là ủy viên Bộ Chính trị khóa 10 và 11, bộ trưởng Bộ Quốc phòng giai đoạn 2006-2016. Doanh nghiệp: Các dự án bất động sản quy mô lớn. Địa bàn hoạt động: Sài gòn, Phú Quốc, Hà Nội, Hòa Bình. Thời gian hoạt động: 2003 – đến nay. Chi tiết truy tố: Chưa có chi tiết. [7]

Tập đoàn: Thuận An. Giá trị: 800 tỷ đồng (năm 2021). Trúng thầu 22.000 tỷ đồng các dự án lớn. Mặt trước: Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An. Mặt sau: Phạm Thái Hà – Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – vừa bị bắt vì liên quan đến Tập đoàn Thuận An. Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang. Doanh nghiệp: Các dự án giao thông khắp nước. Địa bàn hoạt động: Quảng Nam, Bắc Giang, Hậu Giang, Hà Nội, TP.HCM, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Phú Yên, Đắk Lắk, Nghệ An, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh. Thời gian hoạt động: 2004 – đến nay. Chi tiết truy tố: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ. [9]

Tập đoàn: Phúc Sơn. Giá trị: 21 dự án với đầu tư 40.000 tỷ đồng. Mặt trước: Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. Có liên quan đến việc ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước vào ngày 20/03/2024. Doanh nghiệp: Công ty xây dựng và kinh doanh bất động sản. Địa bàn hoạt động: Nhiều tỉnh trên khắp nước, như Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và Khánh Hòa. Thời gian hoạt động: 2004 – đến nay. Chi tiết truy tố: Các hành vi trốn thuế, gian lận trong hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại lớn cho nhà nước và nhà đầu tư. [8]

 

______________

Tham khảo:

1. Hồng Ngọc. Tập đoàn Xuân Cầu và các đại dự án hàng chục ngàn tỷ. Tiếng Dân 12/05/2024; Available from: https://baotiengdan.com/2024/05/12/tap-doan-xuan-cau-va-cac-dai-du-an-hang-chuc-ngan-ty/.

2. vô danh. Những sai phạm của Tô Lâm. Đại Ngu 16/05/2024; Available from: https://www.daingu.com/2024/05/sai-pham-cua-to-lam.html.

3. VOA, Bà Trương Mỹ Lan: án tử hình và khả năng khắc phục thiệt hại. 29/02/2024.

4. BBC. Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan bị tòa tuyên án tử hình. 11/4/2024; Available from: https://www.bbc.com/vietnamese/live/c6pydxxdl0dt?page=2.

5. Lê Phương Dung, VNTB – Mắc xích Lê Thanh Hải – Trương Mỹ Lan. 11.05.2024; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-mac-xich-le-thanh-hai-truong-my-lan/ 

6. BTV Tiếng Dân. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa bị khởi tố và có lệnh bắt giam, là ai? 29/04/2022; Available from: https://baotiengdan.com/2022/04/29/ba-nguyen-thi-thanh-nhan-vua-bi-khoi-to-va-co-lenh-bat-giam-la-ai/.

7. Hồng Ngọc. Ai bảo kê cho Tập đoàn CityLand cướp đất quốc phòng? Tiếng Dân 11/05/2024; Available from: https://baotiengdan.com/2024/05/11/ai-bao-ke-cho-tap-doan-cityland-cuop-dat-quoc-phong/.

8. vtcNews. Sai phạm của tập đoàn Phúc Sơn được báo trước từ nhiều năm. 30/03/2024; Available from: https://vtcnews.vn/sai-pham-cua-tap-doan-phuc-son-duoc-bao-truoc-tu-nhieu-nam-ar861874.html.

9. Thế Anh and Công Khoa. Liên tiếp trúng gói thầu tỷ lệ rất thấp, Tập đoàn Thuận An của ông Nguyễn Duy Hưng làm ăn thế nào? Dân Việt 16/04/2024; Available from: https://danviet.vn/lien-tiep-trung-goi-thau-ty-le-rat-thap-tap-doan-thuan-an-cua-ong-nguyen-duy-hung-lam-an-the-nao-20240415233935025.htm.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Mỗi thành phố cần một Giám Đốc Nắng Nóng

Do Van Tien

VNTB – Bài học dân chủ ở Đài Loan

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ai chết mặc ai vì còn đảng là mình còn ăn chận dân 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.