Việt Nam Thời Báo

VNTB- Làm thế nào để Thủ tướng Phúc được ‘thăm Mỹ’ nhanh nhất?

Phạm Chí Dũng

VOA




Năm 2017 đã “mở hàng” đối ngoại Việt Nam bằng những “tâm tư lạ” và chưa có tiền lệ.
Tháng Ba năm 2017, đột nhiên xảy ra một động tác “bắn tiếng” chưa từng có tiền lệ: trang Facebook của chính phủ Việt Nam đăng tải những thông tin về ý nguyện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “sẵn sàng đi thăm Mỹ”.
Trước đó vào tháng Hai, nhân vụ nữ sát thủ mang hộ chiếu Việt là Đoàn Thị Hương bị bắt ở Malaysia, lần đầu tiên Bộ trưởng công an Tô Lâm đã “chiếu cố” trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) – một hãng truyền thông mà báo đảng ở Việt Nam thỉnh thoảng vẫn xem là “đài địch”. Trả lời không chỉ một lần mà đến hai lần, sau đó Tô Lâm còn trả lời phỏng vấn cả đài BBC, khiến một số quan chức cấp thứ trưởng ngoại giao cũng không còn quá e dè với “đài địch” nữa.
Còn trước đó nữa – tháng Giêng, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam là Hữu Thỉnh bất ngờ thông báo “sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại về dự “hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” vào dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng Ba âm lịch”. Ngày này sắp đến.
Công khai ‘gợi ý’
Tính chất khác thường của “Thủ tướng sẵn sàng thăm Mỹ” cần được đối chiếu với việc trước đây các hoạt động vận động và thỏa thuận về những chuyến thăm cao cấp Việt – Mỹ đều thông qua kênh ngoại giao, và thường gần đến lúc “đi” mới công bố thông tin trên báo chí nhà nước, chứ hoàn toàn không có chuyện bày tỏ mong muốn như vừa đây trên trang Facebook của chính phủ.
Vào năm 2013, giới ngoại giao Việt đã âm thầm mở một cuộc vận động để Tòa Bạch Ốc mời ông Trương Tấn Sang – chủ tịch nước vào thời điểm đó – đến Washington vào tháng Bảy cùng năm. Còn để ông Nguyễn Phú Trọng – tổng bí thư – được đón tiếp tại Phòng Bầu Dục vào tháng 7/2015, nghe nói trước đó Bộ ngoại giao Việt Nam đã “chạy đôn chạy đáo” để vận động Bộ Ngoại giao Mỹ dành cho ông Trọng những nghi thức tiếp đón cấp nguyên thủ quốc gia như đối với Gorbachev của Liên Xô vào năm 1987.
Nhưng bây giờ thì không còn âm thầm nữa, mà gần như công khai “gợi ý”.
Thậm chí, trang Facebook chính phủ còn nhắc lại “kỷ niệm” về việc “ông Trump nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ rằng ông sẽ tiếp ông Phúc “bất cứ lúc nào, dù là ở Washington hay là New York”.
Không những “sẵn sàng đi thăm Mỹ”, vào ngày 9/3/2017 ông Phúc còn gián tiếp thông qua một đoàn doanh nhân Hoa Kỳ để đề nghị phía Mỹ “quan tâm lại vấn đề TPP”, cho dù quan điểm của Tổng thống Trump đã xác quyết ngay từ ngày đầu ông nhậm chức bằng việc ký quyết định hủy bỏ việc Mỹ tham gia hiệp định này.
Cần lưu ý rằng động tác “bắn tiếng” từ phía Việt Nam diễn ra trong bối cảnh chưa rõ phía Mỹ đã chính thức mời Thủ tướng Phúc công du Hoa Kỳ hay chưa. Nhưng theo một số tin tức ngoài lề thì cho tới giờ này, người Mỹ còn đang quá bận rộn với công việc nên “chưa có thời giờ nghĩ đến Việt Nam”.
Tình thế khó khăn kinh tế của chế độ Việt Nam nói chung và của Thủ tướng Phúc cũng bởi thế càng cám cảnh. Đã từng hy vọng TPP là cứu tinh gần như duy nhất cho nền kinh tế Việt đã trượt vào chu kỳ suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp, giới lãnh đạo chóp bu càng tỏ ra thất vọng sâu sắc khi bị trôi tuột kỳ vọng “GDP Việt Nam sẽ tăng 25% khi vào TPP”, khiến chân đứng chế độ càng bị chao nghiêng dữ dội.
Nếu không thể thuyết phục Mỹ về TPP, Việt Nam chỉ còn hy vọng Mỹ sẽ không quá làm khó đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ và do đó vẫn duy trì được xuất siêu Việt Nam sang Mỹ khoảng 25 tỷ USD/năm. Thực tế ám ảnh là trong những năm gần đây, do chất lượng không bảo đảm nên một số mặt hàng của Việt Nam như gạo, cá ba sa, tôm… đã bị hàng rào kiểm định chất lượng của Mỹ chặn lại, khiến giá trị của xuất khẩu Việt bắt đầu giảm sút.
Đó là chưa kể một cảnh báo có ý nghĩa vừa được nêu ra bởi tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế – Credit Suisse. Một báo cáo của tổ chức này nhận định rằng các biện pháp kiểm soát biên giới gắt gao hơn của chính quyền Tổng thống Trump có thể làm giảm một lượng kiều hối tương đương với 0,4% GDP của Việt Nam. Tổng lượng kiều hồi từ Mỹ về chiếm 4% GDP của Việt Nam. Báo cáo cho rằng điều này sẽ tác động mạnh nhất đến thị trường bất động sản và bán lẻ.
Thực tế là trong năm 2016, lượng tiền mà “kiều bào ta” gửi về Việt Nam đã chỉ còn 9 tỷ USD, giảm hơn 30% so với con số 13,2 tỷ USD của năm 2015.
Chưa kể nếu dự luật về thuế biên giới đánh vào hàng nhập khẩu của chính quyền ông Trump được thông qua, Việt Nam có thể bị giảm thêm 0,9% GDP…
Tự cứu
Ông Nguyễn Xuân Phúc có lẽ là đời thủ tướng rơi vào hoàn cảnh “tế nhị” nhất trong lịch sử triều đại cộng sản.
Không chỉ là người phải gánh quá nhiều khó khăn kinh tế và xã hội để lại từ đời thủ tướng trước – ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Phúc dường như còn là niềm hy vọng duy nhất của Bộ chính trị đảng để làm sao có thể kiếm ra tiền nuôi dưỡng bộ máy gần 4 triệu đảng viên và gần 3 triệu công chức viên chức, chưa tính đến một lực lượng quân đội thường trực nửa triệu binh sĩ mà chi phí quốc phòng luôn “ngốn” gần 5% GDP, trong đó nhu cầu “sẵn sàng chiến đấu” với Trung Quốc có vẻ được đẩy lên những cấp độ cao hơn cứ sau mỗi quý hoặc nửa năm.
Nhưng khác hẳn với thời “tiền nhiều như nước” của Thủ tướng Dũng, một phần không nhỏ của kinh tế Việt Nam giờ đây đã kiệt quệ cùng gánh nặng nợ công không phải chỉ “sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP” như các báo cáo mang tính di truyền từ đời Nguyễn Tấn Dũng đến nay, mà đã vọt lên đến 210% GDP, tương đương khoảng 431 tỷ USD.
Chưa cần nói đến nhiệm vụ “đầu tư phát triển”, bây giờ thì chỉ cần có đủ tiền để trả nợ lãi vay cho quốc tế và trong nước đã là quá thành công. Nhưng quả là “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, ông Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức thủ tướng vào đúng thời gian mà hầu hết các chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu đều đồng loạt tuyên bố ngừng các khoản cho vay lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn đối với Việt Nam. Tất cả phải trở về nguyên trạng thế sòng phẳng của “kinh tế thị trường”.
Có thể hình dung sức ép của Bộ chính trị đảng, và đặc biệt từ Tổng Bí thư Trọng – người đặc biệt ao ước có được TPP – tràn ngập đến thế nào dành cho Thủ tướng Phúc.
Tình thế đó đã biến ông Phúc thành “ngôi sao” duy nhất có khả năng kiếm tiền. Nhưng ở một vế có đi có lại, thành công hay thất bại chính trị của ông Phúc sẽ tùy thuộc phần lớn vào những chuyến công du đối ngoại để làm sao vay được tiền và xin được viện trợ không hoàn lại.
EVFTA?
Có thể còn một lý do thiết yếu nữa để Thủ tướng Phúc “sẵn sàng thăm Mỹ”: Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA).
EU được đánh giá là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ và luôn giúp Việt Nam xuất siêu đến 20 tỷ USD hàng năm chứ không phải thường nhập siêu đến hơn 50 tỷ USD mỗi năm (cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch) như thương mại song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Vị thế của thị trường EU sẽ càng quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hàng Việt xuất đi thị trường Mỹ đang gặp phải rào cản đáng kể về giám định chất lượng.
Thế nhưng đã hơn một năm trôi qua tính từ thời điểm Tháng Mười Hai năm 2015 khi EVFTA được ký kết chính thức, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ mà chưa có động tác triển khai nào tiếp theo. Kinh tế Việt Nam cũng bởi thế vẫn chưa có gì được coi là “hưởng lợi” từ EVFTA.
Vào đầu năm 2017, một lần nữa, việc triển khai FTA giữa EU và Việt Nam được đặt ra giữa hai bên. Nhưng vào thời gian này, hoàn cảnh đã khác biệt nhiều so với một năm trước.
Nếu một năm trước, vai trò của EU trong đàm phán thương mại và đối thoại nhân quyền gắn với thương mại với Việt Nam vẫn còn tương đối mờ nhạt trước vị trí đương nhiên của người Mỹ, thì kể từ giữa năm 2016, khi bắt đầu một cuộc “chuyển giao” về vai trò đối thoại và đàm phán nhân quyền đối với Việt Nam từ Mỹ sang EU, vai trò của EU và nghị viện khối này đã dần mạnh lên.
Vì thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Thủ tướng Phúc có lẽ không ngoài việc thuyết phục Tổng thống Trump vận động EU sớm thông qua EVFTA. Và càng tốt nếu không có điều kiện Việt Nam phải cải thiện nhân quyền.
Không loại trừ chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng vào cuối tháng 2/2017 đã có một tác động nào đấy đến thái độ “sẵn sàng đi thăm Mỹ” của Thủ tướng Phúc.
Việc Nhật hoàng không đưa ra một hứa hẹn nào về việc Nhật Bản sẽ gia tăng viện trợ cho Việt Nam có thể cũng là một hàm ý “Nhật còn phải hỏi ý kiến người Mỹ”.
Vậy làm thế nào để thủ tướng phúc có thể “thăm Mỹ” nhanh nhất và có hiệu quả nhất?
Cải cách thể chế và cải thiện nhân quyền
Thiết tưởng nên nhớ lại chuyến công du rất đặc biệt của Tổng thống Obama đến Myanmar vào cuối năm 2012. Trước đó một năm, Thein Sein – tổng thống theo đạo Phật của Myanmar đã hồi tâm một cách kỳ lạ và đưa ông trở thành một nhân vật lịch sử theo đúng nghĩa: giải chế cho lãnh tụ đối lập là bà Aung San Suu Kyi, ban hành luật tự do biểu tình, tự do hội họp, tự do báo chí, trả tự do hàng loạt cho các tù nhân chính trị, bắt đầu cải cách kinh tế… Kết quả là song trùng với chuyến thăm Myanmar của Obama, Câu lạc bộ Paris đã xóa món nợ lên đến 6 tỷ USD cho Myanmar và đầu tư nước ngoài bắt đầu ồ ạt chảy vào đất nước đã nhòa nhạt ách quân phiệt này.
Còn Việt Nam thì sao?
Bi kịch chính thể sinh ra từ tư tưởng thủ cựu và thói xấu bo bo đục khoét dân để trục lợi.
Từ lâu lắm rồi, bất chấp đòi hỏi của các tầng lớp dân chúng trong nước cùng rất nhiều lần khuyến nghị của quốc tế, giới chóp bu Việt Nam vẫn bo bo giữ thế độc quyền chính sách cho những doanh nghiệp lợi ích nhóm nhà nước trong ngành xăng dầu và điện lực, vẫn ôm trọn quyền “sở hữu đất đai toàn dân” mà thực chất là kéo dài càng lâu càng tốt cơ hội cho các nhóm lợi ích và quan chức thu hồi đất của dân với giá rẻ mạt. Và trong khi viện ra đủ thứ lý do để “treo” các quyền hiến định của dân như Luật Biểu tình, Luật Lập hội, Luật tự do báo chí thì vẫn thẳng tay đàn áp giới bất đồng chính kiến và những người dân nào dám thể hiện các quyền ấy.
Để rốt cuộc, nếu không chịu cải cách thể chế và cải thiện nhân quyền một cách thực chất, nhóm lãnh đạo bảo thủ và lợi ích trong đảng sẽ chính là một bức tường dựng đứng mà Thủ tướng Phúc không cách nào trèo qua để kiếm tiền nuôi đảng.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Tin bài liên quan:

VNTB- ‘Còng số 8’ được chuyển sang tay Chủ Tịch Ngân như thế nào?

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Phổ cập casino: Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm (Bài 3)

Phan Thanh Hung

Ai quyết định Ngoại trưởng Minh đi Mỹ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo